"Nói phải củ cải cũng phải nghe"... Không nên chậm trễ kéo dài vì lý do "Quan điểm trái chiều", cố tình bảo vệ cái sai của mình- TS Lê Hồng Sơn.
Tuần qua, dư luận xôn xao về Quyết định số 12 của Chủ tịch UBND Thành phố Hà nội chỉ cho phép công dân quay phim, ghi âm, ghi hình khi được sự đồng ý của người có thẩm quyền tại Trụ sở tiếp công dân. Tôi đã nêu khá rõ, khá cụ thể quan điểm của mình về các nội dung sai, các nội dung được cho là Vi hiến, trái Luật tại Nội quy tiếp công dân mà UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành. Đặc biệt là quy định hạn chế quyền của công dân khi buộc công dân chỉ được phép ghi âm, ghi hình khi có sự đồng ý của người tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân là một trong những nội dung sai trái so với quy định của Luật tiếp công dân và Luật ban hành văn bản QPPL. Quy định này còn có dấu hiệu Vi hiến ( Hạn chế quyền công dân tại một quyết định hành chính áp dụng pháp luật).
Quyết định cấm ghi âm, ghi hình cán bộ tiếp công dân cần phải sớm sửa sai. Ảnh minh họa - VKS nhân dân Bắc Giang
1. Sự lây lan nội dung sai: Khi tìm hiểu rộng hơn, hóa ra, nội dung được cho là sai trái nêu trên không chỉ do Hà Nội ban hành. Trên thực tế, các nội dung đó đã được Thanh tra Chính phủ đưa ra từ nhiều năm trước đây, Từ năm 2015, tại quyết định số 2276/QĐ-TTCP ban hành nội quy trụ sở tiếp công dân trung ương ngày 11/8/2015 đã đưa ra quy định "Không được tự ý quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của Lãnh đạo Ban tiếp công dân Trung ương, cán bộ tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân". Chính quy định này là nguồn gốc, là cơ sở để các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương học tập, sao chép khi ban hành Nội quy tiếp công dân theo quy định của Luật tiếp công dân. Đã có gần 30 Tỉnh, Thành phố sao chép quy định sai trái này khi ban hành Nội quy tiếp công dân tại địa phương.
Quyết định của Hà Nội chỉ là sự tiếp nối sau cùng. Có thể nói, sự sao chép, lây lan này không còn là hiện tượng cá biệt, mà đã chiếm gần 1/2 số địa phương cấp tỉnh trên toàn quốc. Số công dân bị hạn chế quyền của mình khi quay phim, chụp ảnh, ghi âm tại trụ sở tiếp công dân cũng không còn là cá biệt và kéo dài từ năm 2015 cho đến nay.
2. Cần sớm sửa sai:
Thứ nhất, nếu thấy cần thiết phải giữ các quy định mà Thanh tra Chính phủ đã đưa ra từ năm 2015, có thể nghiên cứu bổ sung vào Luật tiếp công dân nội dung này ( và được gần 30 Tỉnh thành sao chép) để Quốc hội thảo luận quyết định ( theo nguyên tắc của Quốc hội là phải quá bán số đại biểu tán thành) thành quy định của Luật để thi hành trong toàn quốc. Đây là một hướng giải quyết vấn đề ở tầm Quốc hội, tầm Luật vì có liên quan đến việc hạn chế quyền công dân.
Thứ hai, như đã có dịp nêu hướng xử lý nhanh và hợp lý hơn là, trước hết, cần phải đình chỉ thi hành các quy định sai trái này. Đồng thời, cần thi hành nghiêm các quy định bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn tại các trụ sở tiếp công dân. Chống các hành vi quá khích, kích động, quấy nhiễu, gây rối, xúc phạm, đe dọa (kể cả của những người quay phim, ghi âm, ghi hình) đối với cán bộ, công chức, người thi hành công vụ, và các công dân nói chung tại địa điểm này. Luật và các văn bản QPPL của Nhà nước đều đã có quy định về vấn đề này. Vấn đề là các lực lương chức năng tại đây cần bảo đảm thực thi nghiêm chỉnh.
Tiếp theo, rất cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể việc quay phim, ghi âm, ghi hình. Trước hết, cần yêu cầu các trụ sở tiếp công dân phải tổ chức việc gắn trang thiết bị cần thiết để ghi âm, ghi hình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Khi công dân đến để kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo thì việc đầu tiên là người có trách nhiệm phải thông báo cho người dân biết việc tại trụ sở có ghi âm, ghi hình buổi làm việc. Nếu người dân có nhu cầu trích xuất nội dung làm việc của họ thì lãnh đạo bộ phập tiếp dân trích xuất cho dân. Nếu người dân có nhu cầu tự ghi, tự quay thì cần tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cho công việc này của người dân. Theo tôi, đây là hướng tích cực, vừa bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ theo yêu cầu của Thủ tướng, vừa bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự chung tại trụ sở tiếp công dân, hợp lòng dân, ý Đảng.
Nếu xử lý theo hướng thứ hai mà Tôi vừa nêu ở trên thì chỉ cần một thông tư hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ là đủ.
- TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục KTVB, Bộ Tư pháp
Không tự ý quay phim, ghi âm ở trụ sở tiếp dân: Cần thiết để đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Hưng, Đoàn luật sư ... |
Cơ quan tiếp dân có gì ‘mật’ mà cấm chụp ảnh, ghi âm? Cần trao quyền rộng rãi cho người dân được quay phim, ghi hình để giám sát. |