Hôm 1/3, bà Aung San Suu Kyi phải nhận thêm hai cáo buộc trong bối cảnh các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Myanmar tiếp diễn bất chấp sự đàn áp từ quân đội.

Trong phiên tòa hôm 1/3, bà Aung San Suu Kyi bị cáo buộc thêm hai tội danh: kích động gây rối loạn trật tự công cộng và vi phạm một đạo luật liên quan đến các hoạt động trong ngành viễn thông quốc gia. Hiện có tất cả 4 cáo buộc nhằm vào bà Suu Kyi, bao gồm tội danh vi phạm luật thảm họa quốc gia và luật xuất nhập khẩu của Myanmar trước đó.

Sự xuất hiện trở lại của bà Suu Kyi trong phiên tòa được truyền hình trực tiếp từ thủ đô Naypyitaw diễn ra trong bối cảnh phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ ở Myanmar lên cao.

Phong trào biểu tình càng lên cao, bà Aung San Suu Kyi càng bị cáo buộc thêm tội - 1
Nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi. (Ảnh: Reuters)

Cùng ngày tại Yangon, người biểu tình sử dụng các giàn giáo tre, lốp xe và nhiều vật dụng khác làm rào chắn. Tại Dawei, nhiều người tiếp tục tuần hành ở nơi có ít nhất ba người thiệt mạng trong cuộc đàn áp của lực lượng an ninh vào ngày 28/2. Kênh Myanmar Now đưa tin cảnh sát đã sử dụng lựu đạn gây choáng và hơi cay để giải tán đám đông.

Phong trào biểu tình càng lên cao, bà Aung San Suu Kyi càng bị cáo buộc thêm tội - 2
Phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ ở Myanmar tiếp tục lên cao. (Ảnh: CNN)

Bạo lực không thể kìm hãm biểu tình

"Sự đổ máu khiến cuộc kháng chiến càng trở nên mạnh mẽ, quyết tâm và đoàn kết hơn bao giờ hết. Việc này chỉ gây phản tác dụng", theo nhà hoạt động nhân quyền Thinzar Shunlei Yi, các cuộc đàn áp bạo lực không phải là giải pháp để hạn chế phong trào biểu tình.

Kể từ cuộc đảo chính quân sự ngày 1/2, có ít nhất 60 người Myanmar đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong các cuộc đàn áp biểu tình. Con số này có thể lên cao hơn trong những ngày tới.

Tính riêng ngày Chủ Nhật (28/2), đã có tới 18 người chết do lực lượng an ninh nổ súng vào đám đông biểu tình. Còn 3/3 trở thành ngày đẫm máu nhất khi tới 40 người được báo cáo là đã thiệt mạng. Hình ảnh ghi nhận từ khắp đất nước Myanmar trong ngày này cho thấy nhiều thi thể và người bị thương nặng trên đường phố, trong khi số người sống sót ẩn nấp sau những tấm khiên được dựng tạm bợ.

Theo một tuyên bố từ văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc, các trường hợp tử vong được cho là do cảnh sát sử dụng đạn thật bắn vào đám đông người biểu tình ở nhiều địa điểm, bao gồm thành phố Yangon, Dawei, Mandalay, miền Nam Myeik, trung tâm Bago và Pokokku.

Tuyên bố này lên án tình trạng "bạo lực leo thang" và kêu gọi quân đội Myanmar lập tức ngừng sử dụng vũ lực đối với những người biểu tình ôn hòa: “Người dân Myanmar có quyền tập trung hòa bình và kêu gọi khôi phục nền dân chủ".

Phong trào biểu tình càng lên cao, bà Aung San Suu Kyi càng bị cáo buộc thêm tội - 3
Ngày Chủ Nhật (28/2), có 18 người chết do lực lượng an ninh nổ súng vào đám đông biểu tình. (Ảnh: CNN)

Lãnh đạo quân đội bênh vực lực lượng an ninh

Tuy nhiên, tướng Min Aung Hlaing, chỉ huy lực lượng vũ trang Myanmar, lại ủng hộ biện pháp đàn áp biểu tình của cảnh sát. Theo kênh truyền thông nhà nước Global New Light của Myanmar, ông Hlang nói rằng các lực lượng an ninh đã hết sức hạn chế sử dụng vũ lực.

Trong một bài phát biểu hôm 1/3 trước hội đồng Quản lý Nhà nước Myanmar, tướng Hlang cho biết các cuộc biểu tình ở nước này đã biến tướng thành bạo loạn.

"Lực lượng Cảnh sát Myanmar (MPF) đang kiểm soát tình hình bằng cách sử dụng vũ lực tối thiểu với các phương tiện ít gây hại nhất. MPF thi hành nhiệm vụ của mình theo đường lối dân chủ, các biện pháp mà họ áp dụng thậm chí còn nhẹ nhàng hơn so với biện pháp ở các quốc gia khác", ông Hlang nói.

Phong trào biểu tình càng lên cao, bà Aung San Suu Kyi càng bị cáo buộc thêm tội - 4
Tướng Min Aung Hlaing cho biết các lực lượng an ninh Myanmar đã hết sức hạn chế sử dụng vũ lực. (Ảnh: CNN)

Kêu gọi sự giúp đỡ từ quốc tế

Người biểu tình và các nhà hoạt động tại Myanmar cảm thấy sự lên án từ họ là không đủ. Họ kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng hành động để tăng áp lực lên quân đội Myanmar.

Anh Nyi Nyi Aung Htet Naing, một kỹ sư mạng 23 tuổi người Myanmar, đã đưa ra lời kêu gọi tương tự trước khi bỏ mạng trong cuộc biểu tình ở thành phố Yangon hôm 28/2.

Cần bao nhiêu cái chết nữa thì Liên hợp quốc mới hành động?”, Nyi Nyi Aung Htet Naing viết trên mạng xã hội Facebook một ngày trước khi bị bắn chết bởi lực lượng an ninh, theo tờ Reuters.

Ông Tom Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tình hình nhân quyền ở Myanmar, gợi nhắc những lời cuối cùng của Nyi Nyi trên Facebook và yêu cầu sự can thiệp từ cộng đồng quốc tế: “Tuy những lời lẽ lên án được hoan nghênh, nhưng như vậy là chưa đủ. Chúng ta cần phải hành động".

Theo hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) ở Myanmar, từ ngày 1 - 28/2, có 1.132 người biểu tình bị bắt, buộc tội hoặc kết án tại nước này. Riêng ngày Chủ Nhật (28/2) ghi nhận khoảng 1.000 người bị bắt giữ trên khắp Myanmar.

Theo Liên hợp quốc, trong số những người bị bắt hôm Chủ Nhật có hơn 200 chuyên gia y tế và sinh viên, những người này sau đó đã được thả. Nhiều trường hợp bị giam giữ vẫn chưa được giải quyết, chủ yếu là do không có bất kỳ hình thức xử lý phù hợp nào.

TRẦN TRANG (Nguồn: CNN)

Bà Suu Kyi lần đầu xuất hiện sau khi bị quân đội Myanmar bắt giữ Bà Suu Kyi lần đầu xuất hiện sau khi bị quân đội Myanmar bắt giữ
Bà Aung San Suu Kyi Bà Aung San Suu Kyi "bị chuyển tới nơi giam giữ bí mật"
Bà Aung San Suu Kyi bị tạm giam đến ngày 17/2 Bà Aung San Suu Kyi bị tạm giam đến ngày 17/2

/ vtc.vn