Dân phố Hà Nội ít khi đánh nhau, dù xích mích cạnh khóe mắng chửi nhau là chuyện cơm bữa. Trong một không gian chật chội đến đặc quánh, từng viên gạch, từng cái đinh, từng gốc cây cái cột, từng cái bỉm trẻ con, từng cái đót thuốc của người lớn, tất thảy đều có thể là lý do làm bùng lên một mồi lửa cãi cọ bừng bừng.
 

Trong suốt nhiều năm thơ ấu, tôi chứng kiến sự cạnh tranh giành thị phần khốc liệt của 2 bà cụ hàng xóm. Cả 2 cụ đều bán bún riêu cua, lại bán cách nhau có một nhà. Phố thì bé, hàng quà sáng thì nhiều, tổng lượng khách mỗi ngày lựa chọn món bún riêu chỉ vài chục người. Nếu tập trung ăn một hàng, thì vừa đẹp, nhưng chia 2 hàng thành ra cả 2 bà cụ đều bị thừa.

pho phuong xo xat
Phố phường xô xát

Vấn đề là bún riêu 2 cụ chất lượng như nhau cả, nhạt nhẽo bình thường chả có gì xuất sắc, nên không cụ nào lấn lướt được cụ nào. Vậy là 2 cụ đấu khẩu. Dăm bữa nửa tháng, lại thấy màn chửi vống lên từ 2 chiến tuyến, chỉ khổ bà bán kẹp tóc ở giữa, đau đầu nhức óc mà can mãi không được.

Rồi 2 cụ ngồi nói xấu nhau với khách, nào là “nó” làm bẩn lắm, nào là “nó” làm gì có gạch cua đâu toàn đậu phụ đấy, nào là nhà tôi mới gia truyền chứ nhà nó chả qua là con bán chè đỗ đen. Cứ thế. Thành ra thực khách rất khổ, toàn người cùng phố cả, ăn hàng cụ này thì cụ kia lườm nguýt và ngược lại. Chuyện kết thúc khi 1 trong 2 cụ đột ngột qua đời. Điều mà cho đến bây giờ tôi vẫn không thể lý giải, là sau đó thì bà cụ kia lại chuyển sang bán chè đỗ đen chứ không còn bán bún riêu nữa.

pho phuong xo xat
Nhà báo Phạm Gia Hiền

Cho đến tận bây giờ, khi những đợt ra quân lấy lại trật tự vỉa hè ngày càng dày đặc và khắt khe, thì những hàng trà đá vẫn là đặc sản của phố phường Hà Nội. Đôi thập kỷ trước, đấy gọi là quán nước chè, hoặc chè chén (trà nóng rót ra chén, chứ không phải theo nghĩa ăn nhậu), và là đầu mối của những rắc rối. Người ta đến đấy, bỏ vài đồng lẻ ra mua một chén nước chè, hút thuốc lào vặt, rồi tán chuyện, hóng chuyện, ghi lô luận số đề, chơi đầu-đít (dùng các số series trên tờ tiền để cộng trừ phân thắng bại).

Cái bối cảnh phức tạp như thế, đương nhiên chuyện mắng chửi, xô xát xảy ra như cơm bữa. Đến mức, những người hiền lành khuôn phép không bao giờ ghé quán nước chè mà ngồi, cũng cấm luôn con cháu lai vãng chốn ấy.

Thành ra có một dạo, ngồi quán nước chè toàn những anh mặc áo bay (loại áo khoác màu xanh của Mỹ), quần cỏ úa, đội “ổi Tàu” (mũ cối Trung Quốc, có lúc giá thị trường lên đến mấy triệu đồng 1 chiếc), đeo đồng hồ SEIKO 5, chân đi dép lốp, và động một chút là cầm điếu cày lên phang vào đầu nhau. Cái trò đánh nhau bằng điếu cày ấy chả hay ho gì, nhiều khi chưa đánh được người, thì nước điếu khai mù đã đổ ồng ộc vào người mình, thành trò cười cho quần chúng rảnh việc.

Giờ thì khác rồi, hàng chè chén đã thành quán trà đá, và chẳng ai đánh nhau ở đấy cả, dù đấy vẫn là tụ điểm truyền thông khu vực.

Những thị dân là cán bộ công nhân viên chức, ít khi đụng chạm nhất, nhưng một khi đã xảy ra chuyện, thì thường phức tạp hơn bà con tiểu thương rất nhiều. Như nhà nọ, 2 bên hàng xóm cách nhau chỉ một vách tường mười (nhà trọ 2 tầng người Hoa xây thời xưa, vách rất mỏng, chỉ một lớp gạch 10cm). Một hôm nhà này làm gác xép, chẳng nói chẳng rằng đục tường, rơi cả viên gạch đúng ban thờ nhà kia.

Nhà kia cán bộ Nhà nước cũng hiền lành, nhà này xin lỗi thì thôi, tiếp tục cho làm. Ai dè đến lúc nhà kia cũng cần làm gác xép, sang xin phép nhà này cho đục tường đàng hoàng, thì nhà này chẳng nói chẳng rằng, nộp đơn kiện thẳng lên phường. Từ ấy hai nhà không nhìn mặt nhau nữa, đến đời con đời cháu cũng vẫn lạnh nhạt. Kiểu va chạm ấy mới là tổn thương lâu dài.

Thời ông bà của thế hệ 8X còn sống, các cụ giữ nguyên tắc rất nghiêm khắc trong việc duy trì tình làng nghĩa xóm. Tất cả các va chạm, dù là của trẻ con, đều sẽ được dạy dỗ nghiêm khắc, và gặp tận nơi để hòa giải. Vạn nhất mà to chuyện, thì cùng lắm đến Tết, là các cụ sang thăm hỏi nhau, xí xóa cho vui vẻ thuận hòa. Thành ra người cao niên ở phố đóng vai trò rất quan trọng, giữ gìn sự hòa bình, hữu nghị.

Bây giờ, hễ xô xát là có thể dẫn đến bạo lực, kiện cáo, hoặc có khi phức tạp hóa lên bởi mạng xã hội. Cãi nhau một chút thôi là quay clip đưa lên Facebook, hàng vạn người xem, bình phẩm chế giễu, đến khi hối lại thì không sao hòa giải được nữa.

Tôi thỉnh thoảng về thăm phố cũ, gặp đám bạn ngày xưa từng cởi trần quần đùi lê la đánh lộn suốt ngày. Nhìn nhau cười, nói vài câu gượng gạo rồi lại đi. Hiểu rằng bây giờ ở phố, có muốn xô xát một trận cho ra dáng thân tình cũng khó.

http://anninhthudo.vn/song-o-ha-noi/pho-phuong-xo-xat/743674.antd

/ Theo Phạm Gia Hiền/Báo An ninh Thủ đô