Nhận thông tin rừng phòng hộ Sông Kôn (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) bị tàn phá, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - bươn bả dẫn đoàn công tác trực tiếp kiểm tra hiện trường vụ phá rừng trên địa bàn huyện Đông Giang.
Cây rừng bị chặt hạ, rọc phách nằm ngổn ngang trên nền đất. Ảnh: L.P
Hiện trường là hàng chục cây gỗ lớn bị cưa ngang sát gốc, nhiều phách gỗ bị cưa chưa kịp vận chuyển...
Cây rừng liên tục ngã xuống
Sau hơn 1 giờ đồng hồ lội bộ đường rừng, hiện trạng phá rừng phòng hộ Sông Kôn hiện ra với ngổn ngang cây gỗ bị cưa xẻ, chặt trụi. Tại hiện trường, hàng chục cây gỗ lớn đường kính 1,3 bình quân 50cm (40-70cm) bị cưa ngang sát gốc. Nhiều phách gỗ lớn bị cưa xẻ nằm ngang dọc, chưa kịp vận chuyển. Nhiều thân cây lớn bị chặt đổ, rọc phách.
Khu vực phá rừng thuộc khoảnh 8, 9, 10, 11 Tiểu khu 41 xã Tà Lu; khoảnh 1, 3 Tiểu khu 140 Zà Hung, huyện Đông Giang, (thuộc chức năng rừng phòng hộ). Đây là khu vực rừng giáp ranh giữa địa bàn xã Jơ Ngây và xã Tà Lu. Lợi dụng địa hình phức tạp, các đối tượng phá rừng đã mang cưa máy chặt hạ các cây gỗ lớn, dùng sức kéo trâu bò đưa gỗ ra khỏi rừng.
Theo thống kê của huyện Đông Giang, khu vực phá rừng có 33 gốc cây bị chặt hạ, trong đó 28 gốc thuộc địa bàn xã Tà Lu, 5 gốc thuộc địa bàn xã Zà Hung theo địa giới hành chính. Tính theo lâm phận quản lý, có 12 gốc thuộc xã Tà Lu quản lý và 21 gốc thuộc lâm phận BQL rừng phòng hộ Sông Kôn quản lý.
Tổng khối lượng cây đứng là 72,662m3, gỗ từ nhóm III đến nhóm VII. 5 đối tượng Vũ Văn Trứng (SN 1982), Vũ Văn Cưng (SN 1978) cùng trú xã Jơ Ngây (huyện Đông Giang), Nguyễn Hùng (SN 1992), Bhnướch Hồng (SN 1983) và A Ting Bnóc (SN 1993) cùng trú xã A Ting (huyện Đông Giang) bước đầu khai nhận hành vi.
Còn tại huyện Nam Giang, ngày 8.3, Ban quản lý và Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung kiểm tra, phát hiện một vụ chặt phá rừng nghiêm trọng không kém với 33 cây gỗ lim xanh (thuộc nhóm II, gỗ quý hiếm) bị triệt hạ. Vị trí khai thác gỗ trái phép tại khoảnh 1, 3, Tiểu khu 335 thuộc thôn Cần Đôn, xã Chà Val, huyện Nam Giang, thuộc lâm phận quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung.
Qua kiểm đếm, có 34 cây gỗ rừng tự nhiên (33 cây lim xanh, 1 cây xoan đào) bị chặt hạ. Ước tính khối lượng gỗ thiệt hại là 235,111m3, trong đó 223,121m3 gỗ lim xanh và 11,990m3 gỗ xoan đào. Sau khi chặt hạ, cưa phách, các đối tượng lâm tặc đã vận chuyển trót lọt một lượng lớn gỗ lim xanh quý hiếm và xoan đào ra khỏi rừng.
Liên quan đến vụ việc, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung đã ra quyết định khởi tố vụ án vi phạm về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản và đề nghị Viện Kiểm sát chuyển vụ án đến Công an huyện Nam Giang để tiếp tục điều tra, xử lý.
Chưa hết, ngày 15.3 vừa qua, Công an huyện Nam Giang tiếp tục bắt quả tang 6 đối tượng đang khai thác gỗ trái phép tại khu vực Khe Bưa, xã Tà Pơơ (vùng giáp ranh giữa 3 xã Tà Pơơ, xã Zuôih huyện Nam Giang và xã Lăng huyện Tây Giang).
6 đối tượng gồm Tăng Đức Xưng (SN 1955), Nguyễn Văn Triều (SN 1978), Văn Bá Điệp (SN 1983), Phan Văn Tài (SN 1984) cùng trú xã Đại Lãnh (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), Lương Văn Luận (SN 1990), Lê Minh Thành (SN 1985) cùng trú xã Đại Sơn (huyện Đại Lộc).
Riêng đối tượng Tăng Tấn Dịp (SN 1981, trú xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc) là chủ mưu đã ra đầu thú sau khi hay tin đồng bọn bị bắt giữ. Hiện 7 đối tượng này đang bị Công an huyện Nam Giang tạm giam để phục vụ điều tra.
