Anh, Mỹ và Canada đã cùng rời khỏi cuộc họp G20 để phản đối chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, trong bối cảnh nguy cơ chia rẽ trong kinh tế thế giới gia tăng.

Đại diện ba nước rời phiên họp khi các đại biểu Nga phát biểu trong sự kiện ở Washington. Các nguồn tin cho biết thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey và một quan chức bộ tài chính nằm trong số những người rời cuộc đàm phán.

Quan chức phương Tây bỏ ra ngoài khi đại diện Nga phát biểu tại G20 - 1

Bộ trưởng tài chính Mỹ Janet Yellen không đồng ý với sự hiện diện của quan chức Nga cấp cao tại G20. (Ảnh: Getty)

Vụ việc diễn ra bên lề các cuộc họp mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Ngày càng có nhiều lo ngại rằng sự đổ vỡ trong quan hệ quốc tế sẽ làm suy yếu nghiêm trọng sức phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch và làm tăng lạm phát, đẩy thêm hàng triệu người vào cảnh nghèo đói trên toàn thế giới.

“Rõ ràng là có những sự thật rất, rất đáng lo ngại mà chúng tôi phải đối phó. Tôi có thể nói thành thật rằng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trải qua một cuộc chiến tranh khác ở châu Âu với quy mô như cuộc chiến này”, người đứng đầu IMF, Kristalina Georgieva nói.

“Chúng tôi cũng nhận ra chúng tôi phụ thuộc lẫn nhau như thế nào. Không có quốc gia nào có thể tự giải quyết các vấn đề. Rõ ràng là sự hợp tác phải và sẽ tiếp tục”.

Các nguồn tin cho biết Anh, Mỹ và các quốc gia phương Tây khác đang bàn luận để có quan điểm về tư cách thành viên G20 của Nga.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Janet Yellen, nói với những người tham dự rằng bà không tán thành sự hiện diện của một quan chức Nga cấp cao. Trong cuộc gặp Sri Mulyani Indrawati, Bộ trưởng Tài chính Indonesia trước đó, quan chức Mỹ nói “sẽ không có hoạt động kinh doanh như thường lệ đối với Nga trong nền kinh tế toàn cầu”.

Mohamed El-Erian, cựu phó giám đốc IMF, nhận định rằng vụ việc cho thấy G20 đang không hoạt động như một cơ quan quốc tế. “Tương lai của chủ nghĩa đa phương đang gặp rủi ro vào thời điểm mà chúng ta cần nó nhất”, El-Erian kêu gọi các chính phủ tiếp tục hợp tác với nhau.

“G20 quá chia rẽ và thiếu tính liên tục. Tôi luôn tự hỏi tại sao tổ chức không có một ban thư ký. Các nước chỉ trải qua nhiệm kỳ chủ tịch này sang nhiệm kỳ chủ tịch khác – thay đổi liên tục. Vì vậy, rất ít công việc được thực hiện”, ông nói.

IMF cũng cho biết rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu đang lớn dần khi cuộc chiến của Nga ở Ukraine làm gia tăng lạm phát.

https://vtc.vn/quan-chuc-phuong-tay-bo-ra-ngoai-khi-dai-dien-nga-phat-bieu-tai-g20-ar672511.html

PHƯƠNG ANH(Nguồn: The Guardian) / Theo VTC News