Cựu Tổng thống Gruzia, cựu Thống đốc Odessa/Ukraine Mikhail Saakashvili đã xâm nhập lãnh thổ Ukraine và tuyên bố sẽ “giải cứu Kiev”.

saakashvili danh chiem kiev ukraine the tham hon gruzia
Thời tươi đẹp của ông Saakashvil và ông Poroshenko Mikhail Saakashvili xâm nhập trái phép biên giới Ukraine

Theo tin của cổng thông tin trực tuyến Gordon, cựu Tổng thống Gruzia và đồng thời là cựu Thống đốc Tỉnh Odessa của Ukraine là ông Mikhail Saakashvili tuyên bố rằng cần "khẩn trương giải cứu Kiev”.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Saakashvili nói rằng, hiện ông đã tuyên bố sẽ tập hợp mọi người ủng hộ trên khắp đất nước Ukraine. Sau khi có những trải nghiệm thú vị với thành phố đầu tiên là Chernivtsi, ông sẽ thăm thêm một số thành phố, sau đó di chuyển về Kiev.

Cựu Tổng thống Gruzia hào hứng khoe là ông đã nghe thấy, trên đường đi có ai đó gọi mình là “vị thánh hộ mệnh của Kiev”. Do đó, cần phải khẩn trương giải cứu Kiev (khỏi chính quyền đương nhiệm)… và đó sẽ là sự khởi đầu (một chương mới trong lịch sử Ukraine?).

Theo ông, trong vài tuần tới, số lượng những người ủng hộ ông sẽ nhiều hơn. Và sau đó mọi thứ sẽ hoàn toàn giống như tại trạm kiểm soát Shegini, nơi ông được những người ủng hộ “giải cứu” trên biên giới Ukraine-Ba Lan, bất chấp sự ngăn chặn của cảnh sát Ukraine.

Vị cựu Thống đốc Odessa cho rằng, sau khi ông đến Kiev, “đường sẽ thông” (như ở Shegini); nhưng lần này giới đầu sỏ chính trị hiện nay sẽ bị gạt sang một bên, còn đất nước Ukraine sẽ “tiến về phía trước”.

Vừa qua, ông Saakashvili đã bị Tổng thống Petro Poroshenko tước quyền công dân Ukraine, với lý do ông đã cung cấp thông tin sai sự thật khi đề nghị được cấp quốc tịch Ukraine (đã có quốc tịch Mỹ). Khi đó, Saakashvili đang ở Mỹ, sau đó, ông này đã đến thăm Ba Lan, Litva, Hungary và một số nước khác.

Vào buổi tối ngày 10/9, với sự giúp đỡ của khoảng hơn 200 người ủng hộ, thuộc đảng "Phong trào của các lực lượng mới" (Saakashvili là lãnh đạo của đảng này), ông đã vượt qua hàng rào của nhân viên biên phòng và cảnh sát tại trạm kiểm soát Shegini vào lãnh thổ Ukraine từ lãnh thổ Ba Lan.

Sau đó, Cảnh sát quốc gia Ukraine đã mở vụ án hình sự về trường hợp di chuyển bất hợp pháp vượt biên giới vào Ukraine của ông Saakashvili, chiểu theo 4 Điều luật khác nhau.

Theo Điều 332 về việc "Chuyển người bất hợp pháp qua biên giới quốc gia Ukraine" thuộc Bộ luật hình sự Ukraine. Vì hành vi phạm tội của ông Saakashvili sẽ bị phạt tù tối đa 5 năm và tịch thu xe hoặc các phương tiện phạm tội khác.

Tuy nhiên, vị cựu Thống đốc Odessa này tuyên bố rằng, ông dự định sẽ tự bảo vệ quyền công dân của mình trước tòa. Saakashvili tuyên bố rằng, nhân viên thực thi pháp luật trong quá trình khám xét đã "lấy cắp hộ chiếu của ông", nhưng cảnh sát đã bác bỏ điều đó.

Hết tuần trăng mật ngọt ngào ở Ukraine

Sau thất bại đáng tủi hổ trong “Cuộc chiến tranh 5 ngày” với Nga vào tháng 8/2008; ông Mikhail Saakashvili thất thế trong cuộc bầu cử Tổng thống Gruzia năm 2012 và chạy trốn khỏi đất nước ngay sau lễ nhậm chức của Tổng thống mới vào năm 2013. Sau đó, ông bị nước này tước quốc tịch và ra lệnh truy nã toàn cầu.