Xử lý thành vụ án điểm
Tận mắt chứng kiến hiện trạng phá rừng, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - thốt lên: “Cứ mỗi lần nhìn cây rừng như thế này ngã xuống tôi có cảm giác như máu mình đổ xuống”. Tại buổi làm việc với UBND huyện Đông Giang, UBND huyện Nam Giang, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung và các cơ quan liên quan, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho rằng việc quản lý, bảo vệ rừng luôn là thách thức vô cùng lớn, là trách nhiệm sống còn đối với các ngành, các cấp, địa phương.
“Quảng Nam là địa phương có diện tích rừng lớn thứ nhì cả nước, lại cận kề với các địa phương mất rừng nhiều. Do đó, áp lực trong việc bảo vệ tính nguyên vẹn của các cánh rừng rất khó khăn. Nhưng không phải vì khó mà chúng ta không tìm ra những giải pháp phù hợp hơn, hiện đại hơn, tích cực hơn để quản lý hiệu quả hơn” - ông Lê Trí Thanh khẳng định.
Đối với 2 vụ phá rừng phòng hộ Sông Kôn (huyện Đông Giang) và tại khu vực Khe Bưa, xã Tà Pơơ (huyện Nam Giang), ông Lê Trí Thanh yêu cầu Công an tỉnh Quảng Nam cần vào cuộc phối hợp với công an huyện để xử lý vụ việc.
“Các vụ phá rừng thuộc xử lý của công an huyện nhưng nếu cần Công an tỉnh sẽ vào cuộc. Nếu cần thiết sẽ xử lý điểm để mang tính răn đe. Làm sao phải xử lý đúng người, đúng tội, đúng việc và có sức răn đe cao. Quan điểm của tỉnh là xử lý nghiêm, có thể đau đớn nhưng dứt khoát phải xử lý” - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhấn mạnh.
Theo đại tá Nguyễn Đức Dũng - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam - thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng gỗ tăng cao nên các đối tượng phá rừng hoạt động rất thường xuyên. Lực lượng Công an tỉnh Quảng Nam đã tuần tra, phát hiện, bắt giữ nhiều vụ khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Các đối tượng hoạt động rất manh động, ngoan cố. Khi phát hiện có dấu hiệu của lực lượng tuần tra, các đối tượng sẵn sàng chặt đứt dây thả gỗ xuống sông rồi lẩn trốn.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, từ đầu tháng 1.2018 đến nay, lực lượng kiểm lâm và các ngành chức năng đã tổ chức trên 208 đợt tuần tra, kiểm soát lâm sản và truy quét phá rừng, khai thác lâm-khoáng sản, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Qua đó, lực lượng chức năng phát hiện 242 vụ vi phạm, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm gồm 306,335m3 gỗ quy tròn các loại, 274,6kg động vật rừng, 23 xe ôtô, 24 xe môtô, thu hồi 126 khẩu súng tự chế cùng nhiều phương tiện liên quan khác.
Cơ quan chức năng cũng khởi tố 6 vụ án, tiếp tục điều tra 20 vụ, kết thúc điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát truy tố 4 vụ. Xử lý vi phạm hành chính 143 vụ, tịch thu 160,498m3 gỗ tròn, 30,891m3 gỗ xẻ, 288,7kg động vật rừng, phạt tiền trên 700 triệu đồng.
Tuy nhiên, ông Lê Trí Thanh cũng thừa nhận, mặc dù tỉnh Quảng Nam vào cuộc rất quyết liệt, các chủ trương, biện pháp được thực hiện nhiều nhưng việc giữ được rừng là vô cùng khó khăn. Quảng Nam có diện tích rừng lớn, điều kiện hiểm trở, tiếp giáp với nhiều địa phương nên để giữ toàn vẹn rừng là rất khó. Do đó, Quảng Nam đang có những biện pháp mang tính khoa học hơn, áp dụng công nghệ tiên tiến hơn, nhất là việc triển khai đề án giám sát diễn biến rừng bằng công nghệ cao, tổ chức lại lực lượng kiểm lâm, tổ chức lại Ban quản lý rừng, thay đổi phương pháp tuần tra bảo vệ rừng, thay đổi cách thức hợp đồng với các nhóm hộ,… để bảo vệ, quản lý rừng một cách hiệu quả nhất.
Từ chuyện “quái thú” xuyên không 20 tỉnh, thành Cảnh sát giao thông (CSGT) đã ở đâu khi chiếc xe “quái thú” chở cây cổ thụ trùm kín diện tích mặt đường đi qua ... |
"Thảm sát" rừng lim cổ thụ Sau khi rừng lim cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm bị lâm tặc cưa phá trong thời gian dài, lực lượng chức năng ... |
Rừng phòng hộ Quảng Nam bị xẻ thịt như thế nào Lâm tặc chọn những cây gỗ lớn, chặt hạ suốt thời gian dài ở rừng phòng hộ Sông Kôn (Quảng Nam) nhưng không bị phát ... |