Nói về tình trạng lái xe không chấp hành pháp luật về ATGT khi đi trên cao tốc, anh Nguyễn Tiến Anh ở Thượng Lý, Hồng Bàng, Hải Phòng cho rằng: "90% lỗi do tài xế không giữ đúng khoảng cách giữa 2 xe, còn lại là quá tốc độ và vượt ẩu. Đề nghị lực lượng Công an phạt nặng những tài xế vi phạm".
- Hà Nội lập đoàn kiểm tra làm việc với 8 địa phương tai nạn giao thông tăng cao
- Tai nạn giao thông: Đáng sợ, thảm khốc luôn là do lấn làn
Ngày 11/7, trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng xảy ra vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng làm 2 người chết, nhiều người bị thương, 3 xe ôtô bị hư hỏng nặng; trước đó, cũng trong tháng 7, cũng trên cao tốc này đã xảy ra vụ cháy xe bồn làm 1 người chết, 1 người bị thương nặng, xe bồn chở xăng bị cháy, biến dạng, hư hỏng hoàn toàn.
Đây chỉ là 2 trong số hàng chục nghìn vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra mỗi năm khiến hàng nghìn người chết, hàng chục nghìn người bị thương. Những người bị tai nạn được xác định tập trung nhóm từ 18 - 55 tuổi, là lao động chính trong gia đình, để lại nỗi đau lớn cho gia đình, mất mát cho xã hội không thể đo đếm được.
Tai nạn đặc biệt nghiêm trọng do dừng đỗ, cãi nhau trên cao tốc
Chắc chắn không bao giờ các nạn nhân trong vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng vào sáng 11/7 nghĩ rằng, chỉ vì nóng giận nhất thời sau va chạm giao thông mà người mất mạng, kẻ bị thương tật suốt đời, để lại gánh nặng cho cha, mẹ, vợ, con và những người thân. Vụ tai nạn xảy ra khoảng 9h ngày 11/7, tại Km 49+400 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (hướng đi Hà Nội- Hải Phòng) thuộc thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương làm 2 người chết, nhiều người bị thương.
Thời điểm trên, xe bán tải BKS 38C-195.83 do Đặng Quốc Hoàng, SN 1983, trú tại Nam Phúc Thăng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh điều khiển chạy chậm để tránh chướng ngại vật thì bị xe ôtô 16 chỗ, BKS 15F-006.78 do Quách Văn Lâm, SN 1989, trú tại Thanh Hối, Tân Lạc, Hòa Bình điều khiển, trên xe có 10 người (cả lái xe là 11 người) va chạm từ phía sau.
Điều đáng nói, vụ va chạm nhẹ, không xảy ra hậu quả gì nhưng sau khi va chạm, những người trên hai xe gồm anh Trịnh Tuấn Anh, SN 1990, trú tại Hậu Lộc, Thanh Hóa và Lê Ngọc Hùng, SN 1988, trú tại Thanh Chương, Nghệ An (ngồi trên xe bán tải) và lái xe 16 chỗ Quách Văn Lâm đã dừng lại giữa đường - ngay ở làn bên trái, nơi cho phép các phương tiện chạy 120km/h để cãi nhau, phân định đúng sai. Chính vì sự vô ý thức, không chấp hành quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông của họ đã dẫn đến TNGT đặc biệt nghiêm trọng khiến anh Trịnh Tuấn Anh và lái xe Quách Văn Lâm chết tại hiện trường, anh Lê Ngọc Hùng bị thương nặng.
Cụ thể, trong lúc 3 người trên đang dừng xe cãi nhau thì bị xe ôtô con BKS 30K-757.00 do Trần Ngọc Thế, trú tại Thái Hưng, Hưng Hà, Thái Bình, chở anh Lâm Quốc Hiếu, SN 1987, trú tại Đông Anh, Hà Nội tông vào. Không chỉ thế, cũng từ việc này, còn làm cho các hành khách ngồi trên xe 16 chỗ và người ngồi trên xe con là Lâm Quốc Hiếu bị vạ lây, bị thương phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Mới chưa đến 10 ngày trước, cũng chính trên cao tốc này, trên địa bàn huyện Gia Lộc, Hải Dương xảy ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng khiến người dân bàng hoàng do xe bồn chở xăng bốc cháy ngùn ngụt, khiến lái xe bồn bị cháy biến dạng, ách tắc hoàn toàn giao thông. Nguyên nhân vụ tai nạn trên cũng bắt nguồn từ ý thức của lái xe tải BKS 14C-200.85 là Vũ Văn Thêm, SN 1979, trú tại Thanh Hồng 10, Thanh Chăn, TP Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Do xe gặp sự cố, lái xe Vũ Văn Thêm không thèm quan tâm đến an toàn giao thông, đỗ xe ngay ở làn đường giữa rồi đứng ở đầu xe để gọi điện thoại, cũng không có báo hiệu để phương tiện khác biết, phòng tránh. Cũng chính vì việc này, khiến lái xe bồn chở xăng BKS 24H-002.62 kéo theo rơ móc BKS 24R-011.58, do anh Đào Phú Thắng, SN 1983, trú tại thị trấn Tằng Loong, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai điều khiển đã tông vào. Vụ tai nạn khiến xe bồn bốc cháy, lái xe Vũ Văn Thêm bị thương nặng, lái xe bồn Đào Phú Thắng tử vong.
