Nga sẽ đối phó ra sao khi Mỹ và các quốc gia châu Âu liên tục tuyên bố viện trợ, “bơm” khí tài hạng nặng để Ukraine đối chọi với Moskva?

Xung đột Nga - Ukraine bước sang tháng thứ 12 song vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Hai bên cầm chân nhau trên chiến trường, chưa có những thay đổi mang tính bước ngoặt để khép lại cuộc khủng hoảng này.

Tuy nhiên, với việc Mỹ và đồng minh châu Âu liên tục tuyên bố cung cấp khí tài hạng nặng, xe tăng, tên lửa tầm xa... cho Ukraine, tương quan lực lượng giữa Nga và Ukraine trên thực địa sẽ có những thay đổi nhất định, tác động đến cục diện hai bên.

Xung đột chuyển sang chiến tranh tiêu hao

Khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, điện Kremlin đề ra mục tiêu rất rõ và nêu điều kiện kết thúc chiến dịch quân sự nếu phía Kiev đáp ứng: Ukraine ngừng các hành động quân sự, thay đổi hiến pháp để đảm bảo tính trung lập, thừa nhận bán đảo Crimea thuộc Nga, đồng thời công nhận độc lập cho các Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng ở miền đông Ukraine (Donbass).

Thời điểm đó, truyền thông phương Tây cho rằng, ban đầu Nga muốn chiến dịch quân sự tại Ukraine sẽ kết thúc nhanh chóng với việc quân Nga có thể tiến vào Kiev, kiểm soát toàn bộ Ukraine. Thế nhưng, sức kháng cự của Kiev cũng như quân đội Ukraine đã kìm chân quân Nga, buộc Moskva phải đổi chiến thuật và các mục tiêu quân sự trên đất Ukraine.

Theo đó, từ “đánh nhanh, thắng nhanh”, Nga dần chuyển sang “đánh chậm, thắng chắc” và xung đột ở Ukraine giờ đây dường như đang chuyển sang chiến tranh tiêu hao. Phía Ukraine cáo buộc Nga sử dụng chiến thuật tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) trong thời gian qua nhằm kéo dài xung đột, khiến Ukraine kiệt quệ.

“Chúng tôi có thông tin rằng Nga lên kế hoạch thực hiện đợt tấn công kéo dài bằng máy bay không người lái Shahed. Có lẽ mục tiêu của họ là khiến chúng tôi kiệt quệ. Kiệt quệ cả về nhân lực, hệ thống phòng không và hệ thống năng lượng”, Tổng thống Zelensky nói hôm 2/1.

Có lẽ, chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine sẽ chưa có hồi kết nếu như Moskva chưa đạt được các mục tiêu đề ra. Đàm phán giữa Moskva và Kiev vẫn dậm chân tại chỗ, hai bên liên tục nêu các điều kiện nối lại đối thoại song cả Nga và Ukraine đều thừa nhận rằng cánh cửa để họ ngồi lại cùng nhau là xa vời bởi mục tiêu của mỗi bên là khác nhau.

Phương Tây tăng cường viện trợ vũ khí, cục diện ở Ukraine thay đổi? - 1

Xung đột Nga - Ukraine kéo dài sang tháng 12 song vẫn chưa có hồi kết. (Ảnh: AP)

Việc Moskva phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine không chỉ đơn thuần như những lý do mà nước này tuyên bố. Đằng sau đó, cái lớn hơn, Nga muốn thông qua chiến dịch quân sự này để “dằn mặt” Mỹ và đồng minh, tuyên bố sẵn sàng thay đổi trật tự thế giới do Mỹ và phương Tây dựng lên.

Rõ ràng, những gì diễn ra thời gian qua cho thấy lãnh đạo Nga không nói suông và nước này đã có sự chuẩn bị từ lâu cho cuộc xung đột hiện nay. Do đó, Moskva đang tìm cách thích ứng với tình hình thực địa, cũng như bối cảnh phương Tây tăng cường viện trợ quân sự “mạnh tay” cho Kiev bằng những vũ khí hạng nặng, sẵn sàng đối chọi với Moskva về lâu dài.

