Bộ trưởng Thương mại Séc Jozef Sikela nói một số công ty của nước này bắt đầu nhập khẩu khí đốt từ Nga vào tháng 10.

Theo Bộ trưởng Thương mại Séc Jozef Sikela, các thương nhân ở nước này trước đó khuyến nghị Chính phủ Séc cho phép nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga.

"Trong tuần này, báo cáo hàng tháng của Cơ quan quản lý năng lượng Séc cho biết, một số công ty đã bắt đầu nhập khẩu khí đốt từ Nga vào tháng 10”, Bộ trưởng Jozef Sikela nói.

Giám đốc điều hành Gazprom nói nhiều nước EU tiếp tục mua khí đốt của Nga. (Ảnh: Global Look Press)

Giám đốc điều hành Gazprom nói nhiều nước EU tiếp tục mua khí đốt của Nga. (Ảnh: Global Look Press)

Ông Jozef Sikela cũng cho biết, Séc "không cần thiết phải nhập khí đốt của Nga", đồng thời nhấn mạnh quốc gia này không gặp vấn đề gì trong việc tích lũy nguồn cung khí đốt cho mùa đông sắp tới.

Theo Bộ trưởng Thương mại Séc, khí đốt tự nhiên của Nga chiếm 1,2% tổng lượng khí đốt cung cấp cho cả nước từ tháng 1 đến tháng 10.

 

Trước đó, ông Jozef Sikela tuyên bố Séc không nhập khẩu khí đốt từ Nga vào năm 2023 vì nước này đã đa dạng hóa nguồn cung. Ông cho hay, Séc đã mua khí đốt từ Na Uy và nhận khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) bằng đường biển qua các cảng Tây Âu.

“Nguồn cung khí đốt của Nga cho EU đang là mục tiêu của các lệnh trừng phạt. Một số quốc gia hiện không thể thiếu nguồn cung khí đốt Nga”, ông Jozef Sikela cho hay, nhấn mạnh Séc đã cố gắng “loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga”.

Nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Trinity - Lukas Kovanda cho rằng 40% khí đốt cung cấp cho Séc có nguồn gốc từ Nga và được vận chuyển qua cửa khẩu Lanzhot, biên giới với Slovakia.

Mới đây, trong một cuộc phỏng vấn với Đài Truyền hình nhà nước Nga Rossiya-1, Giám đốc điều hành Gazprom Aleksey Miller cũng cho biết, một số quốc gia EU, trước đây khẳng định ngừng hoàn toàn việc mua khí đốt của Nga, trên thực tế hiện vẫn đang nhận nguồn cung cấp nhiên liệu từ Moskva.

Năm 2022, nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho thị trường EU bắt đầu giảm do đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc" bị phá hoại và một số quốc gia thành viên EU từ chối thanh toán việc nhập khẩu nhiên liệu từ Nga bằng đồng rúp, trong đó có Hà Lan, Đan Mạch, Bulgaria và Phần Lan.

Đáp lại các lệnh trừng phạt của EU, Moskva yêu cầu các nước ủng hộ chiến dịch trừng phạt quốc tế nhằm vào Nga phải thanh toán tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp thay vì USD hoặc euro.

https://vtc.vn/quoc-gia-eu-tiep-tuc-nhap-khi-dot-nga-ar836712.html

KÔNG ANH(Nguồn: RT) / VTC News