Phát ngôn viên cơ quan lập pháp Trung Quốc cho hay, khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc là điều “bình thường” và hai bên có thể cùng tồn tại như các cường quốc toàn cầu.
Theo người phát ngôn của cơ quan lập pháp Trung Quốc, Trương Nghiệp Toại, Washington và Bắc Kinh có thể cùng tồn tại như một cường quốc toàn cầu song hai nước phải học cách tôn trọng lẫn nhau và không đi vào con đường đối đầu và cạnh tranh sai trái.
Phát biểu trong cuộc họp báo trước phiên khai mạc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc, người phát ngôn của cơ quan lập pháp Trung Quốc, Trương Nghiệp Toại cho biết Washington và Bắc Kinh có thể hợp tác với nhau trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu và chống lại đại dịch COVID-19.
Người phát ngôn của cơ quan lập pháp Trung Quốc Trương Nghiệp Toại. (Ảnh: Tân Hoa Xã) |
Ông Trương Nghiệp Toại cũng cho hay, cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Mỹ Joe Biden hồi tháng 2 là cơ hội để thiết lập lại quan hệ giữa hai nước. Có nhiều lĩnh vực hai nước cùng quan tâm như biến đổi khí hậu và ứng phó COVID-19, thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu và duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”, ông Trương Nghiệp Toại cho hay.
Theo người phát ngôn cơ quan lập pháp Trung Quốc, các chính sách của Washington đối với Bắc Kinh là nhất quán và luôn tuân thủ nguyên tắc không đối đầu, song ông nhấn mạnh Trung Quốc sẽ bảo vệ lợi ích và chủ quyền của mình.
Hồi tháng 2, Tổng thống Joe Biden cảnh báo "hậu quả" đối với các hành vi vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh. Bắc Kinh từ lâu bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền và trong cuộc điện đàm với ông Biden, Chủ tịch Tập Cận Bình nói các vấn đề liên quan đến Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan là “công việc nội bộ của Trung Quốc và liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”.
Bên cạnh đó, ông Trương Nghiệp Toại cũng cho biết, Trung Quốc minh bạch về ngân sách quốc phòng của nước này. Năm 2019, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đạt 185 tỷ USD, trở thành quốc gia có mức chi tiêu quân sự cao thứ hai trên thế giới, sau Mỹ. Tuy nhiên, Washington cho rằng con số thực tế sẽ cao hơn rất nhiều.
Lời kêu gọi hai nước “chung sống hòa bình” của ông Trương Nghiệp Toại được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken hôm 3/3 nhấn mạnh, Trung Quốc là “thách thức địa chính trị lớn nhất mà Mỹ phải đối mặt trong thế kỷ 21”.
Chương trình nghị sự về an ninh quốc gia được công bố cùng ngày cho thấy, Mỹ sẽ khôi phục vai trò lãnh đạo toàn cầu bằng cách nắm lấy các nền tảng đa phương và thúc đẩy quan hệ với các đồng minh để đối phó với Bắc Kinh.
Ngoài ra, người phát ngôn của cơ quan lập pháp Trung Quốc cũng cho biết, việc cung cấp vaccine COVID-19 cho các nước đang phát triển của Bắc Kinh không vì các ý định chính trị. Trung Quốc đã cung cấp vaccine cho hơn 60 quốc gia, hầu hết là các quốc gia đang phát triển, và nước này đang thảo luận với 40 quốc gia khác để cung cấp vaccine.
Trung Quốc là một trong những nhà sản xuất vaccine COVID-19 lớn nhất thế giới và Chủ tịch Tập Cận Bình hứa hẹn biến vaccine Trung Quốc trở thành “hàng hóa công cộng toàn cầu”. Trung Quốc cũng đã cung cấp 10 triệu liều vaccine cho sáng kiến COVAX - hệ thống phân phối vaccine do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đứng đầu.
“Đối mặt với đại dịch, không có gì quan trọng hơn mạng sống của con người. Trung Quốc bắt đầu hợp tác quốc tế để chống lại đại dịch không vì mục đích địa chính trị, và nó không đi kèm với bất kỳ ràng buộc chính trị nào. Chúng tôi hy vọng nhiều quốc gia hơn có thể cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển”, ông Trương Nghiệp Toại nhấn mạnh.
Trung Quốc đã tăng cường kêu gọi hợp tác với Mỹ trong nghiên cứu và phát triển vaccine. Tuy nhiên, chính quyền Biden được cho là đang đàm phán với các đồng minh trong nhóm “Bộ tứ” - QUAD, gồm Nhật Bản, Ấn Độ và Australia để phân phối vaccine COVID-19 cho các nước châu Á trong nỗ lực chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.
Trung Quốc đã gửi vaccine đến các nước bao gồm Bolivia, Zimbabwe, Guinea Xích đạo, Iraq, Pakistan, Campuchia và Lào trong những tuần gần đây.