Ở Việt Nam, việc bổ nhiệm GS, PGS liên quan đến hệ số lương. Ngoài ra, người được bổ nhiệm chức danh này cũng được nhận thêm hàng loạt đặc quyền khác.
Nhiều người đồng tình cho rằng nên phong GS, PGS theo nhiệm kỳ. Ảnh minh họa: Vietnamnet
Học hàm đi theo quyền lợi
1.226 GS, PGS được xét duyệt năm 2017 - con số này cao kỷ lục trong suốt lịch sử 41 năm nhà nước tổ chức xét phong/công nhận đạt chuẩn chức danh này.
Điều đáng nói, trong số GS, PGS được xét duyệt, bên cạnh những người có thành tựu nổi bật, xứng đáng được vinh danh, cũng có người không có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tiêu biểu là có không ít ứng viên không có công trình nghiên cứu khoa học nào được đăng trên các tạp chí ISI/Scopus.
Vì điều này mà dư luận những ngày qua có nhiều ì xèo, râm ran về chất lượng cũng như những chuyện tiêu cực quanh việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS.
Bởi ở Việt Nam, nếu có chức danh GS, PGS sẽ có thêm nhiều quyền lợi, như được nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp, giảng viên cao cấp. Ai được xét đủ điều kiện công nhận thì sau đó đều được bổ nhiệm. Đây là lý do để nhiều người dù trình độ chưa đạt vẫn tìm mọi cách có được danh hiệu này.
Ngoài ra, GS, PGS còn được hưởng các quyền của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục; được ưu tiên trong việc giao đề tài, dự án khoa học - công nghệ, xây dựng các chương trình, đề án phục vụ công tác quản lý và các điều kiện cần thiết khác để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Phong GS, PGS dễ dãi là... lãng phí
Những người có nhiều đóng góp, thành tựu khoa học thì rất xứng đáng được hưởng những đãi ngộ của nhà nước. Thậm chí, dù được hưởng bậc lương cao nhất vẫn còn chưa xứng đáng với công sức họ bỏ ra. Nhưng ngược lại, với những người sau khi nhận chức danh GS, PGS, lại không tích cực nghiên cứu khoa học nữa, mà vẫn hưởng các "đặc quyền" cho đến suốt đời, thì "rất có vấn đề" và không công bằng.
Tại Hội nghị phản biện vấn đề đào tạo sau đại học do Hội đồng Tư vấn Khoa học – Giáo dục và Môi trường Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức mới đây, PGS-TS Vũ Hào Quang - Ủy viên Hội đồng – đã chỉ ra một thực tế, có nhiều người được phong GS đã không chăm chỉ nghiên cứu nữa, nhưng vẫn đường hoàng hưởng mức lương cao.
Ông cho rằng nếu cứ xét duyệt và phong GS, PGS dễ dàng, rồi để họ được ăn lương nhà nước, thì rất “gay go”, gây lãng phí.
Ông đưa ra dẫn chứng nhiều giảng viên mức lương bậc 2 (hệ số 2,67), khi được phong PGS, sau một đêm ngủ dậy có quyết định nâng lương với hệ số 6,2. Có trường hợp mất 30-40 năm mới được hưởng bậc lương đó, trong khi nhiều người rất trẻ chỉ sau 1 đêm được phong tặng đã có mức lương rất cao.
Vì “học hàm đi theo quyền lợi” nên không loại trừ trường hợp, người dù chưa đủ tiêu chuẩn nhưng bằng cách nào đó “cố” để được đủ chuẩn.
Từ đó, PGS-TS Vũ Hào Quang đề nghị nên giao việc xét duyệt GS, PGS về cho các trường. Hội đồng bỏ phiếu phải ký tên, phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình trong việc chọn người xứng đáng để vinh danh. Còn nếu vẫn duy trì việc bỏ phiếu kín, sẽ dễ xảy ra tình trạng không thích ai thì không bỏ phiếu. Có khi người giỏi nhưng không có quan hệ tốt lại bị “đánh trượt oan”.
Lạm phát GS, PGS: Giá mà tăng tương xứng với chất lượng giáo dục Tôi là một công dân Việt Nam, từng được đào tạo dưới mái trường đại học chính quy. Thẳng thắn mà nói, khi biết thông ... |
Bổ nhiệm GS, PGS: Liệu ai bị "đánh trượt" khi mà tiêu chuẩn GS còn thấp hơn tiến sĩ? Nếu việc rà soát lại hồ sơ của các ứng viên GS, PGS vừa được công nhận đạt chuẩn năm nay theo quy chế hiện ... |
Sát hạch ngoại ngữ: 20% tân PGS, GS không dám tham gia, 30% như "gà mắc tóc" Sau khi báo chí và dư luận xã hội lên tiếng vì số lượng GS, PGS năm 2017 tăng đột biến, Thủ tướng Nguyễn Xuân ... |