Hai robot mua ở Mỹ giá 4 tỷ đồng, gắn camera chất lượng cao, xoay 360 độ, thay công nhân luồn sâu "chẩn bệnh" các cống thoát nước để kịp thời sửa những hư hỏng.

16h, xe bồn hút bùn 5 m3 cùng 9 công nhân thoát nước tấp vào lề quốc lộ 13, phường 26, quận Bình Thạnh. Họ chuẩn bị làm nhiệm vụ dùng robot kiểm tra đoạn cống thoát nước dài 400 m từ ngã tư Đài liệt sĩ đến ngã ba đường vào Bến xe miền Đông. Đoạn cống này có cách đây 20 năm, bị võng dễ xảy ra sự cố. Trước đó, 2 máy bơm chạy liên tục 8 tiếng hút hết nước và bùn trong cống, "dọn đường" cho robot vào khảo sát.

5311 4
Công nhân đưa robot vào miệng cống thoát nước trên quốc lộ 13 (quận Bình Thạnh). Ảnh: Hà An.

Khoảng 15 phút sau, xe tải 2,5 tấn chở 2 robot tiến sát miệng cống mở sẵn, dừng lại sau cái vẫy tay ra hiệu của anh Nguyễn Duy Khánh, kỹ sư của Công ty TNHH MTV thoát nước đô thị TP HCM. Robot dài chừng một mét, cao 50 cm, nặng 80 kg, phần thân làm bằng thép, di chuyển trên 4 bánh cao su. Đầu robot gắn camera độ phân giải cao, tự điều chỉnh tiêu cự, xung quanh có 4 đèn nhỏ và 2 đèn lớn trợ sáng. Thân robot gắn một sợi dây cáp truyền tín hiệu. Công nhân nối dây tời và ròng rọc chuẩn bị nhấc robot ra khỏi thùng xe.

Công đoạn đưa robot vào cống cần đến 4 công nhân, gồm 2 người đứng ở miệng cống đỡ robot, một người trên xe điều khiển dây tời, một người xuống dưới hố ga chờ đưa robot vào "đường băng" là chiếc ván gỗ dài 1,5 m, rộng 50 cm cắt vát bốn đầu luồn vào cống. Sau chừng 20 phút, với sự phối hợp khéo khéo của các công nhân, robot được hạ xuống, đưa tới sát miệng cống đường kính 60 cm.

Lúc này trên xe tải - nơi đặt trung tâm điều khiển rộng chừng 6 m2, kỹ sư Nguyễn Minh Nhật (38 tuổi), mắt nhìn vào màn hình, tay phải cầm cần điều khiển cho robot chạy vào lồng cống. Trên cần điều khiển có 4 nút bấm chỉnh camera xoay chiếu hình ảnh bên trong cống thoát nước. Hình ảnh do robot thu được truyền về "đầu não" trên xe, hiển thị trên màn hình 14 inch.

5316 5
Kỹ sư Nguyễn Minh Nhật điều khiển robot kiểm tra cống thoát nước qua màn hình. Ảnh: Hà An.

18h, trời bắt đầu tối. Đúng giờ tan tầm, xe đông đúc, ồn ào với tiếng còi vang lên liên tục. Anh Nhật vẫn chăm chú nhìn vào màn hình, trên bàn là bản vẽ hệ thống cống. Ở vị trí cách miệng cống chừng 10 m, từ hình ảnh camera, anh phát hiện đầu nối giữa hai cống bị hở khiến nước ngầm chảy vào trong. Anh rê chuột vào màn hình bên trái đang xử lý dữ liệu, đánh dấu và xác định tọa độ vị trí hư hỏng cần sửa chữa. Kiểm tra thêm 30 m, robot phát hiện một đoạn cống bị lệch phải nhanh chóng khắc phục...

Có robot kiểm tra, công nhân thoát nước đỡ vất vả so với trước. Hơn 17 năm gắn bó với nghề, ông Võ Văn Điền (58 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) coi "robot như ân nhân của mình". Bởi bây giờ ông không còn phải đội đèn chui cống hay hì hục cùng đồng nghiệp dùng phương pháp thủ công như gương soi, quay lồng sắt kiểm tra sự cố bên trong cống.

