Chúng ta thấy Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam vẫn đang có nhiều lợi thế trong việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa trong những năm tới đây.
Chương trình giáo dục phổ thông mới mà ngành Giáo dục thực hiện trong những năm tới đây đặt "chương trình" lên trên sách giáo khoa bởi sách giáo khoa chỉ là một tư liệu cho việc dạy và học ở các nhà trường phổ thông.
Song, nhìn từ thực tế, việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa vẫn đang được Bộ rất chú trọng và vấn đề này cũng đang nhận được sự quan tâm của toàn xã hội.
Việc thẩm định sách giáo khoa lớp 1 đã cơ bản hoàn tất và chúng ta thấy Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam vẫn đang là đơn vị có nhiều lợi thế trong việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa trong những năm tới đây.
| |
Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam sẽ chiếm ưu thế trong việc xuất bản và phát hành sách giáo khoa (Ảnh minh họa: Dangcongsan.vn) |
Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam đang chiếm ưu thế
Năm học 2020-2021 tới đây, Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được thực hiện ở lớp 1 và thời gian qua thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành thẩm định sách giáo khoa lớp 1.
Đến nay, trong số 5 bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 vượt qua 2 vòng thẩm định thì Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam có 4 bản. Bản mẫu còn lại thuộc về 2 nhà xuất bản là Nhà xuất bản đại học sư phạm Hà Nội và Nhà xuất bản đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.
Theo chia sẻ ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 4 bản mẫu sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã lọt qua hai vòng thẩm định.
Và, 4 bộ sách này có tên là: “Kết nối tri thức với cuộc sống;” bộ sách giáo khoa “Chân trời sáng tạo;” bộ sách giáo khoa “Cùng học để phát triển năng lực”; bộ sách giáo khoa “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”.
Việc Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam đang chiếm ưu thế khi có tới 4/5 bộ sách giáo khoa mới đã vượt qua 2 vòng thẩm định không bất ngờ đối với mọi người.
Bởi, thực tế đơn vị này đã có hơn nửa thế kỷ đảm nhận công việc này nên họ có đội ngũ chuyên gia viết sách, đội ngũ họa sĩ trình bày hùng hậu và ngoài ra còn có nhiều lợi thế khác nữa.
Song, vấn đề đặt ra là Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam là đơn vị trực thuộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Liệu rồi đây có còn tình trạng độc quyền sách giáo khoa như hiện nay?
|
Theo kế hoạch thì các địa phương, các đơn vị trường học có quyền lựa chọn sách giáo khoa cho đơn vị mình và Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam sẽ không còn độc quyền xuất bản sách giáo khoa như hiện nay.
Tuy nhiên, chúng tôi băn khoăn liệu kế hoạch này có thực hiện được hay không thì thời gian mới trả lời được. Bởi, nhìn từ thực tế chúng ta sẽ thấy Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam đang có nhiều lợi thế bởi hiện nay họ đã có hệ thông phân phối sách giáo khoa ở khắp tất cả các tỉnh thành trong cả nước.
Các chi nhánh của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam cũng được đặt ở nhiều nơi để thuận lợi cho việc in ấn, phát hành hàng năm.
Nhất là việc Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam lại là đơn vị trực thuộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo lại đang là cơ quan lãnh đạo các Sở Giáo dục, dù sao thì dùng sách của “người nhà” vẫn hơn sách của “người ngoài”.
Vì vậy, nói gì thì nói, sách giáo khoa mới trong những năm tới đây vẫn tập trung vào sách của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam là điều chắc chắn.
Ai sẽ là người chọn sách giáo khoa?
Theo dự kiến, việc lựa chọn bộ sách giáo khoa nào cho đơn vị mình thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa.
Trong đó, Chủ tịch hội đồng là lãnh đạo Ủy ban nhân dân, các Phó Chủ tịch là lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Thư ký hội đồng là lãnh đạo các phòng chức năng trực thuộc Sở Giáo dục. Mỗi môn học/hoạt động giáo dục ở một cấp học có một tiểu ban.
Trong các tiểu ban này có ít nhất 2/3 tổng số thành viên là nhà giáo hoạt động giáo dục, giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc các vùng miền trên địa bàn.
Cần mở thêm diễn đàn cho giáo viên được tham gia thẩm định sách giáo khoa |
Nhìn vào cơ cấu này, chúng ta cũng thực sự yên tâm bởi có nhiều thành phần tham gia để lựa chọn sách giáo khoa cho địa phương mình.
Nhưng, liệu “2/3 tổng số thành viên là nhà giáo hoạt động giáo dục, giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc các vùng miền trên địa bàn” có phải là những người quyết định hay không lại là vấn đề rất khó khẳng định.
Trong bối cảnh mà ngành giáo dục nước ta vẫn đang xem trọng vấn đề thi cử, điểm số thì việc lựa chọn một phương án an toàn vẫn là giải pháp tối ưu cho các địa phương lựa chọn sách giáo khoa cho riêng mình.
Chọn sách giáo khoa của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam (đơn vị trực thuộc của Bộ) sẽ tiện lợi hơn rất nhiều những bộ sách giáo khoa khác trong việc thi cử cho học sinh của mình.
Bởi, dù chương trình chung nhưng sách giáo khoa sẽ không thể nào giống nhau được, mỗi bộ sách có mỗi cách tiếp cận riêng trong nền tảng của của chương trình môn học. Vì thế, lựa chọn sách giáo khoa của Bộ đương nhiên là các địa phương phải hướng tới cho mình.
Dù chưa dám khẳng định nhưng nhìn từ thực tế, chúng ta cũng hình dung được việc phát hành, sử dụng sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới trong những năm tới đây vẫn thuộc về Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam bởi đơn vị này đang nắm rất nhiều ưu thế cho riêng mình.
Sách giáo khoa Toán lớp 1 sẽ có điểm gì mới? |
Tăng giá sách giáo khoa theo chương trình mới |
Ra mắt 4 bộ sách giáo khoa lớp 1 biên soạn theo chương trình mới |