Trước câu hỏi "có nên cho con đi học lại vào 17/2 không?", một số phụ huynh khẳng định "dốt không chết người, nhỡ có chuyện gì thì ai đền con cho tôi".

Hai tuần qua, Linh Chi, con gái chị Hoàng Vân ở quận Hà Đông được nghỉ học để phòng lây nhiễm virus corona. Học lớp 3 tại một trường quốc tế nên dù không đến trường, Linh Chi vẫn tham gia học trực tuyến do nhà trường tổ chức. 

Tuần đầu, hai vợ chồng chị Vân luân phiên ở nhà trông và lo chuyện cơm nước cho con, nhưng sang tuần thứ hai, công việc dồn lại, chị chuyển nhiệm vụ này sang người giúp việc mới thuê. Không có sự giám sát của nhà trường và bố mẹ, Chi trở nên lười biếng, hết giờ học lại "dán mắt" vào tivi. 

Gần hết hai tuần, chị Vân mừng vì con gái sắp được đến trường. Nhưng thông tin về hàng chục học sinh ở Vĩnh Phúc bị sốt, nghi nhiễm nCoV khiến chị lo lắng. "Không biết có nên cho con đi học lại không?", chị Vân đặt câu hỏi trên nhóm cha mẹ học sinh của lớp. Nhiều ý kiến đưa ra, người đồng tình cho nghỉ tiếp, người lại đưa ý kiến "Nghỉ hai tuần quá dài rồi, đi học thôi. Bố mẹ còn yên tâm kiếm tiền".

Ngày 13/2, trường thông báo sẽ triển khai song song hình thức học trực tuyến và trực tiếp từ 17/2 đến hết 21/2. Tuy nhiên, ban giám hiệu khuyến cáo phụ huynh tiếp tục cho học sinh nghỉ học tại nhà và tham gia lớp học trực tuyến. Phụ huynh nào không thể sắp xếp cho con học ở nhà được có thể đăng ký để nhà trường hỗ trợ trông và giúp học sinh học tập tại trường.

"Mừng lắm vì trường có phương án giúp học sinh học tập tại trường. Thế nhưng đọc được thông tin phụ huynh phải hướng dẫn con thuần thục các biện pháp phòng tránh dịch nCoV trước khi đến trường làm tôi băn khoăn. Dù bố mẹ hướng dẫn thật đấy nhưng các con còn quá nhỏ để hiểu mình phải giữ vệ sinh như thế nào, đặc biệt là khi bọn trẻ vui chơi và vẫn phải ăn chung, uống chung", chị Vân trăn trở.

Một phụ huynh học sinh tại Hà Nội đưa con đến trường ngay sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán 2020. Ảnh: Ngọc Thành.

Trong khi nhiều phụ huynh băn khoăn giữa việc có nên cho con tiếp tục đến trường vào ngày 17/2 hay không thì chị Nguyễn Thị Thu ở Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: "Tại sao không? Hà Nội đâu phải tâm dịch".

Hai tuần nghỉ học, hai bé nhà chị Thu, một lớp 6, một lớp 4 ở nhà với bà nội. "Hai thằng con tị nạnh nhau suốt ngày, tối về bà kể tội đau hết cả đầu. Giờ tôi mong đến ngày đi học để chúng được đến trường gặp bạn bè, thầy cô. Con sẽ vui vẻ, thoải mái hơn là suốt ngày giam lỏng trong bốn bức tường". 

Tuần trước khi nhận thông báo con được nghỉ thêm, chị Thu rất lo lắng bởi nghỉ học nhiều sẽ làm tăng thời gian học bù, thậm chí học luôn thứ bảy, chủ nhật. Theo chị, thời gian học kéo dài sẽ khiến bọn trẻ, phụ huynh và giáo viên rất mệt mỏi.

Bà mẹ này chia sẻ, hai ngày qua, hội phụ huynh trong trường lấy ý kiến có nên cho học sinh tiếp tục nghỉ học hay không. Sáng 14/2, trường có cuộc họp với hội cha mẹ học sinh và quyết định ngày 17/2 các con sẽ đi học trở lại nếu Sở giáo dục không thay đổi.

