Hành lang xập xệ, cầu thang hư hỏng, trần nhà thấm nước... cứ thế, người dân sống tại chung cư Trúc Giang quận 4, TP.HCM đã quen với cảnh vừa ở vừa nơm nớp lo sợ chung cư đổ sập bất cứ lúc nào.
Chung cư Trúc Giang (41/1 Lê Văn Linh, quận 4, TP.HCM) trước đây do Công ty Công ích quận 4 quản lý, có tổng cộng hơn 100 căn hộ, được xây dựng từ trước 1975. Đến nay phần lớn cơ sở hạ tầng đều mục nát, xập xệ, có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Với tuổi thọ hơn nửa thế kỉ, hầu hết mọi bức tường đều đã và đang dần dần đổ vỡ, nhẹ hơn thì nứt nẻ, bong tróc, rong rêu…
Những bức tường, cột trụ là bộ phận chịu lực, giảm tải trọng cho sàn dưới và nâng đỡ trần nhà, nay không còn "đủ sức" để chống đỡ sau hơn 50 năm gồng mình.
Tính mạng của người dân còn bị đe doạ hơn ở hệ thống mạng dây điện chằng chịt, đan xen nhau và không hề được che chắn. Cùng với thiết bị PCCC sơ sài, những bức tường, cột bê tông đã mục nát, cầu thang thoát hiểm hư hỏng, chỉ nhìn thôi đủ thấy rùng mình.
Diện tích nhỏ hẹp, chật chội, ẩm thấp. Thế nên, giếng trời luôn là nơi để phơi quần áo và các vật dụng sinh hoạt thường ngày. “Cột bê tông lâu ngày rồi cũng vỡ, đến nỗi thấy cả sắt bên trong, những vụn sắt dần dần cũng rớt xuống. Nó rớt ngay trên đầu mình mà, ngày nào cũng rớt", chị Thu, một cư dân sống tại lầu 3 lo lắng.
Nhận thấy sự xuống cấp nghiêm trọng và an toàn của chung cư không còn được đảm bảo, mọi cư dân đều mong muốn được cải thiện chất lượng nhà ở. Phía công ty và người dân đã nhiều lần gia cố, sửa chữa để ở tạm, hạn chế những rủi ro từ cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, cũng chỉ là "vá víu" qua ngày.
Bức tường bong tróc này, theo chị Thu, cư dân sống ở đây, vẫn còn rất nhẹ so với đoạn hàng lang trước nhà, vì ít ra, những bức tường đó vẫn có thể sờ vào được. “Tôi phải dùng dây cột chặt những mảnh bê tông lớn này lại, nếu không người ở tầng dưới bị rớt bê tông vào đầu lúc nào không hay", chị Thu nói.
Rất khó để có thể tìm một bức tường, một dãy hàng lang còn “nguyên vẹn”.
Không thuộc danh sách “hiện vật cấm sờ” như dãy hành lang, mà đoạn cầu thang này lại là “khu vực nguy hiểm” vì miếng lót đã mực nát, nhún mạnh có thể sập. Thanh sắt đỡ ở dưới cũng đã “ra đi” từ lâu. Cánh cửa của “cầu thang thoát hiểm” đã mục nát gần hết, luôn được bấm khoá để bọn trẻ không thể ra ngoài “vùng cấm”.
Hành lang sập xệ thì buộc lại, cầu thang hư hỏng thì rào lại, trần nhà thấm nước thì vẽ đường cho nước chảy. Hình ảnh chiếc phễu cùng với ống nước bắt từ trần nhà xuống dưới đã rất quen thuộc với cư dân ở đây, họ đã cố gắng để hạn chế nước ngoài hiên chảy vào nhà. Đôi khi nhìn những vật dụng tự chế này, nhiều người còn nói đùa với nhau “cái khó ló cái khôn”.
Nhưng có lẽ quá nhiều “cái khó” đang hiện hữu tại đây, khó khăn ngày một lớn hơn… và bài toán cải tạo chung cư Trúc Giang vẫn là một bài toán chưa có lời giải.
Dân tái định cư ở Hà Nội khổ sở vì nước bẩn tràn ra từ bể phốt Từ nhiều năm nay, người dân ở khu tái định cư Đồng Tàu (Hà Nội) phải sống chung với cảnh nước thải lênh láng quanh ...
TP HCM: Hàng chục chung cư đang run rẩy Nhiều chung cư ở TP HCM đang xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ sập đổ nhưng việc giải tỏa để xây mới gặp ...
Phải học nơi ọp ẹp vì trường xuống cấp Tại 2 tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng, nhiều ngôi trường sập, xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa nên học sinh phải học tạm ...
Bệnh viện gần trăm tỷ hoạt động 3 năm đã xuống cấp Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng Bình Thuận được xây dựng gần trăm tỷ đồng, mới hoạt động 3 năm ...