Nga cho rằng kế hoạch mua vũ khí của Mỹ cho thấy Washington có ý định kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng các tài liệu mua sắm vũ khí của Mỹ cho thấy Washington có ý định duy trì cuộc xung đột ở Ukraine trong ít nhất 3 năm tới.

“Washington có kế hoạch thúc đẩy cuộc xung đột ở Ukraine ít nhất cho đến cuối năm 2025. Đó là kế hoạch của họ, xét theo các tài liệu mua vũ khí mà họ công khai”, bà Zakharova nói vào cuối năm ngoái, đề cập đến hợp đồng cho hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS) của công ty Raytheon. Theo kế hoạch này, quân đội Mỹ sẽ mua hệ thống tên lửa trị giá 1,2 tỷ USD cho Ukraine, với thời gian hoàn thành ước tính vào cuối tháng 11/2025.

Phương Tây tăng cường viện trợ vũ khí, cục diện ở Ukraine thay đổi? - 2

 Mỹ sẽ gửi 31 xe tăng M1 Abrams tới Ukraine. (Ảnh: Reuters)

Phương Tây muốn gì khi “bơm” vũ khí cho Ukraine?

Mỹ và EU tích cực viện trợ về mặt quân sự và kinh tế cho Ukraine sau khi Moskva phát động chiến dịch quân sự tại quốc gia láng giềng. Thời gian gần đây, phương Tây tỏ ra rầm rộ trong việc viện trợ xe tăng cho Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (25/1) tuyên bố sẽ cấp 31 xe tăng Abrams cho Ukraine, còn Thủ tướng Đức Scholz nói sẽ gửi cho Ukraine 14 xe tăng Leopard 2. Trước đó, Anh tuyên bố cấp 14 xe tăng Challenger-2 cho Ukraine. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với 300 chiếc xe tăng mà Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố là cần thiết để đẩy lui quân Nga.

Các quyết định này xuất hiện sau khi ông Zelensky liên tục hối thúc phương Tây viện trợ xe tăng cho nước này. Cả Mỹ và Đức trước đó cũng đã lưỡng lự trong việc đưa ra quyết định hỗ trợ cho Kiev. Tuy nhiên, Mỹ và đồng minh hiểu rằng cần đáp ứng các nhiệm vụ cấp bách để hỗ trợ Kiev, bởi viễn cảnh Ukraine thất bại cũng sẽ là sự thua cuộc của phương Tây trước Nga.

Mỹ và đồng minh sẽ tiếp tục tăng cường cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ quân sự để đối phó với các cuộc tấn công của Nga. Tuy nhiên, phương Tây cũng đảm bảo xung đột không leo thang, sẽ cần cân nhắc đến các chính sách dài hạn với cả Nga và Ukraine giữa bối cảnh xung đột có thể kéo dài.

Cùng với đó, phương Tây tiếp tục kiềm chế Moskva bằng cách duy trì các lệnh trừng phạt kinh tế và cô lập Nga về mặt ngoại giao. Viễn cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài sẽ đẩy các nước phương Tây tình thế "tiến thoái lưỡng nan", khi phải tìm cách cân bằng giữa nguồn lực nội tại và sự hỗ trợ cho chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky.

Cả Mỹ và EU có nhiều lý do để hỗ trợ Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga. Xét về sâu xa, Mỹ và đồng minh châu Âu muốn chiến sự kéo dài. Bởi một khi xung đột Nga - Ukraine tiếp diễn, Moskva sẽ phải dồn sức lực cho cuộc chiến này, và sức ép từ quốc tế gia tăng, đẩy Nga vào thế cô lập.

Đối với Mỹ, nước này không tìm cách đối đầu quân sự trực diện với Nga trên chiến trường. Washington đang được cho là bên hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng hiện nay. Nhiều chuyên gia nhận định, xung đột Nga - Ukraine càng kéo dài, Mỹ sẽ tiếp tục “hái quả ngọt”.

Xét về góc độ kinh tế, dù kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng nhất định do hệ lụy từ chiến Nga – Ukraine, lạm phát gia tăng... song bù lại Mỹ đang thu lợi từ cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu bằng việc cung cấp dầu và khí hóa lỏng (LNG) cho khu vực này.

Trong khi đó, về quân sự, chiến sự tại Ukraine cũng là dịp để Washington quảng bá về các khí tài hiện đại, tiên tiến của nước này. Từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát, Mỹ đang là quốc gia viện trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine.