Cần nâng cao ý thức của lái xe
Thật khó có thể kể hết muôn kiểu vi phạm gây ra những vụ TNGT lớn nhỏ trong những năm qua. Từ việc lái xe không làm chủ tốc độ, lấn làn, giành đường vượt ẩu, chạy ngược chiều, lùi xe trên cao tốc, đến lái xe trong tình trạng đã uống rượu bia, thậm chí là dương tính với ma túy… Theo thống kê của Cục CSGT, 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý 2.136.205 trường hợp vi phạm TTATGT trên đường bộ, đường sắt và đường thủy, phạt tiền hơn 4.052 tỷ đồng, tước 407.703 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ 715.459 phương tiện các loại. So với cùng kỳ năm 2023, xử lý tăng 450.688 trường hợp (+26,74%), tiền phạt tăng 800 tỷ 422 triệu đồng (+24,61%). Trong đó, có 501.435 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 19,85% các hành vi vi phạm, trung bình mỗi ngày có 2.785 trường hợp người điều khiển vi phạm nồng độ cồn); 2.901 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy; 501.009 trường hợp chạy quá tốc độ cho phép (chiếm 20,19% các hành vi vi phạm)…
Điều này cho thấy, các vi phạm về lỗi chủ quan của lái xe chiếm đa số các vi phạm gồm: vi phạm tốc độ, sử dụng rượu bia trước khi lái xe, phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn… thậm chí, nhiều lái xe còn đi ngược chiều trên cao tốc, dừng đỗ không đúng nơi quy định, không có cảnh báo…
Nói về sự may mắn của mình, anh Trần Văn Minh, ở Đống Đa, Hà Nội - người vừa thoát nạn sau vụ TNGT cháy xe bồn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vẫn chưa hết run sợ: “Hôm đó tôi đi ngay sau xe tải, đang đi tự dưng lái xe dừng lại mà không có bất cứ cảnh báo nào, rất may, tôi phanh kịp và đánh lái sang phải tránh được vụ va chạm chết người. Tuy nhiên, lái xe bồn không may mắn như vậy vì xe chở nặng, có rơ mooc nên việc phanh và đánh lái không dễ. Chính vì vậy, việc tông vào vào lật xe dẫn đến bốc cháy là điều khó tránh khỏi. Nếu hôm ấy tôi tông vào xe tải, rồi xe bồn đi ngay phía sau không phanh được thì tôi sẽ không còn cơ hội nói chuyện nữa”.
Nói về tình trạng lái xe không chấp hành pháp luật về ATGT khi đi trên cao tốc, anh Nguyễn Tiến Anh ở Thượng Lý, Hồng Bàng, Hải Phòng cho rằng: "90% lỗi do tài xế không giữ đúng khoảng cách giữa 2 xe, còn lại là quá tốc độ và vượt ẩu. Đề nghị lực lượng Công an phạt nặng những tài xế vi phạm".
Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, trên đường cao tốc, lái xe chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe do bị hỏng, sự cố thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết.
Được biết, trong Luật Trật tự ATGT đường bộ vừa được Quốc hội thông qua, đã quy định việc giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, ATGT đường bộ cho trẻ em từ mầm non, học sinh, sinh viên, người học trong các trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Theo đó, các cơ sở giáo dục có trách nhiệm lồng ghép kiến thức pháp luật về trật tự ATGT đường bộ vào chương trình chính khóa phù hợp với từng ngành học, cấp học; Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan xây dựng, tích hợp, lồng ghép kiến thức pháp luật về TTAT giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác phù hợp với từng ngành học, cấp học. Khi luật có hiệu lực sẽ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, nhất là giới trẻ, dần dần tạo ý thức, văn hoá giao thông. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo lái xe phải chú trọng đào tạo kỹ năng điều khiển phương tiện, ý thức chấp hành pháp luật và cách ứng xử văn minh khi lái xe, giải quyết “gốc rễ” từ ý thức của mỗi người tham gia giao thông. Có như vậy, mới góp phần giảm TNGT trong thời gian tới.
https://cand.com.vn/Giao-thong/phong-ngua-tai-nan-giao-thong-phai-tu-y-thuc-cua-moi-nguoi-i737139/