Ông Điền kể những lần chui cống kiểm tra hư hỏng, đang ở bên trong thì triều cường làm nước dâng lên, sình lầy dâng tới bắp chân, di chuyển khó khăn khiến ông bị kẹt lại. Phải cố gắng lắm ông mới thoát được ra ngoài. Với những cống quá nhỏ, công nhân không thể chui vào để kiểm tra vị trí hư hỏng. "Giờ có robot này, công việc của tui nhẹ nhàng hơn, không sợ nguy hiểm đến tính mạng. Dù cống lớn hay nhỏ, robot cũng chui vào được để kiểm tra", ông Điền nói.

Hai robot kiểm tra cống do Công ty TNHH MTV thoát nước đô thị TP HCM đưa vào sử dụng từ năm 2004. Robot lớn khảo sát cống đường kính 60 cm trở lên, robot nhỏ kiểm tra cống nhỏ hơn 60 cm. Sau 16 năm "nội soi" cả trăm km lòng cống ở môi trường nhiều axit và chất bẩn, đến nay robot vẫn sử dụng tốt. Dây cáp tín hiệu của chúng có khả năng chịu lực lớn, hoạt động hiệu quả ở độ sâu 10 m dưới nước.

5320 6
Robot bắt đầu vào kiểm tra, phát hiện hư hỏng ở cống thoát nước. Ảnh: UDC.

Theo ông Bùi Văn Trường, Trưởng phòng Quản lý vận hành hệ thống thoát nước mưa (Công ty TNHH MTV thoát nước đô thị TP HCM), robot có nhiệm vụ phát hiện những hư hỏng như hở gioăng, lệch tâm, biến dạng... trong lòng cống. Các sự cố này nếu không kịp thời phát hiện, xử lý có thể khiến cống bị sụp, xuất hiện hố tử thần gây tai nạn, nguy hiểm cho người đi đường. Những cống cũ tuổi đời hàng chục năm, cống nằm trên các tuyến đường đông xe dễ sụt lún, cống gần các cây cổ thụ hay nơi thường xuyên bị ngập... sẽ được ưu tiên robot kiểm tra.

"Khi phát hiện hư hỏng, robot sẽ gửi hình ảnh cùng vị trí chính xác để công nhân đào cống thi công, sửa chữa", ông Trường nói và cho biết việc kiểm tra phải thực hiện vào mùa khô, khi triều cường thấp để thuận lợi bơm nước. Có khi để khảo sát một tuyến đường, nhiều công nhân phải thay ca liên tục làm suốt ngày đêm đảm bảo tiến độ. Công tác kiểm tra các tuyến cống phải được tính toán phù hợp thực tế, hạn chế làm ở giờ tan tầm, ảnh hưởng người dân...

Công nhân thoát nước ngại nhất khi kiểm tra ở những đoạn cống bị rác bịt kín. Hồi tháng 5, khi khảo sát tuyến cống trước cổng Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh), họ phải vớt lên cả đống rác với nhiều vỏ chai nhựa, bịch nylon nằm sâu trong lòng cống sau đó mới đưa được robot vào.

5325 7
Nhiều túi nilon và chai lọ được vớt lên dưới cống thoát nước trước cổng bến xe Miền Đông, hồi tháng 5. Ảnh: Duy Khánh.

"Nhiều người ý thức rất kém, sẵn sàng vứt rác khắp mọi nơi. Điều này khiến cống bị tắc gây ngập khi mưa xuống và cũng tạo khó khăn cho việc sửa chữa cống", kỹ sư Khánh nói và mong người dân không nên vứt rác xuống nắp cống để công nhân lẫn robot đỡ vất vả khi kiểm tra, duy tu cống thoát nước.

Công ty TNHH MTV thoát nước đô thị TP HCM đang quản lý hệ thống thoát nước hơn 1.000 km tại thành phố, trong đó có nhiều tuyến cống xây dựng cách đây nhiều năm đã hư hỏng, xuống cấp cần sớm sửa chữa, bảo dưỡng.

Hà An

Rác thải bịt kín miệng cống thoát nước ở Sài Gòn Rác thải bịt kín miệng cống thoát nước ở Sài Gòn

Nhiều hố ga, cống thoát nước trên các tuyến đường tại TP HCM trở thành nơi chứa đủ thứ rác thải.

Kinh hãi những thứ được móc lên từ lòng cống ở Sài Gòn Kinh hãi những thứ được móc lên từ lòng cống ở Sài Gòn

Thật kinh khủng khi dưới lòng cống nghẹt cứng vỏ chai nhựa, rác thải, kim tiêm…

/ vnexpress.net