Ngoài việc “chào hàng” các loại vũ khí của mình, Mỹ cũng muốn tránh bị nghi ngờ là quay lưng với Ukraine và mất uy tín với các đồng minh, nhất là trong bối cảnh Washington bị chỉ trích bỏ rơi các đối tác ở Trung Đông.

Còn đối với các quốc gia châu Âu, họ đang rơi vào cảnh không thể dừng hỗ trợ cho Kiev bởi nếu Ukraine thất thế, mối đe dọa của Nga sẽ hiện hữu. Do đó, nhiều quốc gia dù đối mặt với khó khăn song vẫn dốc lực để viện trợ cho Ukraine đối phó với Nga.

Phương Tây tăng cường viện trợ vũ khí, cục diện ở Ukraine thay đổi? - 3

Đàm phán giữa Nga và Ukraine không thể diễn ra vì mục tiêu của các bên là khác xa nhau. (Ảnh: TASS)

Toan tính của Nga

Dù phương Tây tuyên bố tăng cường viện trợ xe tăng cho Ukraine thời gian gần đây, song giới lãnh đạo chính trị lẫn quân sự của Nga đều tỏ ra bình tĩnh. Dường như họ tin tưởng rằng các vũ khí này không tạo ra mối đe dọa chiến lược với Nga.

Phản ứng trước quyết định của Mỹ và đồng minh khi gửi xe tăng đến Ukraine, Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov gọi đây là một bước đi "gây hấn trắng trợn". Trong khi đó, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, việc các quốc gia phương Tây chuyển giao thiết giáp hạng nặng cho Ukraine sẽ không tạo ra bước ngoặt trong cuộc xung đột.

“Họ đã đánh giá quá cao triển vọng của việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Điều này sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng và rất tốn kém. Tất cả những điều này sẽ và chắc chắn sẽ đổ hết lên vai những người nộp thuế ở châu Âu”, ông Peskov nói.

Nhiều nhà phân tích phương Tây cho rằng các cỗ xe tăng nói trên sẽ không thể xoay chuyển cục diện chiến trường, hiện đang có lợi cho Nga. Nga được dự báo sẽ cố gắng củng cố vị trí của mình ở Bakhmut, Soledar, Zaporizhzhia vào thời điểm các xe tăng phương Tây tới được lãnh thổ Ukraine.

Mới đây, Nga bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng Gerasimov - người có kinh nghiệm trong lĩnh vực tăng thiết giáp, làm tư lệnh Nga trên chiến trường Ukraine. Động thái này được cho là Nga đã lường trước tình huống nổ ra những cuộc đấu tăng lớn ở Ukraine.

Giới chức phương Tây từng cho rằng nếu châu Âu và Mỹ tiếp tục duy trì sự quyết tâm và đoàn kết sau mùa đông khó khăn, các vấn đề kinh tế và quân sự của Nga sẽ trở nên nghiêm trọng hơn bởi tác động từ các lệnh trừng phạt. Điều đó sẽ khiến Moskva phải tìm kiếm lối thoát cho cuộc xung đột hoặc theo đuổi một thỏa thuận hòa bình.

Theo các quốc gia phương Tây, các lệnh trừng phạt, trong đó có lệnh cấm vận dầu mỏ và áp giá trần dầu thô sẽ khiến nền kinh tế Nga suy thoái và có nguy cơ tiếp tục lao dốc trong những năm tới. Thế nhưng, trên thực tế, hầu như có rất ít dấu hiệu cho thấy các lệnh trừng phạt có thể khiến các hoạt động quân sự của Nga phải dừng lại hay gây sức ép kinh tế quá lớn lên điện Kremlin.

Thay vào đó, Nga dường như đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới vào những tháng tới với những binh lính được huấn luyện tốt hơn, sẵn sàng cho kiểu chiến tranh tiêu hao. Nga cũng bắt đầu đạt được thành quả trong những cuộc giao tranh gần đây tại thành phố Bakhmut chiến lược ở phía Đông Ukraine.

 https://vtc.vn/phuong-tay-tang-cuong-vien-tro-vu-khi-cuc-dien-o-ukraine-thay-doi-ar739072.html

KÔNG ANH / VTC News