Vào cuối tháng 4, đặc sứ hòa bình về Trung Đông của Liên Hiệp Quốc, ông Nickolay Mladenov, nổi giận viết trên Twitter: "Giết một đứa trẻ ở Gaza hôm nay thì giúp được gì cho hòa bình? Chỉ làm thù hận trào dâng và dung dưỡng giết chóc".
Ông Mladenov chất vấn như vậy sau khi một thiếu niên Palestine bị lính bắn tỉa Israel bắn trúng đầu khi đang biểu tình hòa bình gần hàng rào biên giới Gaza.
Có thể Israel nghĩ rằng vài chục người chết và hàng ngàn người bị thương bên phía Palestine trong hơn 6 tuần biểu tình vừa qua là cái giá chấp nhận được để giữ Gaza trong vòng kiểm soát. Các cuộc biểu tình này được xem là chiến dịch phi bạo lực nhằm nhắc nhở thế giới về những người Palestine đã buộc phải tháo chạy khi Israel chiếm đóng đất đai của họ.
Ý tưởng biểu tình được nhà báo 33 tuổi Ahmad Abu Artema lan truyền trên Facebook. Anh Artema thắc mắc chuyện gì sẽ xảy ra nếu hàng ngàn người Gaza, phần lớn là người tị nạn và con cháu của họ, cố vượt qua biên giới để trở về nơi sinh sống của tổ tiên?
Một người biểu tình Palestine bị thương do đụng độ với binh sĩ Israel tại biên giới Gaza hồi cuối tháng 4 Ảnh: AP
Ý tưởng này có thể quá lý tưởng nhưng không hề ngốc nghếch. Liệu có ai không hài lòng với mong muốn của Artema - người Palestine và Israel sống bên nhau, có tư cách công dân ngang bằng thay vì khư khư ôm mối hận thù và bạo lực bao đời qua?
Chẳng thà mơ ước còn hơn chấp nhận cơn ác mộng của thực tại - đó là niềm tin về một tương lai tốt đẹp hơn mà anh Artema chia sẻ cùng với Tổng thống Israel Reuven Rivlin. Đầu năm ngoái, ông Rivlin tuyên bố ủng hộ sáp nhập hoàn toàn Bờ Tây để đổi lấy quyền công dân trọn vẹn cho người Israel và những quyền lợi tương đương cho cư dân Palestine.
Vấn đề là ý tưởng tốt đẹp của anh Artema có thể bị Hamas, nhóm vũ trang Hồi giáo đang kiểm soát Gaza, "cướp lấy". Hamas còn để người Gaza biểu tình một cách hòa bình trong bao lâu nữa? Đỉnh điểm căng thẳng có thể bùng nổ vào ngày 15-5 tới đây, khi người Palestine tưởng niệm Nakba ("Ngày thảm họa", chỉ sự kiện hơn 700.000 người Palestine phải bỏ nhà cửa trong cuộc chiến tranh năm 1948 giữa khối Ả Rập với Israel).
Sau một thập kỷ bị Israel, cũng như Ai Cập, phong tỏa kinh tế và trải qua 3 cuộc chiến nhỏ, Gaza giờ như một nhà tù khổng lồ giam hãm 1,8 triệu người và không khác gì nồi áp suất đang chực chờ nổ tung. Chấp nhận ý nguyện người Palestine cần có một đất nước - cũng nhiều như mong muốn về một quốc gia riêng của người Israel - là lợi ích của chính Israel.
Quân đội Syria siết vòng vây quanh trại tị nạn Palestine Binh sĩ Syria đang siết chặt vòng vây quanh một trại tị nạn Palestine chịu sự kiểm soát của các tay súng nổi dậy ở ... |
Israel thắng mà như thua Israel có quyền bảo vệ biên giới nhưng không phải bằng cách sử dụng vũ lực chống lại những người biểu tình Palestine phần lớn ... |
Chuyên gia tên lửa của Palestines bị bắn tử vong tại Malaysia Cơ quan tình báo Mossad của Israel bị tố cáo đứng đằng sau vụ ám sát chuyên gia tên lửa của tổ chức vũ trang ... |
Xã luận của báo The Guardian (Anh)