“Việc quy định thời gian tuyển sinh trường công lập và tư thục cùng một thời điểm không chỉ gây khó khăn cho trường tư thục, mà còn làm khó cho chính học sinh và cả phụ huynh” – đây là nhận định của PGS-TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13 liên quan đến một số quy định về tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội.
Nếu việc tuyển sinh chỉ gói gọn trong 1-2 ngày, nhiều người lo ngại sẽ khó tránh cảnh tượng phụ huynh xếp hàng nộp hồ sơ tuyển sinh đầu cấp cho con. Ảnh minh họa: VNE
Những ngày qua nhiều trường tư thục ở Hà Nội đồng loạt lên tiếng phản đối quy định của Sở GDĐT Hà Nội về việc bắt buộc các trường tư thục trên địa bàn chỉ được tuyển sinh lớp 1 và lớp 6 cùng thời gian với các trường công lập và chỉ diễn ra trong vài ngày.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc Hà Nội yêu cầu các trường đặc thù (cả trường tư và trường công) "kiểm tra, đánh giá năng lực" vào lớp 6 theo quy định: Học sinh phải thực hiện 2 bài kiểm tra (Bài tổ hợp Khoa học tự nhiên và Toán; bài tổ hợp Khoa học xã hội, tiếng Việt và tiếng Anh); hình thức kiểm tra trắc nghiệm khách quan kết hợp với tự luận…, sẽ làm khổ học sinh.
Nếu trước đây học sinh lớp 5 Hà Nội chỉ phải thi 2-3 môn để vào lớp 6, quy định mới sẽ buộc các em phải ôn tập và thi nhiều môn hơn. Điều này sẽ làm gia tăng áp lực học tập.
Các trường tư kêu gọi muốn được tự chủ trong tuyển sinh, được thực hiện theo năng lực của mình, trên cơ sở giảm tải cho học sinh.
Trước những động thái này của các trường tư thục, đến nay Sở GDĐT Hà Nội vẫn im lặng.
Nêu quan điểm về những ồn ào liên quan đến vấn đề tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội thời gian qua, PGS-TS Bùi Thị An-Đại biểu Quốc hội khóa 13 cho rằng: Bộ GDĐT cần vào cuộc và có ý kiến cụ thể về vấn đề tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội. Về mặt quản lý nhà nước, Bộ phải quản lý được những việc Sở làm. Nếu địa phương nào có bất cập thì phải phát hiện, kịp thời chấn chỉnh.
Bà cũng cho rằng việc quy định thời gian tuyển sinh trường công lập và tư thục cùng một thời điểm không chỉ gây khó khăn cho trường tư thục, mà còn làm khó cho chính học sinh và phụ huynh. Việc cho phép các trường được tuyển sinh theo những thời điểm khác nhau sẽ giúp học sinh, phụ huynh chủ động trong việc chọn trường cho con. Nếu không đủ điều kiện để học trường này, vẫn còn thời gian để chọn trường khác.
Hơn nữa, mỗi trường có thể thực hiện đánh giá năng lực theo cách khác nhau, phù hợp với tiêu chí của mình. Chẳng hạn, có trường chỉ bằng một buổi phỏng vấn, làm một bài test nhỏ, chứ không nhất thiết phải thi đầy đủ các tổ hợp môn mà Sở GDĐT Hà Nội đưa ra.
"Đảng và Nhà nước chủ trương giảm tải các cuộc thi để học sinh có thời gian nghỉ ngơi, tránh áp lực căng thẳng. Đối với các trường tư thục, nhiều cử tri đánh giá rất cao vì minh bạch, không có chuyện phong bì, lạm thu, hay bạo hành, áp đặt, dùng quyền lực để giáo dục học sinh. Tôi nghĩ việc cho phép các trường tư thục được tự chủ trong tuyển sinh là cần thiết. Mong ngành quản lý phải hướng đến hài hòa lợi ích, hài hòa quản lý, đặc biệt hướng đến ưu tiên sự phát triển của học sinh”- PGS-TS Bùi Thị An nhấn mạnh.
Hướng nghiệp, học sinh phải “tự bơi” đến bao giờ? Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) và cơ quan quản lý giáo dục các cấp đã có sự quan tâm đến công tác hướng ... |
Một số hiệu trưởng muốn thay đổi phương án thi vào lớp 10 của Hà Nội Một số hiệu trưởng muốn thay đổi phương án thi vào lớp 10 của Hà Nội vì cho rằng việc có thêm bài thi tổ ... |