Tuy nhiên, sau cuộc chính biến Maidan trên Quảng trường Độc Lập ở thủ đô Kiev của Ukraine hồi tháng 2/2014, ông này bất ngờ xuất hiện ở Ukraine với quốc tịch Mỹ và sau đó được trao Quốc tịch Ukraine, rồi sau đó, “con đường hoạn lộ nơi đất khách” của ông này liên tiếp mở ra.

Ngày 13/2/2015, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã bất ngờ bổ nhiệm ông Mikhail Saakashvili (lúc đó mang quốc tịch Mỹ) làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn quốc tế về cải cách của Ukraine (IACR), đồng thời đảm nhận nhiệm vụ điều phối việc cung cấp vũ khí sát thương của phương Tây cho Kiev.

Bất ngờ hơn là chỉ sau đó 3 tháng, vào ngày 30/5/2015, Tổng thống Poroshenko lại tiếp tục bổ nhiệm vị cựu Tổng thống Gruzia vào chức vụ Thống đốc tỉnh Odessa - nơi có thành phố cảng quan trọng bậc nhất của Ukraine về kinh tế và có vị trí rất quan trọng về quân sự.

Ngày 10/11/2016, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ký sắc lệnh miễn nhiệm ông Mikhail Saakashvili khỏi khỏi vai trò Chủ tịch Hội đồng cố vấn quốc tế về cải cách của Ukraine (IACR) và vị trí thống đốc Odessa, tỉnh nằm ở phía Tây Nam của nước này.

Hồi giữa tháng 9 năm 2016, nhiều nghị sĩ Ukraine đã liên kết đệ đơn lên Viện Tổng công tố nước này để kiện ông Saakashvili về các tội danh vận động hành lang vì lợi ích tài chính cá nhân và gian dối trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Nhiều quan chức Ukraine tuyên bố rằng, họ đã chán ngấy đến tận cổ vị chính khách “ngoại nhập” này, bởi những phát ngôn hàm hồ, tư tưởng chống Nga cực đoan và cuộc chiến chống tham nhũng đầy mờ ám.

Các vị đại biểu Verkhovnaya Rada cáo buộc ông Mikhail Saakashvili đã “lập các nhóm tội phạm có tổ chức”, có sự tham gia của các cựu nhân viên và nhân viên đương nhiệm của Cơ quan quốc gia chống tham nhũng Ukraine, gây thiệt hại cho đất nước 6,5 tỷ grivna (hơn 250 triệu USD).

Trong khi đó, những lời hứa suông về cải thiện mức sống của nhân dân, các chương trình cải cách các cơ quan công quyền trên giấy và chương trình chống tham nhũng mờ ám, cùng với đầy rẫy mâu thuẫn với các quan chức lãnh đạo Ukraine đã khiến uy tín của ông Saakashvili ở Odessa sụt giảm thê thảm, xuống dưới mức 10%.

Do đó, nếu ông không chịu từ bỏ chiếc ghế Thống đốc Odessa thì trước sau cũng bị cách chức hoặc bị dân chúng tỉnh này đuổi đi. Do đó, Saakashvili đã khôn ngoan tuyên bố từ chức, trước khi bị đá văng khỏi chính trường Ukraine chỉ vài ngày sau đó.

Hết cửa về cố quốc, sang Mỹ thì với thân phận đó, ông ta chẳng làm được gì; do đó, vị cựu Thống đốc Odessa quyết chí tranh giành địa vị chính trị ở Ukraine - đất nước mà ông từng tuyên bố là “Tổ quốc thứ 2” (hay thứ 3, sau Mỹ?), với tham vọng hạ bệ Tổng thống Poroshenko.

Nếu Saakashvili nắm quyền, Ukraine sẽ đi vào vết xe đổ Gruzia

Ngược dòng lịch sử, bắt đầu từ những năm 1990, Gruzia bắt đầu làm rạn nứt quan hệ với Nga khi công khai tìm mọi cách “ve vãn” Mỹ và NATO; dưới chiêu bài thúc đẩy tiến trình dân chủ ở Gruzia, đồng thời triển khai sâu rộng chính sách bài Nga và o ép các dân tộc thiểu số thân Nga.

Quan hệ Nga - Gruzia không thể hàn gắn khi Tổng thống Gruzia Saakashvili liên tục chĩa mũi dùi vào Moscow khi khuyến khích người dân trong nước quên đi lịch sử gắn liền với thời kỳ Gruzia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Liên Xô, xây dựng một Gruzia theo mô hình dân chủ phương Tây.

