Tạo niềm xúc động ở tuyến truyện gia đình nhưng phim 'Kiều@' tràn ngập cảnh 'nóng' phản cảm, gây chóng mặt bởi cách dựng tua nhanh và vướng nhiều lỗi logic trong kể chuyện.
Kiều@ kể về số phận lầm đường lỡ bước của Hương (Phan Thị Mơ đóng) thông qua lời tự sự của em gái cô - Phấn (Cao Thái Hà đóng). Từ miền quê vùng núi xuống Sài Gòn học tập, Hương sa vào lưới tình của Định mà không hay biết hắn là tay buôn ma túy, chăn dắt gái gọi cho các đại gia, ông trùm. Không những bắt Hương phá bỏ giọt máu của hai người, Định còn ép cô làm gái, giúp hắn kiếm tiền.
Chạy trốn khỏi vòng kìm kẹp của Định, Hương gặp được một bác sĩ ở nước ngoài về tên Tùng. Những tưởng cuộc đời từ nay về sau sẽ êm đẹp với tình yêu thương của Tùng, Hương một lần nữa chạm mặt với Định. Sự đeo bám của Định và sự ngăn cản của anh trai Tùng buộc Hương rời xa người mình yêu. Trở lại con đường cũ, Hương giàu lên nhanh chóng nhưng luôn canh cánh nỗi lo bí mật bị lật tẩy. Về phần Phấn, cô may mắn thoát được cám dỗ của Định và nên duyên vợ chồng với Tùng. Lúc này, mối quan hệ giữa hai chị em ngày càng xa cách.
Lạm dụng xác thịt, hình ảnh chóng mặt
Xây dựng nữ chính là một gái làng chơi, Kiều@ không tránh khỏi các tình huống "đi khách" của Hương. Tuy nhiên, loạt cảnh bán nude bị lạm dụng tràn lan gây phản cảm và mệt mỏi. Nhiều cảnh trong số đó lặp đi lặp lại qua các phần hồi tưởng dù không cần thiết. Ngay cả khi tự sát trong bồn tắm, Hương cũng phải trút bỏ hết quần áo, tạo dáng gợi cảm mới yên tâm cứa cổ tay. Chưa kể, các cú máy đặc tả thân hình của Hương từ phía sau trong phòng tắm hay của các cô gái khác trong không gian hồ bơi cũng ngập tràn. Tuy hoa hậu Phan Thị Mơ chủ yếu chỉ lộ lưng trần, vai trần, không phô phang những phần nhạy cảm trên cơ thể, nhưng tiếng rên, động tác của các nhân vật gợi cảm giác thô tục.
Trước ngày ra mắt, Kiều@ được quảng bá là phim đầu tiên của Việt Nam và thứ 31 trên thế giới sử dụng kỹ thuật quay one-shot (một cú máy dài). Tại họp báo giới thiệu phim tháng 9 năm ngoái, đạo diễn Đỗ Thành An giải thích thêm phim Kiều@ không quay một cú máy duy nhất từ đầu đến cuối, mà được ghép lại bởi các cảnh thành một cú máy dài.
Thực tế, khái niệm này bị đánh tráo hoàn toàn trong bản phim chiếu rạp. Các cảnh one-shot không phải không có, nhưng cũng không phải mọi cảnh trong phim đều như vậy. Rất nhiều cảnh được băm nhỏ để quay. Trong khi, nhiều cảnh one-shot được làm tăng tốc độ hình ảnh khiến kỹ thuật quay này trở nên vô nghĩa. Nói đến việc tăng tốc độ hình ảnh, chuyện này trải dài trong gần như hai tiếng thời lượng của phim Kiều@, dù ở cảnh hồi tưởng, tóm tắt sự việc hay trong tình huống cụ thể. Cách làm này khiến người xem chóng mặt, khó theo dõi.
Trong điện ảnh, cảnh tính dục và kỹ thuật one-shot đều cần có mục đích biểu đạt rõ ràng: ẩn dụ cho thông điệp gì hay mang lại cảm giác gì. Còn ở đây, cả hai thứ đều chỉ mang tính phô diễn, không đảm bảo thẩm mỹ lẫn giá trị điện ảnh.
