Đến cuối tháng 4-2018, tổng nợ thuế trên địa bàn tỉnh Quảng Bình lên đến 370 tỉ đồng, là số nợ thuế lớn nhất từ trước đến nay
Trong đó, nợ thuế khó thu là 140 tỉ đồng. Hầu hết các doanh nghiệp (DN) nợ thuế lớn đứng trước nguy cơ phá sản cao. Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh Quảng Bình, các DN có số tiền nợ thuế lớn chủ yếu liên quan đến lĩnh vực khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng.
Đứng đầu danh sách nợ thuế là Công ty CP Khai thác sản xuất bột đá chất lượng cao Linh Thành Quảng Bình với 46,5 tỉ đồng. Tiếp đến là Công ty CP Sản xuất vật liệu và xây dựng Cosevco 1 gần 40 tỉ đồng, Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Quảng Bình 25,6 tỉ đồng. Nhiều DN khác cũng nợ thuế với số tiền lớn như: Công ty CP Thương mại dịch vụ Kim Tự Tháp gần 11 tỉ đồng, Công ty CP Xây dựng Đại Phúc Quảng Bình gần 7 tỉ đồng, Công ty TNHH Đầu tư Linh Việt Nam 9 tỉ đồng…
Ngoài nợ thuế với số tiền lớn, hầu hết các DN trên đều nợ tiền lương, tiền BHXH với công nhân. Đơn cử như Công ty Linh Thành có mỏ đá đang hoạt động tại xã Quảng Đông. "Nguyên cả năm 2016, chúng tôi chỉ nhận vỏn vẹn được một tháng lương. Họ cứ khai thác đá bán lấy tiền nhưng dây dưa trả nợ lương mà chúng tôi không còn cách nào để đòi" - một công nhân ở xã Quảng Đông phản ánh.
Ông Võ Văn Sơn, Trưởng Phòng Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế Cục Thuế tỉnh Quảng Bình, khẳng định hầu hết những DN trên đều đến Quảng Bình thuê đất để đầu tư kinh doanh nhưng hoạt động kém hiệu quả. Đơn cử như Công ty Công nghiệp Tàu thủy Quảng Bình giờ gần như phá sản. Họ đến thuê đất làm ăn, sau đó bết bát dẫn đến nợ thuế 25 tỉ đồng. Công ty Linh Thành Quảng Bình cũng vậy. Số DN trên đều xếp vào hàng nợ khó thu hồi.
Cục Thuế tỉnh Quảng Bình ra "tối hậu thư" với các doanh nghiệp chây ì
Theo ông Đoàn Vĩ Tuyến, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Bình, cục đã áp dụng nhiều biện pháp để thu hồi nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế. "Cục cũng đã nói hết lời rồi. Thấy họ khó khăn mình cũng khuyến khích, động viên các DN nhưng một số DN nhỏ lẻ thì không nói chứ các DN lớn nợ hàng chục tỉ đồng như vậy thì rất khó thu hồi. Cục thuế cũng phải áp dụng các biện pháp rất bài bản, có lý có tình, trăn trở lắm mới buộc phải đưa ra biện pháp mạnh" - ông Tuyến nói.
Trong thời gian tới, cục thuế sẽ tăng cường các biện pháp xử lý đối với các DN có số thuế nợ đọng lớn, các DN thua lỗ nhưng vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất - kinh doanh. Theo ông Tuyến, nếu các DN tiếp tục chây ì thì cục sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế như phong tỏa tài khoản tại ngân hàng và tổ chức tín dụng; đình chỉ sử dụng hóa đơn; kê biên tài sản bán đấu giá để thu hồi nợ đọng thuế; thu hồi giấy phép đầu tư, giấy phép kinh doanh đối với các đơn vị nợ thuế trên 90 ngày.
Ngoài ra, cục sẽ phối hợp với lực lượng công an, quản lý thị trường kiểm tra các DN còn nợ thuế và có dấu hiệu rủi ro về thuế như bỏ trốn khỏi trụ sở kinh doanh, mua bán hóa đơn bất hợp pháp. Đề xuất hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan pháp luật để truy tố khi có vi phạm về thuế.
Ông Đoàn Vĩ Tuyến thông tin nếu hết tháng 8-2018, nhiều DN vẫn dây dưa, chây ì nợ thuế thì Cục Thuế tỉnh Quảng Bình sẽ tham mưu cho UBND tỉnh này mời các DN nợ đọng thuế lớn lên làm việc, bắt viết cam kết và ra "tối hậu thư"; nếu không sẽ xử lý, kiến nghị cơ quan chức năng thu hồi giấy phép đầu tư.
Đà Lạt điểm mặt các đối tượng tín dụng đen Bước đầu xác định có 22 đối tượng, trong đó có 7 đối tượng trong các tổ chức tín dụng đen đến từ các tỉnh ... |
Dù thoái thác trách nhiệm, nhưng Grab có thoát được cái tiếng nợ thuế của Uber? Grab Việt Nam đã chính thức lên tiếng thoái thác trách nhiệm về khoản nợ thuế của Uber lên đến 53,3 tỉ đồng tại Cục ... |