Câu chuyện chính người nông dân cũng sợ… nông phẩm bẩn đã kéo dài mãi vẫn không chấm dứt. Chí ít thì từ năm 2015, tại Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”, ông Huỳnh Văn Thòn (Tổng giám đốc Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang) đã thẳng thắn nói rằng: Nhiều nông dân không dám ăn rau họ trồng để bán mà phải trồng riêng để ăn. Bởi vì rau họ ăn thì không phun thuốc, còn rau đem bán thì phun thuốc. Đó là một thực tế và cũng là lời cảnh báo nghiêm khắc, nhưng nó cũng không khác gì câu nói nổi tiếng của nhân vật cụ Cố Hồng trong “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng từ năm 1936: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nhưng, không nói không được.

rau 2 luong lon 2 chuong
Lo ngại rau bẩn, nhiều gia đình ở thành thị đã làm vườn trồng rau trên sân thượng.

Nông phẩm tồn dư nhiều chất bảo vệ thực vật tác động xấu tới sức khỏe con người là vô cùng nguy hiểm. Nó không làm người ta chết ngay mà tác động ngấm ngấm tới sức khỏe mỗi người, từ đó sinh ra bệnh tật, kể cả những bệnh “lạ”, bệnh quái đản khiến y học bó tay. Sâu xa hơn, nó khiến giống nòi bị tổn hại, cũng là một nguyên nhân khiến xã hội phập phồng lo lắng, người ta phải sống trong tình trạng bất an.

Kể từ hơn 1 năm trước (khoảng giữa năm 2016), người ta đã nói đến chuyện “rau hai luống, lợn hai chuồng”. Nghe cứ như chuyện đùa, đùa nhưng mà cười ra nước mắt. Do hám lợi và cũng là… sợ chết nên không ít nông dân đã sản xuất ra hai loại nông phẩm: Loại bẩn thì bán ra thị trường, loại sạch để ở nhà ăn. Loại bẩn (kể cả hoa màu lẫn gia súc, gia cầm) đều có chất độc hại. Với các loại rau, hoa quả, người ta dùng rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật mà tồn dư độc hại khó lường hết.

Để rau nhanh lớn, nhiều người đã bón một loại thuốc kích thích tăng trưởng (được gọi với cái tên “tăng phọt”), rút ngắn thời gian sinh trưởng cần phải có của rau. Đó thực chất là loại thuốc kích thích tăng trưởng mang nguồn gốc biến đổi gene bị cấm.

Còn với lợn gà, thì họ dùng những loại cám tăng trọng cực sốc. Một con lợn mỗi tháng tăng đến 20 cân là chuyện không hiếm. Hay mỗi một con gà, lẽ ra 6 tháng mới “ăn” được thì nay chỉ cần 4 tháng là đem bán cho thiên hạ. Ngay như đến quả trứng của nó cũng có dấu hiệu bất ổn. Không rõ dùng chất kích thích gì mà người chăn nuôi có thể “hô biến” những quả trứng gà gần như toàn lòng đỏ.

Đó là khâu sản xuất, đến khâu chuẩn bị gia nhập thị trường cũng lại bất ổn nốt. Nhiều loại rau trước khi đem bán đã được “tắm” bằng thứ nước hóa chất để xanh non, bóng bẩy bắt mắt. Còn trái cây thì cũng tẩm hóa chất, để giữ độ tươi đến cả năm trời.

Khiếp hãi, tới nay không ai dám ăn ngay một loại quả mới mua, mà phải rửa đi rửa lại, gọt vỏ kĩ lưỡng. Còn rau mua về phải ngâm trong nước muối pha loãng nửa tiếng, lại cho cả vào máy mà rửa. Nhưng cũng chỉ là rửa được cái bên ngoài, còn chất độc ngấm bên trong thì làm sao mà tẩy rửa được.

