Cái tên “quỹ tín dụng nhân dân” có vẻ xa lạ với nhiều người dân ở đô thị lớn, nơi mạng lưới ngân hàng khá dày.

Nhưng quỹ tín dụng nhân dân đang là nơi cung cấp tín dụng cho hàng triệu người dân ở các tỉnh, vùng sâu vùng xa, nông thôn.

Tôi nhận được khá nhiều điện thoại từ người dân và báo chí mấy ngày nay. Câu hỏi của họ khá giống nhau: Liệu việc giám đốc quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình, Biên Hòa - Đồng Nai ôm 50 tỷ đồng bỏ trốn ảnh hưởng lớn không; có yên tâm gửi tiền vào hệ thống các quỹ tín dụng được không?

Tôi giải thích rằng, đây không phải là lần đầu tiên quỹ tín dụng nhân dân xảy ra sự cố. Với quy mô hoạt động khá nhỏ của quỹ, cũng như việc Ngân hàng Nhà nước cam kết bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền thì chúng ta có thể yên tâm.

Vụ việc khiến tôi nhớ lại thời những năm 1988-1989. Gần 100 quỹ tín dụng nhân dân trên toàn quốc đã đổ vỡ chỉ sau gần hai năm hoạt động. Tâm lý thị trường khi ấy rất hoang mang. Một phần do điều kiện kinh tế rất khó khăn. Mặt khác, hầu hết người dân không hiểu vì sao lại như vậy. Thông tin hồi đó không được lan nhanh và rộng rãi như bây giờ.

Bốn nguyên nhân quan trọng lúc đó là: lạm phát phi mã kéo theo sự mất giá rất nhanh của đồng tiền Việt Nam; thiếu vắng một khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của mô hình này trong khi việc cấp phép thành lập dễ dàng; thiếu cơ chế giám sát hiệu quả của các cơ quan quản lý; và trình độ, năng lực cán bộ quản lý quỹ rất hạn chế.

Nhưng cũng sau sự kiện đó, ngành ngân hàng chấn chỉnh hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và thành lập Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương với vai trò điều tiết, điều hòa vốn và hỗ trợ hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở.

Hiện nay, cả nước có hơn 1.100 quỹ tín dụng nhân dân, với khoảng 1,8 triệu thành viên, tổng nguồn vốn huy động khoảng 88.000 tỷ đồng.

Quỹ tín dụng nhân dân không giống với ngân hàng thương mại bởi vì nó hoạt động trên mô hình hợp tác xã, sở hữu tập thể. Các thành viên góp vốn vào thành lập, gửi tiết kiệm vào quỹ, và quỹ cho vay các thành viên với mục đích tương trợ để có vốn sản xuất, kinh doanh, trang trải sự kiện hiếu, hỉ… trong phạm vi tương đối hẹp và tương đối đặc thù ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa - những nơi hệ thống ngân hàng chưa bao phủ hết.

Hình thức quỹ này đã và đang đóng vai trò đáng kể trong việc phát triển bền vững kinh tế nông thôn. Quan trọng hơn, quỹ góp phần đẩy lùi các mô hình rủi ro hơn như chơi hụi, tín dụng đen.

Quy mô của các quỹ nhỏ. Tổng nguồn vốn huy động cho vay từ một vài tỷ đồng đến vài chục tỷ, đồng, chỉ có một vài quỹ lên đến trăm tỷ đồng. Nợ xấu thường rất thấp (dưới 1%). Đây là ưu điểm rất lớn so với mô hình ngân hàng thương mại.

Nhưng mô hình sở hữu tập thể này cũng có vấn đề riêng của nó. Những thành viên không thể giám sát thường xuyên hay quá tin vào giám đốc quỹ, khiến sự lạm dụng quyền lực như quỹ Thái Bình có thể xảy ra. Việc lãnh đạo một số quỹ cố tình chiếm đoạt tài sản chung, cho vay sai nguyên tắc, khiến quỹ bị thua lỗ không phải mới xảy ra lần đầu. Năm 2009 và 2012, kịch bản tương tự đã diễn ra tại các quỹ tín dụng ở Hà Nội và Ninh Bình.

Sự cố ở quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình lại một lần nữa cho thấy hệ thống quỹ cần được chấn chỉnh, gia cố để các vụ việc tương tự không xảy ra.

Kinh doanh tiền tệ là một ngành nhiều rủi ro luôn tiềm ẩn. Sự thật, làm kinh doanh tiền tệ cũng phải chấp nhận rủi ro ở mức độ cho phép. Trong đó rủi ro đạo đức thường rất khó lường. Làm sao chúng ta đo lường hết mọi điều được tính toán trong thâm tâm của mỗi con người?

Thứ nhất, tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân. Trong đó, bổ sung cơ chế để thành viên quỹ hiểu và giám sát khi gửi tiền vào quỹ cũng như là vay tiền từ quỹ này. Có thể nghĩ đến cơ chế thành viên quỹ bỏ phiếu tín nhiệm giám đốc định kỳ cũng là một phương thức đánh giá, giám sát.

Thứ hai, Quốc hội mới thông qua Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trong đó điểm quan trọng là đã có hành lang pháp lý để tái cơ cấu và xử lý ngân hàng cũng như quỹ tín dụng nhân dân yếu kém. Cơ quan quản lý cần sớm có hướng dẫn cụ thể để đưa luật này vào cuộc sống ngay từ 15/1/2018, để hoàn thiện cơ chế giám sát và xử lý nhanh sự cố giữa các cơ quan liên quan.

Thứ ba, lựa chọn người đứng đầu rất quan trọng. Những người này cần phải vừa có tâm (đạo đức nghề nghiệp), vừa có tầm (kiến thức, trình độ, kỹ năng - nhất là quản lý, điều hành), vừa có uy tín. Kinh nghiệm vừa qua cũng cho thấy, một giám đốc quỹ không nên tại vị quá lâu. Sau tối đa hai nhiệm kỳ, tức tối đa 10 năm, cơ quan quản lý nên luân chuyển người đó.

Chúng ta không thể lơ là các quỹ tín dụng nhân dân. Dù quy mô nhỏ, số lượng thành viên thường khá lớn, có khi lên đến hàng nghìn người. Trong văn hóa nhiều địa phương, do ít hoặc thiếu thông tin, do thói quen, họ thường có tâm lý chạy theo đám đông. Nên nếu có sự cố, thường có nhiều người liên lụy. Vì vậy, mỗi tổ chức cần xây dựng và thực thi một nền văn hóa quản lý rủi ro. Theo đó, mỗi người đều ý thức, trách nhiệm quản lý rủi ro trong phần hành công việc của mình cũng như đạo đức nghề nghiệp.

Tôi nhớ lãnh đạo một ngân hàng quốc tế mới đây nói trong một sự kiện: “Kinh doanh tiền tệ là rủi ro, vấn đề là ta chấp nhận và kiểm soát nó thế nào mà thôi”.

Chúng ta luôn nên nhìn các cú vấp như một cơ hội cải tiến.

quy tin dung nhan dan Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Kiên Giang bị kỷ luật

Ngày 23.11, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về mặt Đảng ...

quy tin dung nhan dan GĐ quỹ tín dụng ôm 50 tỷ bỏ trốn: Hai lời ngược

NHNN chi nhánh Đồng Nai cũng chưa biết hướng xử lý như thế nào.

https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/quy-tin-dung-nhan-dan-3676540.html

/ Cấn Văn Lực/VnExpress.net