Còn 2 ngày nữa nghi lễ quốc tang mới được tổ chức, nhưng quốc tang trong lòng dân đã bắt đầu từ thời khắc nhận tin dữ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần.

Những lá cờ rủ, cờ gắn dải băng đen được người dân treo trước tư gia, cơ sở làm việc, kinh doanh… tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác từ cuối tuần qua.

Theo quy định về quốc tang, các cơ quan, công sở treo cờ rủ trong 2 ngày diễn ra nghi lễ này. Còn người dân, ngay sau khi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, họ đã tự treo cờ rủ, để tang nhà lãnh đạo mình kính trọng và yêu mến. Sự hiện diện đồng loạt của những lá cờ buồn bã ấy là cách người dân nhắn gửi rằng sự ra đi của ông là mất mát lớn với họ, và cũng cho thấy sự đồng cảm sâu rộng giữa những người đồng bào đang cùng chia sẻ mất mát này.

Tối 19/7, khi tin buồn được thông báo, mạng xã hội vốn luôn ồn ào, nhốn nháo với nhiều bất đồng, tranh cãi… bỗng trầm xuống và dường như trở nên đồng nhất trong không khí thành kính và đau buồn. Cư dân mạng ở mọi lứa tuổi, nghề nghiệp đồng loạt thay ảnh đại diện và đăng những dòng từ gan ruột, bàng  hoàng, thương tiếc trước sự ra đi của vị lãnh đạo mà họ gửi gắm không chỉ niềm tin, kỳ vọng, lòng biết ơn mà còn có rất nhiều yêu thương.

Trong lòng họ, nhân vật vừa từ biệt cõi trần ấy là hình mẫu cao quý của người cộng sản chân chính, người trọn đời sống thanh bạch, tận hiến đến phút cuối cùng để góp phần đem lại một đất nước thay da đổi thịt, đạt tới vị thế cho phép mỗi công dân có thể kiêu hãnh ngẩng cao đầu khi bước ra thế giới…

Di ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đặt trang trọng trong chùa Vĩnh Nghiêm, TP.HCM, nơi rất đông người dân đến viếng ông. (Ảnh: Lương Ý)

Di ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đặt trang trọng trong chùa Vĩnh Nghiêm, TP.HCM, nơi rất đông người dân đến viếng ông. (Ảnh: Lương Ý)

Dù không ai yêu cầu, sau khi tin Tổng Bí thư từ trần được phát đi, nhiều bữa tiệc, buổi liên hoan của gia đình, nhóm bạn được báo hoãn. Nhiều Youtuber, TikToker vẫn luôn khuấy động mạng xã hội bằng những clip hài hước thông báo tạm ngừng đăng tải nội dung thường ngày. Đó không chỉ là hành động thể hiện lòng thành kính, mà còn là sự tôn trọng cảm xúc của cộng đồng và của chính họ - cảm xúc đau buồn, mất mát trước sự ra đi của Tổng Bí thư.

Nội dung mà người ta chia sẻ cho nhau trên không gian mạng những ngày này là hình ảnh vị lãnh đạo tối cao của Đảng ăn mặc như một người quê bình dị, ngồi trên chiếu cùng vợ gói bánh chưng Tết trong căn nhà cũ kỹ có những mảng tường loang lổ, với mấy đứa cháu nhỏ xúm xít bên cạnh; là nụ cười hồn hậu của ông khi bế em bé thôn quê; là những câu chuyện về sự gần dân, lòng chính trực, là những lời tưởng nhớ, sự đồng cảm trước mất mát chung…

Có thể nói, dù nghi lễ quốc tang dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn mấy ngày nữa mới diễn ra, nhưng quốc tang trong lòng dân đã bắt đầu ngay từ khi nhận tin ông qua đời, bắt đầu theo cách giản dị, chất phác và chân thành nhất, giống như giọt nước mắt của nhiều bà má, nhiều cô gái trẻ khi đứng trước di ảnh của ông trên ban thờ được dân lập ra ở các ngôi chùa, địa điểm công cộng.

Quốc tang trong lòng dân cũng thể hiện ở những gia đình đưa chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên ban thờ, cạnh ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong hoạt động tín ngưỡng, tâm linh của người Việt, những người có công lao đặc biệt với đất nước hay một cộng đồng dân cư nào đó thường được dân hương khói ở  đền, đình, nghè, miếu… và trở thành phúc thần. Nhưng với Bác Hồ, Bác Giáp hay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bây giờ lại khác, việc thờ ngay tại nhà cho thấy ngoài sự tôn kính, biết ơn còn có cả tình cảm yêu mến, gần gũi, là lòng nhớ thương, giống như tình cảm mà người ta dành cho cha ông, cho người thân đã khuất của mình.

Người dân thờ những vị có công với đất nước còn là thờ những giá trị cao quý mà vị đó đã trở thành biểu tượng, thành đại diện. Với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là lòng kiên trung, đức cần kiệm liêm chính, tận tâm tận lực vì dân vì nước, sự giản dị khiêm cung, gần gũi với nhân dân…

Những con người có tầm vóc lớn lao về trí tuệ, đạo đức không chỉ cống hiến bằng những việc họ làm trong cuộc đời mình, mà ngay cả sự ra đi của họ cũng đánh thức, thúc đẩy những điều tốt đẹp ở nhân gian. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhân vật như thế. Sự kính trọng, lòng tiếc thương mà hàng triệu người Việt Nam dành cho ông khi đón nhận tin buồn đang trở thành sợi dây gắn kết họ, khiến người ta quên đi, bỏ qua những mâu thuẫn vụn vặt, những hơn thua nhỏ nhặt để đoàn kết, đồng lòng hướng đến những gì lớn lao, ý nghĩa.

Cuộc đời như tấm gương sáng của con người vừa cưỡi hạc về trời ấy đánh thức ở mỗi người tinh thần công dân, khát vọng cống hiến cho một đất nước ngày càng lớn mạnh, cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.

https://vtcnews.vn/quoc-tang-trong-long-dan-ar884855.html

Thanh Nhàn / VTC News