Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên được dư luận quốc tế đánh giá cao, đặc biệt với nội dung đàm phán nhằm phi hạt nhân hóa. Nhưng liệu bài toán hạt nhân của Triều Tiên đã thực sự có lời giải sau cuộc gặp lịch sử của nhà lãnh đạo Triều Tiên với nhà lãnh đạo Mỹ? Báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Vinh Quang, cố vấn cao cấp của trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế (CSSD) xung quanh vấn đề này.

Ngay sau cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều, ông Trump đã nói trên Twitter rằng "không còn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên nữa". Ông đánh giá lý do nào khiến người đứng đầu Nhà Trắng lại đưa ra nhận định như vậy?

Ông Nguyễn Vinh Quang: Có hai khả năng. Khả năng thứ nhất là ông Trump tin vào sự thành công của những nội dung Mỹ đã đàm phán với phía Triều Tiên.

Niềm tin này của ông Trump cũng có cơ sở vì phân tích tình hình Triều Tiên cho thấy đã đến lúc Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Khả năng thứ hai có thể nằm ở lý do ông Trump muốn tuyên truyền với thế giới cũng như nước Mỹ rằng ông đã làm được việc mà các Tổng thống trước đó chưa làm được.

quan he my trieu tien va co hoi lich su de trien khai phi hat nhan hoa

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo tiết lộ của tờ Vox (Mỹ), trong quá trình đàm phán với Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra đề xuất Bình Nhưỡng cần bàn giao 60–70% đầu đạn hạt nhân cho bên thứ ba trong vòng 6–8 tháng. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng được cho là đã liên tiếp từ chối tuân thủ lịch trình do Ngoại trưởng Mỹ đề xuất. Ông đánh giá sao về vấn đề này?

Ông Nguyễn Vinh Quang: Giải trừ cả kho vũ khí hạt nhân không hề giản đơn, không phải là chuyện nói là làm được ngay. Cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên ở Singapore khiến thế giới rất mừng nhưng không ai nghĩ Mỹ đã khăng khăng yêu cầu Triều Tiên phải giải trừ đến 60-70% đầu đạn trong vòng vài tháng.

Đây là điều rất khó có thể xảy ra. Thực tế lịch sử cho thấy, Libya cũng phải mất nhiều năm mới giải trừ được hạt nhân, hay vấn đề giải trừ hạt nhân ở Iran cũng mất đến 12 năm đàm phán mà sau đó đến cuối cùng nước Mỹ thay đổi chính quyền thì vấn đề này lại phức tạp như hiện tại ta đã thấy.

Tại cuộc gặp ở Thượng đỉnh ở Singapore, Mỹ đã đồng ý chia làm nhiều bước để giải quyết vấn đề hạt nhân ở Triều Tiên. Khi đã đồng tình chia bước ra để đi thì cả hai bên phải thống nhất đi theo từng bước một, và cả hai bên cùng phải đi.

Từ đầu năm đến nay Triều Tiên đã triển khai được một số bước. Đó là việc ngừng thử hạt nhân, phá bỏ bãi thử hạt nhân ở Punggye Ri, trả hài cốt binh sĩ Mỹ tử trận trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 cho Mỹ.

Đó là những bước đi tích cực. Tôi cho rằng về vấn đề phi hạt nhân hóa, việc giải quyết cả gói thay vì từng bước là không được, làm nhanh là không thực tế và lòng tin giữa Mỹ cũng như Triều Tiên còn cần xây dựng thêm.

Mỹ-Triều đã tổ chức hội nghị Thượng đỉnh hồi tháng Sáu nhưng những động thái gần đây cho thấy có khả năng diễn ra cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai. Ông đánh giá sao về cuộc gặp lần 2 này nếu có diễn ra?

Ông Nguyễn Vinh Quang: Việc ông Trump và ông Kim Jong-un có thể gặp nhau lần nữa hay không, đây là điều khó dự báo. Vì nếu như chỉ nhìn không khí ở Singapore ngày 12/6 tôi đoán chắc chắn sẽ có cuộc gặp thứ hai. Nhưng khả năng này không phù hợp với tình hình 2 tháng vừa qua.

Đứng về phía Triều Tiên, có thể nước này cũng còn có những băn khoăn khi quyết tham gia cuộc gặp lần 2, đặc biệt là khi Mỹ còn cho thấy chưa có những bước đi cụ thể trong nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân ở Triều Tiên.

Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử cuối năm và đây là sự kiện quan trọng với ông Trump cũng như Đảng Cộng Hòa. Vì lẽ đó nên trong lúc dư luận đang đồn đoán rằng cuộc gặp Mỹ-Triều không mang lại hiệu quả thì khả năng ông Trump tiếp tục gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên là ít xảy ra.

quan he my trieu tien va co hoi lich su de trien khai phi hat nhan hoa

Ông Nguyễn Vinh Quang, cố vấn cao cấp của trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế (CSSD).