Tbilisi coi mục tiêu xích lại gần hơn với NATO và gia nhập tổ chức quân sự này là một công cụ cho phép họ đảm bảo an ninh cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ lâu dài. Mà điều này thì rõ ràng là điều khiến Nga không thể hài lòng.

Quan hệ hai nước ngày càng phức tạp bởi bất đồng liên quan đến 2 khu vực đòi độc lập là Abkhazia và Nam Ossetia, tương tự như 2 nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk ở Ukraine hiện nay.

Người Nam Ossetia bị cưỡng ép phải sống ở Gruzia và có nguy cơ bị đồng hóa, cả nước chỉ còn lại duy nhất một người mang họ của người dân tộc thiểu số ở Ossetia. Trong Quốc hội chỉ có 4/150 nghị sĩ là người dân tộc thiểu số Armenia và Azerbaijan, trong Chính phủ chỉ có duy nhất một bộ trưởng là người gốc Nga.

Đang say men chiến thắng khi vừa đánh bại lực lượng đối lập trong cuộc bầu cử Tổng thống Gruzia tháng 5/2008 và tin tưởng vào lời hứa của phương Tây, ông Saakashvili đã quyết định dấn thêm một bước trong việc thực hiện mục tiêu lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của mình là thống nhất Gruzia.

Quyết định thu hồi lãnh thổ đất nước bằng biện pháp quân sự là một sai lầm lớn của ông Saakashvili. Nó đã khiến Gruzia thảm bại trước Nga trong “Cuộc chiến 5 ngày”; đồng thời làm tiến trình hòa giải dân tộc vô phương cứu vãn, Nam Ossetia và Abkhazia ngày càng rời xa Gruzia.

Thế nhưng sau khi sang Ukraine với 2 cương vị mới, trở thành một nhân tố quan trọng trên con đường kết nối Ukraine với châu Âu và NATO, ông Saakashvili dường như đã không “truyền dạy” bài học nhớ đời của mình ngày xưa cho Tổng thống Ukraine Poroshenko.

Ông lại tiếp tục có những phát biểu cực đoan chống Nga, khiến phần đông người Nga hoặc thân Nga ở Ukraine căm phẫn, kích động mâu thuẫn sắc tộc và các giai tầng xã hội Ukraine, khoét sâu mâu thuẫn giữa Nga với Ukraine.

Bài học thất bại thảm hại trước Nga đã không khiến ông Saakashvili tỉnh ngộ mà ngược lại, vấn đề ưu tiên đầu tiên của ông là “điều phối việc chuyển giao vũ khí sát thương cho Kiev” để quân đội Ukraine có thể bình định miền Đông và đánh tới tận Moscow.

Trong khi đó, vị “Thống đốc ngoại nhập” này cũng đẩy nhanh tiến độ kế hoạch bán và cho thuê các hải cảng lớn ở tỉnh này cho các công ty Mỹ và châu Âu, khiến những khoản lợi kếch xù rơi vào tay các tập đoàn nước ngoài.

Cùng với đó là những lời hứa suông về việc chống các tài phiệt, mở bãi tắm công cộng cho nhân dân; dự án bánh vẽ về việc cải tạo tuyến đường vận tải quốc tế Odessa-Reni (dọc theo biên giới với Romania), cùng với đề án cải cách hệ thống thuế quan Odessa trên giấy…

Saakashvili còn tổ chức nhiều diễn đàn chống tham nhũng trên toàn Ukraine. Ban đầu, ông ta được nhân dân ủng hộ, nhưng sau đó, khi nhìn thấy những chính khách chống tham nhũng cưỡi những chiếc xe hàng trăm ngàn USD, đi những đôi giày bằng hàng năm lương của người lao động thì những hy vọng của họ đã tan thành mây khói.

Có thể nói rằng, với nền chính trị bất ổn, xã hội rối ren, kinh tế suy sụp, đời sống nhân dân thấp kém, đất nước còn đang trong tình trạng nội chiến; nếu ông Saakashvili thành công trong chiến dịch “giải cứu Kiev” đầy tham vọng thì Ukraine sẽ thê thảm còn hơn Gruzia năm xưa.

http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/saakashvili-danh-chiem-kiev-ukraine-the-tham-hon-gruzia-3343169/

/ Đất Việt