Thị trường vàng mã phục vụ lễ ông Công ông Táo năm nay xuất hiện những bộ mũ áo được thiết kế cầu kỳ, từ giấy màu nhập ngoại, đính đính kim sa, kim tuyến. Dù những mặt hàng này có giá từ 200.000 - 500.000 đồng/bộ, vẫn đông người mua.

Người Việt Nam quan niệm ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày Táo quân (vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp) lên chầu trời. Ngày này, các gia đình người Việt sẽ kính cẩn dâng lễ tiễn đưa ông Táo về chầu Ngọc Hoàng, với hy vọng Táo Quân sẽ giúp họ giữ “bếp lửa, để gia đình có năm mới ấm no, hạnh phúc. 

Lễ vật không thể thiếu vào ngày lễ ông Công ông Táo là ba mũ Táo quân (chiếc mũ dành cho 2 Táo ông thì có hai cánh chuồn; mũ dành cho Táo bà thì không có cánh chuồn). 3 bộ trang phục xanh đỏ vàng. Những lễ vật này sẽ được người dân hóa trong ngày tiễn ông Táo lên chầu trời.

Phố Hàng Mã tập nấp người mua bán đồ phục vụ việc bày biện, cúng lễ dịp Tết Nguyên đán.

Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày lễ ông Công ông Táo, trên khắp các phố phường Hà Nội, những mặt hàng “cõi âm” phục vụ cho dịp cuối năm bắt đầu tấp nập.

Tại phố Hàng Mã (Hà Nội), những vật dụng các gia chủ chuẩn bị cho ông Táo về trời như tiền vàng mã, mũ, áo, hia, cá chép giấy… được bày bán đỏ rực cả con phố.

Theo các chủ cửa hàng, do giá nguyên vật liệu nhập vào đắt đỏ nên giá các mặt hàng này tăng thêm từ 10 -20% so với năm ngoái.  3 chiếc mũ, 3 con cá chép giấy, 3 đôi giày, 3 bộ áo, loại to đẹp có giá từ 100.000 – 150.000 đồng/ bộ; loại vừa, nhỏ có giá 50.000 – 70.000 đồng/ bộ.

Những mặt hàng “cõi âm” phục vụ cho dịp cuối năm được bày bán dọc phố Hàng Mã. 

Theo bà Nhung (một tiểu thương tại phố Hàng Mã) cho biết, những ngày qua, các mặt hàng thiết yếu cho ngày lễ ông Công, ông Táo như dày dép, mũ, cá chép giấy, quần áo chúng sinh, vàng mã… bắt đầu bán chạy.

Đặc biệt năm nay xuất hiện những bộ “trang phục” của ông Công ông Táo được làm với chất liệu giấy cao cấp, thậm chí đính đá, mạ vàng. Giá của những bộ mũ áo này từ 200.000-500.000 đồng/bộ.

Những bộ mũ áo ông Công ông Táo được làm với chất liệu giấy cao cấp, đính đá, mạ vàng. 

“Nhiều người mua 2-3 bộ một lúc. Họ giải thích là mua thêm về cho con, cho cháu làm lễ. Một năm mới có ngày lễ ông Công, ông Táo nên sắm lễ tươm tất một chút. Dự đoán qua rằm tháng Chạp mặt hàng này sẽ tiêu thụ nhanh hơn bởi người dân sẽ đi mua sắm đông” bà Nhung nói.

Theo GS-TS Nguyễn Chí Bền - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia - trước đây và cả bây giờ, người dân vẫn sắm 3 bộ mũ áo cho các Táo và cúng cá chép để các Táo làm phương tiện. Sau một tuần hương, người dân sẽ đem cá chép giấy và mũ áo đi hóa.

Dân gian quan niệm, sau khi hóa, ông Công ông Táo sẽ cưỡi cá chép bay lên trời, báo cáo với Ngọc Hoàng về tình hình trong năm qua và xin cho gia chủ có một năm mới bình an, no ấm.

GS Nguyễn Chí Bền cho rằng, hiện nay có tình trạng “phú quý sinh lễ nghĩa”. Có gia đình đốt quá nhiều vàng mã, việc làm này không chỉ tốn kém tiền của, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống. Việc này không đúng với truyền thống.

Ông cũng cho rằng để có một cái Tết ông Công ông Táo ý nghĩa, mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức, đặc biệt là vấn đề bảo vệ môi trường, không nên đốt quá nhiều vàng mã.

Bích Hà

 

 

 

/ laodong.vn