Dù không đạt được mục tiêu cụ thể nhưng cuộc gặp thượng đỉnh hôm 12/6 được cho là vẫn mang tới nhiều ý nghĩa. Ông đánh giá gì về nhận định này?

Ông Nguyễn Vinh Quang: Nên nhớ rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử hai nước vốn có quan hệ thù địch, lãnh đạo của hai nước lại ngồi được với nhau.

Điều này mang tới ý nghĩa rất lớn. Với quốc tế, nó tạo tiền lệ rất tốt - đó là khi tình hình căng thẳng, lãnh đạo các nước có thể gặp nhau và điều này giúp ngăn chặn được những mâu thuẫn, xung đột lớn.

Ý nghĩa thứ hai mà cuộc gặp đem lại đó là mang đến cho thế giới một niềm hy vọng về việc tháo gỡ được vấn đề nan giải ở Đông Bắc Á-vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Vì thế nên điều này tạo không khí rất tốt.

Về phía Mỹ, Tổng thống Trump đã làm được điều mà chưa Tổng thống Mỹ nào trước đó làm được. Còn phía Triều Tiên, người đứng đầu của họ đã bắt tay và nói chuyện rất bình đẳng với người đứng đầu nước Mỹ là sự cổ vũ rất lớn đối với người dân Triều Tiên, họ càng tự tin hơn.

Mặt khác Triều Tiên đã cho thế giới thấy lãnh đạo nước này sẵn sàng hủy bỏ vũ khí hạt nhân và rất nhiều nước từ chỗ thù địch với Triều Tiên có thể thay đổi thái độ trở thành bạn bè với họ, có thể tính đến hợp tác với Triều Tiên trong tương lai. Những điều này làm không khí khu vực dịu đi và mang đến cho người ta nhiều hy vọng hơn.

Ông đánh giá sao về quan hệ Mỹ-Triều hiện tại?

Ông Nguyễn Vinh Quang: Tình hình bán đảo Triều Tiên từ năm 50 trở lại đây còn tồn tại nhiều vấn đề, cuộc chiến tranh Triều Tiên, về kỹ thuật, đến giờ vẫn chưa kết thúc, mới chỉ là đình chiến.

Tuy nhiên, hiện tại tình hình Triều Tiên đã tốt hơn. Bình Nhưỡng đã cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân, chướng ngại vật chính trên bán đảo Triều Tiên và mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên cũng cải thiện một bước như ta đã thấy.

Quan hệ Mỹ-Triều Tiên hiện giờ chưa thể nói là rất thành công nhưng nhìn cả chiều dài lịch sử thì lúc này là lúc tốt hơn trước rất nhiều. Đặc biệt, người đứng đầu giữa hai quốc gia này đã gặp nhau, bắt tay nhau. Bây giờ từ Washington sang Bình Nhưỡng gần gũi hơn rất nhiều. Ngoại trưởng Mỹ và các quan chức khác của Mỹ vẫn qua lại Triều Tiên.

Quan hệ Mỹ-Triều trong giai đoạn hiện nay tốt hơn trước đây rất nhiều và quan hệ hai miền Triều Tiên cũng đã tốt lên, nên tôi cho rằng đây là cơ hội mà hơn nửa thế kỷ qua mới có để các bên cải thiện tình hình. Và đây là dịp thuận lợi hiếm hoi để giải quyết vấn đề hạt nhân. Chúng ta hy vọng cả Mỹ và Triều Tiên không bỏ lỡ cơ hội lịch sử này.

PV: Xin cảm ơn ông!

Xem thêm >> Triều Tiên bác bỏ toàn bộ đề xuất phi hạt nhân hóa của Mỹ

quan he my trieu tien va co hoi lich su de trien khai phi hat nhan hoa Đạo luật quốc phòng được ký nhanh nhất lịch sử Mỹ có thể nhằm đối phó Nga, Trung

Ngân sách quốc phòng 716 tỷ USD năm 2019 cho thấy Mỹ muốn tăng khả năng đối phó các đối thủ về quân sự và ...

quan he my trieu tien va co hoi lich su de trien khai phi hat nhan hoa Chương Mỹ có thể tái diễn ngập lụt do ảnh hưởng bão Bebinca

Đợt mưa lớn từ ngày 15 đến 17/8 sẽ gây ngập lụt ở những vùng trũng, trong đó có huyện Chương Mỹ, thành phố Hà ...

quan he my trieu tien va co hoi lich su de trien khai phi hat nhan hoa Mỹ có thể gây thêm áp lực nếu Thổ Nhĩ Kỳ không thả mục sư

Một quan chức Mỹ cho biết Washington sẽ gia tăng sức ép kinh tế lên Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này từ chối thả mục ...

/ http://www.nguoiduatin.vn