Việc Bộ GD-ĐT quy định cấp phép dạy thêm vô hình trung đã tạo ra một “giấy phép con”, và nhiều địa phương đã lợi dụng để thu tiền từ đóng góp của nhân dân và công sức giáo viên.

quan ly day them ngoi mat an bat vang

Trường THPT Bình Long trong năm học 2015-2016 đã phải nộp hơn 60 triệu tiền "quản lý và cấp phép" dạy thêm về Sở GD-ĐT Bình Phước. Ảnh: PV

Trước đây, việc dạy thêm - học thêm chỉ mang tính chất tự phát, hoặc do các trường tự tổ chức. Vào tháng 1.2007, Bộ GD-ĐT ban hành Quyết định 03 về dạy thêm học thêm, quy định giáo viên dạy thêm phải được cấp phép. Tháng 5.2012, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 17 thay thế Quyết định 03, tiếp tục duy trì thủ tục cấp phép dạy thêm.

Dựa vào quy định nói trên, một số địa phương như Bình Phước, Quảng Bình, Quảng Trị… đã ra quy định thu phí “cấp phép dạy thêm” hay “quản lý dạy thêm”, với mức thu từ 2-5% trên tổng số tiền thu được.

Chỉ riêng trường THP thị xã Bình Long, với số học sinh khoảng 1.300 em, mà trong năm học 2015-2016 đã trích nộp số tiền hơn 60 triệu (tương ứng 3%) cho Sở GD-ĐT. Với hơn 30 trường THPT, số tiền “cấp phép” và “quản lý” của Sở GD-ĐT Bình Phước là rất lớn.

Như vậy, chỉ việc ký giấy phép theo danh sách các trường trình lên, rồi thỉnh thoảng tổ chức kiểm tra… Sở GD-ĐT Bình Phước đã được hưởng số tiền “khủng”, từ đóng góp của phụ huynh.

Theo quy định tại Bình Phước, mỗi trường THPT được hưởng chi phí “quản lý” lên tới 12% tổng số tiền học thêm thu được. Trong năm 2015-2016, chi phí cho công tác “quản lý” tại trường THPT TX Bình Long đã lên tới hơn 243 triệu. Số tiền này, ngoài các giáo viên chủ nhiệm được hưởng, là Ban giám hiệu chia nhau. Trong đó, không có quyết định phân công các thành viên Ban giám hiệu quản lý dạy thêm.

“Quản lý” dạy thêm, thực chất là thu tiền, lên thời khóa biểu, phân công giáo viên, mở cửa, đánh trống…. Vì dạy thêm không có kiểm tra, đánh giá, không có sổ điểm… như dạy chính khóa.

Ở nhiều nơi, Ban Giám hiệu đến trường, đi qua đi lại một vòng, hàng tháng hưởng số tiền “quản lý dạy thêm” tương đương một tháng lương.

Trong khi giáo viên dạy thêm, phải có năng lực, lao tâm khổ tứ, lên lớp rát hơi bỏng cổ… mới được nhận tiền thù lao; nghỉ tiết nào là bị trừ tiền.

Một số trường, ngoài chi phí “quản lý” không nhỏ, tiền học thêm còn chi tiêu tùy tiện, sai nguyên tắc, không đảm bảo chứng từ. Trường THPT TX Bình Long (Bình Phước), đã trích 89 triệu tiền học thêm để… sơn khu hiệu bộ.

Thiết nghĩ, để bảo đảm công bằng, cần xử lý những đơn vị thu tiền “cấp phép dạy thêm” trái quy định, buộc hoàn trả số tiền đã thu; bãi bỏ quy định tỷ lệ % cứng chi cho công tác quản lý chung chung. Mà chi phí quản lý cần liệt kê cụ thể theo đầu việc, ngày công, thiết bị, điện nước… sau đó mới tính toán số thu, để đỡ gánh nặng cho phụ huynh.

Thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT không nên tạo kẽ hở để tạo ra những kiểu “BOT”, những kẻ “ngồi mát ăn bát vàng”.

quan ly day them ngoi mat an bat vang Sở GD-ĐT Bình Phước “ngồi mát” hưởng hàng trăm triệu tiền quản lý học thêm

Bộ GD-ĐT và UBND tỉnh Bình Phước đều không có quy định chi tiền học thêm cho cơ quan cấp phép dạy thêm. Tuy nhiên ...

quan ly day them ngoi mat an bat vang Từ năm 2018, bỏ "cấm thi" vào lớp 6: Dạy thêm, học thêm có tái diễn?

Đề xuất các trường có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh được phép thực ...

/ Lao động