Con gái tôi đã học tiểu học ở ba nơi: Australia, Việt Nam và Đức.

Hội phụ huynh trả lại 332 triệu đồng của 48 khoản thu đầu năm
Phản đối lạm thu, hàng trăm phụ huynh cho con nghỉ học, đòi đuổi Hiệu trưởng

Đây là ba nền giáo dục có nhiều điểm rất khác nhau nhưng ở các lớp con tôi học đều có ban phụ huynh.

Ở những nước mà việc chụp ảnh con trẻ đưa lên các phương tiện truyền thông cũng phải xin ý kiến phụ huynh như ở Đức và Australia, việc tồn tại ban phụ huynh lớp và hội phụ huynh trường là điều hiển nhiên. Đây là tổ chức đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của học sinh đồng thời có vai trò hỗ trợ và phối hợp với nhà trường trong các hoạt động cụ thể.

Về mặt lý thuyết, các trường công ở cả Australia, Đức và Việt Nam được bao cấp bởi ngân sách nhà nước, trẻ đi học không phải đóng học phí. Tuy nhiên, khi ngân sách nhà nước cấp cho giáo dục ngày càng eo hẹp, và khi nhu cầu về các phương tiện hỗ trợ học tập, ngoại khóa… ngày càng cao thì việc kêu gọi sự đóng góp của gia đình học sinh, hay "xã hội hóa" giáo dục như ở Việt Nam, trở thành phổ biến.

Ở Australia, việc kêu gọi đóng góp của gia đình học sinh thường được tổ chức vào dịp đầu năm học. Số tiền đóng góp ở các trường là khác nhau, như trường con tôi thì thu 200 AUD (3,5 triệu đồng) cho tiền giấy bút đầu năm - và là phụ huynh, ai cũng hiểu, trong đó có tiền xây dựng trường; có trường ghi hẳn số tiền đề nghị mỗi gia đình đóng góp thêm (khoảng từ 100-200 AUD): Đây là khoản tự nguyện, nhưng nếu phụ huynh nào qua thời hạn mà chưa nộp thì trường sẽ có giấy nhắc. Với những gia đình có thu nhập thấp thì khoản đóng góp sẽ nhẹ nhàng hơn.

Việc đóng góp từ các gia đình cho nhà trường ở Australia được coi là cách để nâng cao cơ sở vật chất, từ đó nâng cao chất lượng dạy, học, nâng cao ranking (thứ hạng) của trường. Vì vậy thường các trường có ranking càng cao, ở các khu giàu có luôn có mức yêu cầu đóng góp đối với phụ huynh cao hơn ở các khu vực khác. Kết quả học tập của học sinh các trường này thường cũng sẽ tốt hơn.

Ở Đức, việc đóng góp của phụ huynh với nhà trường nhẹ nhàng hơn. Đầu năm phụ huynh nhận được một danh sách đồ dùng học tập cần mua, và chỉ hết 10-20 € là có thể mua được hết các đồ dùng đó. Tuy nhiên, trong các cuộc gặp gỡ có mặt phụ huynh ở trường con tôi (các hoạt động tập thể ở Đức thường không có cấp trên đến dự, khách mời thường xuyên là phụ huynh), bà hiệu trưởng thẳng thắn trao đổi về sự hạn chế trong chi tiêu theo ngân sách nhà nước và kêu gọi sự đóng góp về tài chính từ phía các gia đình để có thể tổ chức được nhiều hơn các hoạt động ngoại khóa cho học sinh và mua thêm được nhiều hơn trang thiết bị học tập và ngoại khóa. Việc huy động sự đóng góp thường được tiến hành chủ yếu qua các hoạt động ngoại khóa. Ngoài các hoạt động văn thể, nhà trường kêu gọi các gia đình tham gia bán hàng trong khuôn viên trường, và mỗi gian hàng sẽ phải nộp một ít tiền phí. Nhà trường cũng tổ chức các hoạt động như chạy, đạp xe, bơi… và vận động các gia đình tài trợ… Theo quan sát của tôi, các gia đình đều nhiệt tình ủng hộ.

Như vậy, vấn đề xã hội hóa hay phụ thu kinh phí từ phía gia đình học sinh không phải là chuyện cá biệt ở Việt Nam. Ở những nước phát triển như Australia và Đức, khi đầu tư trên đầu học sinh cao hơn ở Việt Nam nhiều, mà chuyện kêu gọi sự đóng góp từ phía gia đình cũng trở nên phổ biến, thì chuyện các trường phổ thông ở Việt Nam trông chờ vào sự đóng góp từ phía các phụ huynh không phải là điều khó hiểu.

Có điều, Ban phụ huynh ở các nước này chỉ tham gia đóng góp ý kiến, có thể hỗ trợ kêu gọi đóng góp từ phía các gia đình, nhưng họ không trực tiếp thu tiền. Tất cả khoản tiền từ phụ huynh đều được nộp cho thư ký trường, có ghi chép và biên nhận cụ thể. Nếu các khoản đóng góp là lớn (thường là trên 100 AUD hoặc trên 50 €), phụ huynh sẽ được nhận hóa đơn tài chính, có thể ghi khoản đó vào khoản tài trợ (donation) để khấu trừ thuế vào cuối năm tài chính.

Số tiền huy động được trong các kỳ cuộc cũng thường được công khai trên website của nhà trường, và hàng năm trong báo cáo tổng kết cũng thường có mục năm nay nhà trường xây dựng/ mua thêm/ mở rộng thêm được dịch vụ gì nhờ vào số tiền huy động được từ phía gia đình học sinh.

Lớp học ở Australia và Đức đều không có khoản quỹ lớp, không có chuyện thu thêm tiền để mua quà cho thầy cô hay ban giám hiệu nhà trường nhân dịp lễ tết. Việc tặng quà giáo viên rất hiếm khi xảy ra.

Việc ban phụ huynh ở các trường phổ thông Việt Nam đứng ra thu tiền quỹ lớp, quỹ trường có một số vấn đề cụ thể như sau:

- Thiếu tính minh bạch: Số tiền thu được thường hiếm khi được tổng kết là thu được bao nhiêu và dùng vào việc gì.

- Thiếu tính hợp lý: Ví dụ như thu tiền để mua điều hòa hay lát nền cho lớp, trong khi lớp đó các con chỉ ngồi học trong một năm học.

Xã hội hóa giáo dục là xu hướng khó có thể đảo ngược trong điều kiên kinh tế và xã hội ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, để đảm bảo tính hiệu quả và bền vững và tránh lạm thu, tôi cho rằng nhà trường cần phải thực hiện tốt trách nhiệm giải trình cần minh bạch các khoản thu, cân nhắc tới tính hợp lý và điều kiện kinh tế cụ thể của các gia đình khi đưa ra các kêu gọi đóng góp.

https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/phu-huynh-va-lam-thu-3647149.html

/ Trần Thị Tuyết/vnexpress.net