Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ nếu thiếu tri thức, thiếu hiểu biết việc phòng, chống dịch bệnh có thể dẫn tới hai thái cực lơ là, mất cảnh giác hoặc quá sợ hãi.
Dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI và Lễ Kỷ niệm 25 năm thành lập Hội Khuyến học Việt Nam (1996-2021), ngày 1/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, qua đại dịch COVID-19 càng thấy rõ nếu thiếu tri thức, thiếu hiểu biết việc phòng, chống dịch bệnh hoàn toàn có thể dẫn tới hai thái cực lơ là, mất cảnh giác hoặc quá sợ hãi.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh qua đó gián tiếp thấy rõ hơn vai trò của công tác khuyến học, nhất là duy trì học tập của người lớn, học tập trong nhà trường. Cũng trong dịch bệnh, nhiều lãnh đạo, hội viên các cấp hội khuyến học đã trực tiếp tham gia chống dịch, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, động viên con cháu học tập dù không đến trường.
Dịch bệnh COVID-19 cùng với chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã gợi mở rất nhiều điều đối với công tác khuyến học, khuyến tài gắn với khả năng thích ứng của mỗi cá nhân trong thời đại mới.
“Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 không chỉ dành cho người trẻ, mà cũng vô cùng quan trọng với những người cao tuổi. Thế giới thay đổi, đất nước thay đổi và chúng ta phải chủ động thích nghi, trong cái khó ló cái khôn để hoàn thành, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định học tập là một trong những nội dung, yêu cầu tối quan trọng của việc xây dựng con người, xây dựng nền văn hoá Việt Nam. (Ảnh: VGP) |
Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với Hội Khuyến học Việt Nam để triển khai các phong trào, đề án về xây dựng xã hội học tập.
Các cấp hội khuyến học, nhất là cơ sở, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề nghiệp, có bước phát triển thực chất, hiệu quả trong hoạt động của hơn 10.000 trung tâm học tập cộng đồng với hai “chìa khoá”: Ứng dụng khoa học công nghệ triệt để, sự tham gia thực chất của chính quyền cơ sở.
Từ đó, các cấp hội khuyến học góp phần cùng với chính quyền các cấp ngày càng hoàn thiện hơn các tiêu chí xây dựng đơn vị học tập, xã hội học tập, các phong trào thi đua. Một cộng đồng văn hoá trước hết phải là một cộng đồng học tập, gương mẫu trong xây dựng xã hội học tập.
Bước vào nhiệm kỳ mới, Phó Thủ tướng tin tưởng Hội Khuyến học Việt Nam tiếp tục phát triển lớn mạnh, góp phần ngày càng quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Các cấp hội khuyến học thực hiện tốt việc khuyến khích, hỗ trợ, tư vấn cho Đảng, chính quyền các cấp để sự nghiệp giáo dục, phát triển con người Việt Nam thành công.
Nhìn lại chặng đường 25 năm, Hội Khuyến học đã lớn mạnh cả về chất và về lượng. Tổ chức Hội đã phủ kín các xã, phường, thôn, bản với hơn 21 triệu hội viên, đưa việc học tập suốt đời và xây dựng các thiết chế học tập của người dân gắn chặt với đời sống cộng đồng thôn bản, tổ dân phố.
Hội đã khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học tốt đẹp của dân tộc, thúc đẩy từng người dân, từng dòng họ, từng bản làng tham gia vào việc học tập thường xuyên. Hội luôn luôn gắn việc học của mỗi người dân với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "học không bao giờ cùng" như một triết lý của sự học hành.
Đóng góp lớn nhất và tập trung nhất của Hội khuyến học Việt Nam trong 25 năm qua là vận động phong trào người lớn học tập suốt đời, vì mục tiêu xây dựng và phát triển nhân lực chất lượng cao theo hướng tiếp cận nền kinh tế tri thức. Hội hướng mọi hoạt động khuyến học, khuyến tài để tạo điều kiện cho mọi người có năng lực làm chủ tri thức, coi sự giàu có tri thức là yếu tố quyết định để con người phát triển bền vững, tạo nên sự giàu có về thu nhập và phát triển đời sống văn hóa phong phú của chính mình.
Từ định hướng đó, Hội đã không ngừng đổi mới, huy động mọi nguồn lực, phát triển Quỹ Khuyến học, tiến hành trao hàng triệu suất học bổng cho cả trẻ em và người lớn, cả thầy cô giáo và học sinh, giúp học sinh nghèo vươn lên học giỏi. Mối quan hệ phối hợp của Hội với các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp ngày càng được tăng cường.
XUÂN TRƯỜNG