"Trường cũng khuyến khích học sinh sức đề kháng yếu nên nghỉ thêm, giáo viên sẽ hỗ trợ các con việc học. Tôi nghĩ đây là phương án tốt nhất dành cho thời điểm hiện tại", chị Thu chia sẻ quan điểm, đồng thời nhấn mạnh: "Giờ cho con đi học tôi cũng yên tâm hơn khi trường lớp đã được khử trùng đầy đủ".  

Cô trò một lớp học tại quận Thanh Xuân, Hà Nội đeo khẩu trang trong buổi học ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020. Ảnh: Ngọc Thành.

"Khử trùng trường học không đảm bảo an toàn cho học sinh", chị Thanh Huyền ở Mỹ Đình nêu rõ quan điểm trên một diễn đàn dành cho cha mẹ. 

Theo người mẹ 32 tuổi này, bản thân trường, lớp không phải nơi xuất phát dịch nên có tiêu độc khử trùng cũng chỉ là giải pháp tâm lý. Chị đặt câu hỏi: "Trong số những học sinh đến lớp, có ai chắc chắn không em nào từng tiếp xúc với người bị nhiễm hoặc người thân trong gia đình có tiếp xúc hay chưa?". 

Bé Minh Thư - con gái chị Huyền đang học lớp một trường công lập. Theo thông báo của nhà trường, ngày 17/2 học sinh đến lớp bình thường. Tuy nhiên, chị Huyền đã xin phép giáo viên cho con tiếp tục nghỉ học bởi sức khỏe Minh Thư không tốt, dễ lây nhiễm bệnh liên quan đến hô hấp.

"Dốt không chết người, đi học lúc dịch bệnh rối ren này, nhỡ có chuyện gì thì ai đền cho con tôi", chị Huyền nêu quan điểm. Ý kiến này của chị cũng được nhiều bố mẹ trong một diễn đàn hưởng ứng.

Chị Huyền chia sẻ, sau Tết con gái đi học hai buổi trong trạng thái bất an khi học sinh và giáo viên đều phải đeo khẩu trang trong lớp. Cô bé đi học về hỏi mẹ có phải ngày tận thế sắp đến không. "Bé hỏi sao mọi người phải đeo khẩu trang và sao cô giáo nhắc đi nhắc lại đến bệnh lây nhiễm, phải rửa tay liên tục. Sợ như thế thì học làm sao được?", chị Huyền chép miệng. 

Hai ngày gần đây khi thông tin về dịch bệnh nCov trở nên phức tạp khi số người mắc liên tục tăng cao, bà mẹ này khẳng định quyết tâm không cho con đến lớp của mình là đúng đắn. Chị chia sẻ, đã hai tuần nay phải xin nghỉ ở nhà để chăm sóc con nhưng không vì thế mà mong con nhanh chóng trở lại trường học. Theo chị, học sinh chỉ nên đi học trở lại khi trường lớp phải an toàn và phụ huynh phải thực sự an tâm.

Hải Hiền

"Phải đảm bảo an toàn, sức khỏe cho học sinh khi đi học trở lại"

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Đã đi học trở lại thì trường, lớp phải thật sự an toàn, an toàn cả dưới ...

Nhật Bản chưa tìm ra con đường lây nhiễm của dịch COVID-19

Bộ trưởng Kato cho biết MHLW dự định cử các chuyên gia từ Viện các bệnh truyền nhiễm tới bệnh viện ở tỉnh Wakayama, nơi ...

Hỗn loạn trong "vòng kim cô" Vũ Hán

Nhiều người Vũ Hán bị dồn tới khu cách ly khi có dấu hiệu nhiễm virus corona, nhưng không được chăm sóc đúng mức trong ...

Có nên rút ngắn thời gian nghỉ hè, tăng thời gian nghỉ phòng dịch COVID-19?

Trong khi dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, thì việc có nên cho hàng triệu học sinh trở lại trường ...

/ vnexpress.net