Mới đây, khi cơ quan chức năng phát hiện một cơ sở chế biến thực phẩm tiêm thuốc an thần cho 4.000 con lợn trước khi giết mổ, thì thât là đã đến mức không thể chịu đựng được. Chỉ vì lợi nhuận mà người ta nỡ đầu độc đồng bào mình đến thế sao? Chưa kể lắm kẻ bơm nước vào bò vào lợn, vào gà vào vịt, tiêm cả tạp chất vào tôm… tất cả cũng chỉ vì chữ tiền mà ra.

“Rau hai luống, lợn hai chuồng”phổ biến đến độ người ta phải gọi nó là hội chứng. Hội chứng làm ăn gian dối, bất chấp pháp luật, đầu độc sức khỏe con người. Vậy nhưng vì sao những việc làm xấu ấy không bị loại bỏ?

Bên cạnh việc hám lợi hoặc thiếu hiểu biết của người sản xuất, kinh doanh thì nguyên nhân rất quan trọng là sự thiếu trách nhiệm của cơ quan bảo vệ thực vật, thú y, quản lý thị trường. Thậm chí có kẻ trong bộ máy công quyền ấy còn thừa cơ đục nước thả câu, kiếm ăn từ tình trạng hỗn loạn này.

Kỷ cương pháp luật chưa nghiêm dần dẫn tới nhờn luật, khiến nhiều giá trị chuẩn mực bị xô lệch, đảo ngược. Đáng buồn là trong câu chuyện này người ta thấy rằng lòng trắc ẩn, ý thức cộng đồng ở một bộ phận người dân, cán bộ thực thi công vụ ngày một hiếm hoi.

Ngày 19/10 mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm, mà cụ thể là việc trồng rau an toàn tại xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

Tại đây, trò chuyện với cán bộ địa phương, với bà con nông dân, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi và nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất thực phẩm an toàn.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh phải xóa bỏ tình trạng “rau 2 luống, lợn 2 chuồng”, một để ăn một để bán. Muốn làm được điều đó thì cùng với sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của cơ quan hữu quan, của chính quyền địa phương thì ý thức của người trổng trọt, chăn nuôi mang yếu tố quyết định. Vì vậy, cần vận động, hướng dẫn bà con triển khai nhân rộng mô hình trồng rau an toàn, phát huy hơn nữa vai trò của chính quyền, các đoàn thể tổ chức địa phương. Nhân rộng nhanh các mô hình sản xuất thực phẩm an toàn để đẩy lùi cung cách làm ăn “rau hai luống, lợn hai chuồng”. Đó là việc làm không thể trì hoãn.

Không thể bắt những bà nội trợ phải trở thành những “nhà tiêu dùng thông thái” mà phải nhân rộng những mô hình sản xuất có lương tâm; cùng đó phải nêu cao trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ chức năng, cán bộ địa phương. Cùng đó, cũng không thể xuê xoa với những hành vi sản xuất, kinh doanh phi pháp, gieo họa vào cộng đồng.

rau 2 luong lon 2 chuong Vụ án Giám đốc viện Nhi bày mưu giết vợ từng chấn động Hà Nội: Khai quật tử thi thành công nhờ kế hoạch điệu hổ ly sơn (Kỳ 4)

Chỉ có duy nhất một biện pháp đó chính là khai thuật tử thi, xét nghiệm thì mới có thể có đáp án cho những ...

rau 2 luong lon 2 chuong Tìm cách tăng hàng hóa, nông sản vào Mỹ

Nhiều hàng hóa, nông sản VN xuất khẩu sang Mỹ liên tục gặp rào cản, mặc dù các đơn vị sản xuất kinh doanh trong ...

rau 2 luong lon 2 chuong Cuộc chiến gạo đến hồi nóng và ‘thách thức 109’ của Việt Nam

Cứ thấy cách Campuchia táo bạo vác bao gạo tặng cho Hoa hậu ngày đăng quang, cách Thủ tướng Thái nhìn đăm đăm rồi hỏi ...

http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/rau-2-luong-lon-2-chuong-383405

/ Miên Thảo/daidoanket.vn