Bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản vô giá giúp mỗi người dân Việt Nam hiểu, ý thức được về giá trị của độc lập và niềm tin vào Đảng.

79 năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Toàn Đảng, toàn dân đoàn kết, thống nhất một lòng

Còn nhớ mùa thu lịch sử cách đây 79 năm, ngày mồng 2 tháng 9 tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà nay là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Thực dân Pháp đã lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta, đàn áp các cuộc khởi nghĩa của người yêu nước, lập nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết, ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.

Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều; cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu; độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng; đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng; đặc biệt, cùng với sự xâm lăng, đàn áp của phát xít Nhật, đã có hơn 2 triệu đồng bào ta bị chết đói. Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.

Người khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập! Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Sau ngày độc lập, đất nước non trẻ ấy phải bước vào 2 cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ, đau thương mất mát kéo dài 30 năm để thu non sông về một mối.

Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều mong muốn cuối cùng của Người là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".

Theo TS Lê Văn Thuật - Trường Đại học Huế, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền độc lập, tự do của dân tộc là nền tảng của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quyền độc lập, tự do của dân tộc phải thật sự, toàn diện và triệt để, gắn liền với chủ nghĩa xã hội, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Quyền đó, thế giới buộc phải thừa nhận.

Nhìn lại lịch sử nước nhà, chúng ta có thể thấy, để đất nước "có cơ đồ như ngày hôm nay” như lời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng phát biểu là cả một sự sáng suốt của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo với những chiến lược quan trọng, dẫn dắt người dân Việt Nam vượt qua bao thác ghềnh, bão giông, núi đao biển lửa cùng sự hy sinh mất mát của hàng triệu triệu người con đất Việt. Tất cả để đất nước được độc lập, tự do; dân tộc được trường tồn vững bền; vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh

Chia sẻ về ngày độc lập với Báo Công Thương, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho biết, là những người đã sống qua hai chế độ thực dân và xã hội chủ nghĩa, chúng tôi quá thấu hiểu giá trị của độc lập, tự do. Để thoát khỏi kiếp nô lệ, giành được độc lập ấy biết bao gian nan, xương máu của Đảng ta, của Quân đội và nhân dân ta.

Để giữ được độc lập, trước hết là mạnh về hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân đoàn kết, thống nhất một lòng vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội và muốn được độc lập trên tinh thần ý chí, tinh thần của cả dân tộc. Bên cạnh đó, phải có tiềm lực về kinh tế. Hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đã phát huy tinh thần độc lập tự chủ ấy để đạt được những thành công to lớn.

Quốc khánh 2/9: Kiên định mục tiêu độc lập và đoàn kết dân tộc

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, ngày 2-9-1945. Ảnh tư liệu

Kiên định sự lãnh đạo của Đảng

Trên thực tế, nhìn ra thế giới nhiều năm gần đây, ở nhiều khu vực trên thế giới, xung đột phe phái, sắc tộc, chiến tranh vẫn xảy ra. Thời đại số cho chúng ta thấy các cuộc biểu tình, đấu tranh phe phái, thậm chí nội chiến ở một số quốc gia có nhiều đảng phái - cái mà nhiều thế lực thù địch vẫn gọi là nền dân chủ văn minh - vẫn diễn ra khốc liệt. Người dân ở các quốc gia ấy mất đi sự độc lập trong tư tưởng, trong kinh tế; mất tự do về chính trị và cả trong sinh hoạt hàng ngày. Không chỉ vậy, họ còn chứng kiến những nỗi đau mất mát về người và của. Nếu may mắn chấm dứt, có lẽ cũng phải mất cả vài ba chục năm để có thể trở lại bình thường.

Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, giành được độc lập là điều khó nhưng giữ được độc lập lại càng khó hơn. Trong diễn biến mà thế giới khó lường như bây giờ, chúng ta cần phải nhìn nhận tổng thể, tận dụng những cơ hội, hạn chế thách thức; đoàn kết hơn nữa, năng động, sáng tạo hơn nữa để phát triển kinh tế, hội nhập và không được thoả mãn với những gì đã làm được. Nhiệm vụ ấy trên vai những người trẻ là hết sức nặng nề và càng phải kiên định, vững vàng về lập trường, tư tưởng và phấn đấu không ngừng.

Đọc lại Tuyên ngôn Độc lập, Tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử hào hùng của dân tộc; chiến lược xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước và chứng kiến những thành tựu, đổi thay ngày càng tốt đẹp của đất nước, tôi có niềm tin rằng, nhiều người Việt Nam cũng có suy nghĩ như tôi và bằng truyền thống đoàn kết, lòng tự tôn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường cùng niềm tin vào Đảng, chúng ta sẽ vững bước đi lên, sánh vai cùng thế giới bằng sự độc lập, tự chủ; chống lại những tư tưởng cực đoan và âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch rằng Việt Nam cần đa nguyên, đa đảng thì mới có dân chủ - tự do.

Niềm tin ấy càng được khẳng định hơn khi thấy nhiều người trẻ Việt Nam – những người thường xuyên theo dõi thời cuộc đã bày tỏ sự may mắn khi được sinh ra ở Việt Nam; biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chọn đúng con đường cho Việt Nam.

Việt Nam sẽ luôn kiên định đường lối độc lập, tự chủ về tư tưởng, chính trị, đến kinh tế, ngoại giao… gắn liền với toàn vẹn lãnh thổ; kiên định chế độ xã hội chủ nghĩa nhân văn - tốt đẹp dưới sự lãnh đạo của một Đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đình Dũng / Báo Công Thương