Hàng trăm quan sát viên quốc tế đang giám sát trực tiếp tại các điểm bầu cử trong cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Nga ở 4 tỉnh Ukraine, dù hoạt động bỏ phiếu này không được phương Tây công nhận.
- Thách thức trong việc sửa chữa vũ khí phương Tây viện trợ Ukraine
- Mỹ cảnh báo Nga về "hậu quả thảm khốc" nếu tấn công hạt nhân Ukraine
Hãng tin RT của Nga hôm nay (26/9) cho biết, các cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Nga tại các tỉnh Donetsk, Lugansk ở Donbass; và Kherson, Zaporizhzhia phía Nam Ukraine, đang được theo dõi bởi các quan sát viên đến từ nhiều nước, bao gồm các quốc gia phương Tây như Mỹ, Pháp, Italia và Đức.
Đại diện ủy ban bầu cử Lugansk Elena Kravchenko nói rằng, khu vực này ghi nhận sự hiện diện của 40 quan sát viên quốc tế, bao gồm những người tới từ Anh và thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong ngày đầu tiên của cuộc trưng cầu dân ý 23/9. Trong khi đó, đại diện Donetsk khẳng định, có đến 133 quan sát viên từ 28 quốc gia đang theo dõi quá trình bỏ phiếu ở đây.
Theo RT, nhiều người không thể tới các khu vực diễn ra trưng cầu dân ý do "khó khăn trong việc xin cấp thị thực và các vấn đề về giao thông". Tại tỉnh Zaporizhzhia, đại diện chính quyền địa phương Vladimir Rogov nói, "số lượng quan sát viên ít hơn so với kế hoạch chính quyền khu vực". "Chỉ trong thời gian ngắn, mọi người phải xin thị thực đến Nga để tới với chúng tôi. Hơn 20 người đã không đủ thời gian", ông Rogov thông tin thêm.
Trước đó, TASS dẫn lời quan sát viên người Đức Patrick Baab khẳng định, ông đã tới 5 điểm bỏ phiếu ở Lugansk. "Các điểm bỏ phiếu, một ở trường học, một trong nhà hát, một trên xe bus và 2 điểm ngoài trời. Các điểm bỏ phiếu trong nhà tuân thủ các quy tắc quốc tế về bỏ phiếu kín và tự do", ông nói.
Ông Baab cũng nhấn mạnh, 2 trong số 3 điểm bỏ phiếu mà ông tới thăm ở thành phố Mariupol (Donetsk) phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, nhưng điểm bỏ phiếu ngoài trời không đảm bảo được tính bí mật của phiếu bầu. "Các cơ quan chức năng giải thích (việc phải bỏ phiếu di động ngoài trời-PV) là để đảm bảo an ninh. Đó là vi phạm duy nhất", ông Baab nói, TASS dẫn lời.
Theo quan sát viên Janlisbert Velasco người Venezuela, việc bỏ phiếu ngoài trời không nên được xem là một vi phạm đáng kể. Bà Velasco nhấn mạnh, cử tri được điền phiếu trong ô tô của họ. "Nhiều người nói họ chờ đợi cuộc trưng cầu này 8 năm và sẵn sàng bỏ phiếu công khai", bà Velasco khẳng định.
Hoạt động trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Nga tại các khu vực trên khởi động hôm 23/9, kéo dài 5 ngày. Trong 4 ngày đầu, giới chức bố trí các điểm bỏ phiếu di động hoặc mang thùng phiếu tới tận nhà các hộ dân để họ bỏ phiếu. Ngày 27/9, các điểm bỏ phiếu cố định sẽ mở cửa cả ngày.
Tính đến sáng 26/9, 76,09% cử tri Lugansk đã đi bỏ phiếu. Con số này ở Donetsk là 77,12%, ở Kherson là 48.91% và ở Zaporizhzhia là 51,55%. Ông Vladimir Vysotsky, Chủ tịch Ủy ban bầu cử ở Donetsk thông báo, hơn 1,2 triệu cư dân vùng này đã đi bỏ phiếu về việc sáp nhập Nga.
Theo RiaNovosti, trong trường hợp kết quả bỏ phiếu cho thấy cư dân các vùng này muốn sáp nhập Nga, Moscow sẽ tôn trọng quyết định đó. Cả 4 khu vực sẽ giữ nguyên tên gọi, có vị thế như một chủ thể liên bang của Nga, tương tự trường hợp của Crimea năm 2014.
Tuy vậy, Ukraine và phương Tây những ngày qua tuyên bố phản đối các cuộc trưng cầu, đồng thời khẳng định họ không công nhận kết quả của các cuộc bỏ phiếu.
Ukraine tăng cường tập kích dọc chiến tuyến
Theo RT, trong khi các cuộc bỏ phiếu đang diễn ra, quân đội Ukraine đã tăng cường tập kích các mục tiêu dọc chiến tuyến phía Đông và phía Nam. Tại Donetsk, một trường mẫu giáo trúng đạn, nhưng chưa rõ thiệt hại. Ở Lugansk, pháo từ hệ thống HIMARS được khai hỏa về phía các khu Nizhnyaya Duvanka, Novaya Astrakhan, Severodonetsk và Stakhanov.
Ở mặt trận phía Nam, Nga cáo buộc quân đội Ukraine sử dụng 8 máy bay không người lái tập kích nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia nhưng toàn bộ chúng đã bị đánh chặn bên ngoài khuôn viên nhà máy.
Quân đội Ukraine cũng được cho là đã cố gắng tiến công theo hướng Mykolaiv, nhưng bị Nga đẩy lùi. Bộ Quốc phòng Nga xác nhận không quân nước này đã bắn rơi 2 chiếc MiG-29 của Ukraine trên bầu trời Mykolaiv. Những chiếc MiG-29 của Ukraine đã được hoán cải để khai hỏa tên lửa chống radar HARM mà Mỹ viện trợ.