Sau những lo ngại về chất lượng đào tạo rớt giá bởi thông tin điểm chuẩn vào các trường sư phạm năm nay thấp đến kỷ lục, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định thời gian tới cần phải quyết tâm thực hiện việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở đại học và trường sư phạm một cách căn cơ.
Kết thúc hội nghị trực tuyến "Tổng kết năm học 2016–2017 khối các cơ sở giáo dục Đại học, trường Sư phạm" được tổ chức tại 3 điểm cầu Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng vào sáng ngày 11/8, có lẽ vấn đề được công chúng đưa ra "mổ xẻ", bàn luận nhiều nhất là đề án "Quy hoạch mạng lưới các trường Sư phạm".
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ quyết tâm xây dựng chuẩn trường Sư phạm. Tới đây sẽ quy hoạch theo hướng tập trung vào các trường đại học sư phạm lớn ở trung ương, còn các trường ở địa phương sẽ trở thành hệ thống trường vệ tinh cho các Trường Sư phạm lớn. Như vậy mới có thể dần dần có chính sách để đầu ra - đầu vào hợp lý với sự phối hợp của các Bộ và ngành có liên quan.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Sau phát biểu này, dư luận lại được một phen bàn tán đông tây khi nhiều ý kiến cho rằng trong vài năm trở lại đây, ngành giáo dục đã có quá nhiều đổi mới táo bạo mang tính "thí nghiệm". Không phủ nhận được rằng những đổi mới trước đó đã góp phần mang lại cho ngành những bước tiến mới tiến bộ, tuy nhiên cũng không thể phớt lờ những hạn chế, yếu kém. Có thể viện dẫn hiện tượng điểm chuẩn sư phạm thấp đến kỷ lục trong kỳ tuyển sinh vừa qua, thậm chí nhiều trường sư phạm còn chấp nhận hạ điểm trúng tuyển còn 9 điểm/3 môn học. Hiện tượng đó khiến dư luận phải luôn canh cánh câu hỏi; Đào tạo sư phạm sẽ đi về đâu? Và liệu rằng đề án quy hoạch lần này có khả thi hay không và nên mừng hay nên lo như thế nào?.
Phó Giáo sư Thái Bá Cần – Nguyên là Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nhận định: Việc quy hoạch mạng lưới các trường Sư phạm là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, điều đó sẽ tốt hơn rất nhiều nếu địa phương nào cũng ồ ạt mở trường đào tạo Sư phạm.
PGS Thái Bá Cần nêu ý kiến đồng thuận với đề án quy hoạch sư phạm. (Ảnh: Dương Thương)
Ông giải thích thêm: Ở các nước có nền đào tạo giáo dục tốt nhất trên thế giới, trường sư phạm được xây dựng và cơ cấu tổ chức ngay trong một trường đại học lớn; còn ở Việt Nam thì khác, hầu hết các địa phương đều đua nhau mở các trường đào tạo sư phạm từ cao đẳng đến đại học. Việc mở trường đào tạo một cách ồ ạt, không quan tâm tới năng khiếu có tính chất nghiệp vụ sư phạm, năng lực phẩm chất nhà giáo, đầu ra và cơ hội việc làm cho người học... thì kết quả sau khi ra trường sinh viên sư phạm khó có thể có chuyên môn nghiệp vụ để theo nghề. Làm như vậy chẳng khác nào "đem con bỏ chợ".
Trả lời câu hỏi về tính khả thi của đề án, cũng như đại biểu Thái Bá Cần, hầu hết đại biểu trong hội nghị tán thành và đồng thuận với đề án quy hoạch sư phạm do Bộ trưởng đưa ra. Nhiều đại biểu đưa ý kiến: Đó cũng là một phương án hay và tốt hơn việc nhiều ở các địa phương đều mở. Theo đề án, thì trường lớn mở chi nhánh ở các địa phương, các chi nhánh đều do trường ở trung ương chịu trách nhiệm cả về nhân lực và tài lực, đây là việc hoàn toàn khả thi, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Bởi, hiện nay nhu cầu học sư phạm hiện không còn nhiều như trước kia, đề án sẽ giảm sự chồng chéo hoặc thừa cung thiếu cầu, thay vào đó các trường sư phạm có thể đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực thì sẽ tập hợp nguồn nhân lực tốt hơn.
Trước những dư luận trái chiều, lo ngại về tính khả thi của đề án, Bộ trưởng Nhạ đặc biệt nhấn mạnh: “Khởi đầu cải cách, động vào cái gì cũng tạo nhiều nhận thức khác nhau. Chắc chắn ban đầu sẽ sóng sánh một chút nhưng sau đó, mọi vấn đề sẽ đi vào ổn định, tốt đẹp với sự quyết tâm của toàn ngành... chúng ta đang trong giai đoạn quá độ mà đã là quá độ phải chấp nhận những khó khăn, sóng sánh, nhưng nếu không thay đổi thì không thể gọi là đổi mới. Vì vậy, giữa Bộ và các cơ sở giáo dục đại học cần có sự hiệp đồng trách nhiệm".