Xa rời 'Truyện Kiều'
Với tựa đề Kiều@, bộ phim tham vọng đem đến câu chuyện về nàng Kiều thời hiện đại. Nhưng thực tế, nội dung phim bám sát vở cải lương Nửa đời hương phấn hơn là Truyện Kiều. Tác phẩm Truyện Kiều chỉ xuất hiện trong cảnh mở đầu và kết thúc, khi hai chị em Hương và Phấn chơi bói Kiều. Yếu tố tương đồng duy nhất giữa nữ chính Hương với Thúy Kiều có lẽ ở thân phận gái bán hoa.
Nguyên cớ khiến Hương lầm đường lạc bước rất khác so với Kiều. Gia đình Hương không giàu có nhưng cũng không gặp biến cố lớn. Phim cũng không chỉ ra chi tiết cho thấy Định đủ sức uy hiếp Hương khiến cô buộc lòng làm gái. Vì chủ yếu lồng nhạc vào hình rồi thêm giọng kể chuyện, tâm lý của Hương không được đào sâu.
Ngoài hình ảnh nàng Kiều, đạo diễn còn gắn Hương với hình ảnh minh tinh quá cố Marilyn Monroe. Từ ngày xuống thành phố, Hương xăm trên lưng chân dung của biểu tượng sex một thời. Hình xăm này xuất hiện trong rất nhiều cảnh phim. Tuy nhiên, đạo diễn không làm rõ dụng ý Hương chọn hình xăm như vậy: vì sự ái mộ hoặc ám ảnh nào đó của cô dành cho người đẹp quá cố. Do đó, biểu tượng Marilyn Monroe không đạt giá trị về kể chuyện.
Ưu điểm duy nhất trong kịch bản của Kiều@ thuộc về tuyến truyện gia đình của Hương và Phấn. Sự nghiêm khắc tuyệt đối của người cha và tình thương bất tận của người mẹ dành cho hai cô con gái là điều dễ đồng cảm, liên hệ với mỗi người xem trong đời thường. Khoảnh khắc cha mẹ biết bí mật của Hương hay cảnh người mẹ đau lòng qua đời, Hương không dám gặp mẹ lần cuối được làm khá xúc động.
Cao Thái Hà (trái) và Phan Thị Mơ trong phim Kiều@. |
Nhiều tình tiết ngô nghê
Hướng đến một câu chuyện bi nhưng Kiều@ nhiều phen gây cười vì cách xử lý ngô nghê trong tình huống. Tỉ dụ khi nghĩ đến cái chết, Hương mang thuốc ngủ ra giữa quán cafe đông người để uống. Và thế là, cô được đưa đi cấp cứu ngay khi vừa ngất xỉu.
Tùng có anh trai vốn là du côn du đãng, là khách từng qua lại với Hương. Khi biết Tùng muốn cưới Hương, người anh dùng tiền ép Hương rời bỏ Tùng. Nhưng thay vì đến gặp Hương một cách đường hoàng, tên này trèo cửa sổ, lẻn vào nhà Hương như một tay ăn trộm. Ghê gớm là vậy nhưng sau này, chính người anh trai về sau lại khóc lóc, tự nhận mình là "kẻ khốn nạn, có lỗi với con Hương".
Diễn viên nhạt nhòa
Đảm nhận vai chính Hương, Phan Thị Mơ lộ vẻ đơ, cứng trong biểu cảm lẫn hình thể, cử chỉ. Rất nhiều tình huống trong phim, cô xử lý thiếu tinh tế, sai logic. Với Cao Thái Hà, vai Phấn không quá khó nhưng vẻ nhí nhảnh của nhân vật ở hơn nửa đầu phim không phù hợp với cô. Hai diễn viên nam đóng vai Định và Tùng diễn xuất nhạt nhòa. Ở nhiều cảnh phim, lời thoại không khớp với khẩu hình của diễn viên, lộ khâu lồng tiếng thiếu tỉ mỉ.
Kiều@ hiện chiếu các rạp trên toàn quốc.
Cao Thái Hà, Phan Thị Mơ bên đạo diễn Đỗ Thành An khi họp báo giới thiệu phim Kiều@. |
Cao Thái Hà đóng Hoạn Thư Diễn viên Cao Thái Hà đóng Hoạn Thư trong phim điện ảnh "Kiều" của Mai Thu Huyền. |