Theo ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục, trong quy tắc ứng xử tại trường học mà Bộ GDĐT chuẩn bị ban hành, nhất thiết phải được xây dựng trên nguyên tắc: Đặt giá trị tôn trọng lên hàng đầu. Cần bỏ hẳn lối giáo dục áp đặt, quyền uy, quan điểm giáo dục coi nhà trường là nhất, thầy cô là nhất.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội. Ảnh:TPO
Nhất thiết phải có quy tắc ứng xử
Chỉ trong một tháng xảy ra hàng chục vụ bạo lực học đường gây phẫn nộ trong dư luận xã hội, đặc biệt là việc cô giáo ở Hải Phòng phạt học sinh lớp 3 súc miệng bằng nước giặt giẻ lau diễn ra mới đây.
Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo cần tập trung ngay vào việc xây dựng quy tắc ứng xử văn hoá trong trường học phổ thông. Quy tắc ứng xử phải được xây dựng cụ thể, đo đếm được, tránh chung chung hoặc chỉ mang yếu tố “phong trào”.
Đánh giá về điều này, GS-TSKH Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - cho rằng, việc xây dựng quy tắc ứng xử trong trường học là cần thiết. Hiện nay, mỗi trường vẫn có những nội quy riêng, nhưng vẫn cần một quy tắc chung, thống nhất trong hệ thống trường học trên toàn quốc.
Cũng theo GS Phạm Tất Dong, bộ quy tắc cần chỉ rõ những điều gì giáo viên được phép và không được phép làm, hình phạt nào được thực hiện và không được thực hiện với học sinh? Hay cần quán triệt, yêu cầu giáo viên tuyệt đối không dùng bạo lực trong việc giáo dục học sinh. Ngoài ra, cũng cần có những quy định, cơ chế để bảo vệ vị thế, đảm bảo an toàn cho nhà giáo bằng việc siết chặt lại vấn đề an ninh trong trường học.
Giáo viên đừng coi mình là nhất, là đúng
Còn theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, hiện nay các trường sư phạm đang “bỏ quên” việc dạy đạo đức, kỹ năng ứng xử sư phạm cho những giáo viên tương lai. Chính vì vậy việc ban hành một bộ quy tắc văn hóa ứng xử trong trường học, sau đó đưa vào giảng dạy tại các trường sư phạm là việc nên làm.
“Đặc trưng của nghề giáo là không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn giáo dục bằng cả tâm hồn, bằng cả nhân cách. Chính nhân cách của thầy là một công cụ để dạy học. Vì thế, đòi hỏi giáo viên phải có kỹ năng thương lượng, đàm phán, nói chuyện với học trò. Để học trò tâm phục khẩu phục, trước tiên người thầy phải gương mẫu, phải có văn hóa ứng xử đúng mực, chứ không thể tùy tiện.
Chỉ tiếc là nhiều giáo viên của chúng ta vẫn giữ lối giáo dục theo kiểu quyền uy, coi mình là nhất, mình là đúng. Người thầy hiện nay chưa mang lại niềm vui, giá trị hạnh phúc cho học trò, bởi vẫn duy trì lối giáo dục theo kiểu áp đặt” - TS Lâm chia sẻ.
Theo quan điểm của TS Nguyễn Tùng Lâm, trong quy tắc ứng xử trong trường học nhất thiết phải đề cao giá trị tôn trọng. Giáo viên tôn trọng học sinh, cho các em quyền được lên tiếng, bày tỏ suy nghĩ của mình. Ngược lại, học trò cũng phải tạo điều kiện để người thầy làm việc, phát huy sáng tạo của mình. Chỉ khi nhà trường thực sự dân chủ, ứng xử trên nguyên tắc biết lắng nghe nhau, tôn trọng nhau thì mới có thể ngăn chặn được vấn nạn bạo lực học đường.
Đáng lẽ "cô giáo im lặng" phải ra đi, chứ không phải Song Toàn Học sinh Phạm Song Toàn, sau khi nói lên những gì cần nói, đã ra đi khỏi nơi dạy mình những điều hay lẽ phải. ... |
Nữ sinh phản ánh cô giáo "quyền lực" nhập học ở trường mới bằng học bổng Theo nguồn tin riêng của Thanh Niên, hôm nay 9.4, học sinh Phạm Song Toàn đã bắt đầu ngày học đầu tiên tại trường mới, ... |