Chuyển sang bán hàng online là xu hướng bắt buộc thay thế dần cho bán hàng trực tiếp truyền thống. Chính vì sự quá phụ thuộc vào kênh bán hàng online, nhiều sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã tạo ra những “sân chơi” riêng, buộc doanh nghiệp (DN) phải theo nếu muốn được bán hàng trên sàn TMĐT của họ...
- Trách nhiệm của sàn thương mại điện tử trong ngăn chặn hàng giả, hàng lậu?
- Cảnh báo phương thức lừa đảo qua thương mại điện tử
“Mình đã làm nhiều kênh bán hàng online như Facebook, website... nhưng nền tảng nào bán hàng cũng rất thấp. Riêng bán hàng trên các sàn TMĐT thì doanh số chiếm đến 80% tổng doanh thu online của mình”, chị Thu Hòa, chủ hộ kinh doanh (quận 4) chia sẻ.
Theo chị Hòa, gia đình chị kinh doanh hàng may mặc online từ nhiều năm nay, nhưng chỉ đến khi tiếp cận với nền tảng Tiktok thì doanh số bán hàng của gia đình chị mới thật sự tăng mạnh. Khác với các nền tảng khác, khi bán hàng trên Tiktok, chị Hòa phải thay đổi bằng cách xây dựng nội dung để giới thiệu sản phẩm, quay lại cảnh nhân viên đang đóng gói hàng cho khách, liên tục úp các video mới và chăm chỉ tương tác với khách hàng tiềm năng. Với cách làm này, chỉ trong vòng nửa năm nay, chị đã thúc đẩy doanh số bán hàng trực tuyến tăng gấp 2 lần so với cùng thời điểm trước đó.
Nhiều DN bán hàng online khẳng định, cứ 10 DN bán hàng online thì có đến 9 DN muốn bán hàng trên Tiktok shop. Bởi, trên nền tảng Tiktok đang có mạng lưới người sáng tạo nội dung gần như mạnh nhất. Các nhãn hàng muốn đẩy mạnh kinh doanh và quảng bá sản phẩm, thường chọn cách bán hàng qua tiếp thị liên kết, tức là hợp tác với những người có sức ảnh hưởng, người nổi tiếng... để bán hàng, và cách làm này đạt hiệu quả khá tốt. Tuy nhiên, nhiều DN cũng than phiền sàn TMĐT Tiktok đang làm khó DN bởi nhiều thứ. Chị Hoài Thu, đại diện Công ty Rebaca (quận 6) chia sẻ, công ty chị bán hàng trên TikTok gần 2 năm chủ yếu qua hình thức tiếp thị liên kết. Nhưng từ đó đến nay, các chi phí vận hành trên sàn DN đã thanh toán đầy đủ, nhưng phía Tiktok shop vẫn chưa đưa vào chi phí để DN khấu trừ thuế, kể cả chi phí liên quan đến tiếp thị liên kết. Trong khi đó một số sàn TMĐT khác mà DN có tham gia bán hàng như Lazada, Shopee, thì họ cũng đã xuất hóa đơn cho tiếp thị liên kết rồi.
Bức xúc nhất của DN bán hàng online, đó là việc các sàn TMĐT cứ thích thì tăng phí, không dựa theo một cơ sở nào. Chị Phượng Diễm (DN ở quận 11), kinh doanh mặt hàng gia dụng trên nhiều sàn TMĐT cho biết, tất cả các sàn TMĐT chị tham gia bán hàng đều có tăng phí. Điển hình như sàn TMĐT Shopee, trong 9 tháng đầu năm có 2 lần tăng phí thanh toán. Mức tăng lần 1 từ 2,5% lên 3% áp dụng ngày 2/1/2023 và lần 2 tăng lên 4% áp dụng từ ngày 1/9/2023. “Con số này không lớn nhưng để một DN bán được trên sàn TMĐT thì chúng tôi chi trả thêm phí cố định, mua thêm các gói khuyến mãi, phí ship, phí thầu cho dịch vụ hiển thị... các phí này 22-23% doanh thu của một đơn hàng. Như vậy, tính hết các chi phí thì đây là tỷ lệ khá cao”, chị Diễm nói.
Với xu hướng hiện nay thì việc chuyển đổi sang online là bắt buộc, nên các sàn TMĐT dù có tăng phí đến đâu thì DN cũng cố phải đu theo. Tuy nhiên, một số sàn TMĐT tăng phí 1-2 lần/năm thì DN còn gồng được, nhưng có sàn tăng phí 3-4 lần/năm (như Tiktok từ đầu năm đến nay tăng phí 4 lần), thì thật sự quá sức đối với DN. Trong khi đó, chất lượng dịch vụ cuả các sàn TMĐT cũng như các đơn vị liên kết thì không được cải thiện. Chị Phượng Diễm dẫn chứng, phí vận chuyển hiện đang là trở ngại lớn cho DN. Phí giao hàng liên tỉnh trong nước hiện đang cao hơn phí giao hàng từ Trung Quốc về Việt Nam, và chất lượng giao hàng rất thấp, đặc biệt hàng đi tỉnh. Như sản phẩm của DN chị là mặt hàng quạt máy, trước đây bán ở tỉnh có doanh số rất cao, nhưng hiện nay riêng chi phí vận chuyển chiếm đến 130.000 đồng/sản phẩm, chưa kể trong quá trình vận chuyển sản phẩm bị những lỗi hư hỏng, khách không nhận hàng. Điều đó khiến việc bán hàng của DN hiện nay vô cùng khó khăn.
Chị Hoài Thu bức xúc, Rebaca bán sản phẩm nhập khẩu chính hãng của nhiều thương hiệu trên sàn TMĐT. Tuy nhiên, cùng bán trên một sàn TMĐT, nhưng có một số DN không phải hàng giả mà là bán hàng xách tay cùng thương hiệu mà Rebaca đang bán với giá thấp hơn nhiều. Cho rằng chất lượng dịch vụ của sàn TMĐT chưa được cải thiện, khiến việc cạnh tranh cuả DN bán hàng chính hãng gặp nhiều khó khăn chị Thu đề xuất: “sàn TMĐT nên có một chế tài rõ ràng hơn đối với những cá nhân, DN bán trên sàn TMĐT. Tất cả đều phải đáp ứng đầy đủ những quy chuẩn về hóa đơn chứng từ, để tạo sân chơi công đối với hoạt động kinh doanh trên sàn TMĐT”. Trong khi đó, Nghị định 98/2020 cũng quy định, kinh doanh hàng xách tay bị coi là hàng nhập lậu (không có hóa đơn, chứng từ kèm theo, không khai báo hải quan…) bị phạt gấp 2 lần so với trị giá hàng hóa.
Liên quan đến việc tăng phí ở các sàn TMĐT, ông Nguyễn Minh Đức - Phó Tổng thư ký Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) giải thích, đây là “sân chơi” cuả các sàn TMĐT, nếu DN mua dịch vụ của họ thì phải chấp nhận, họ tăng phí thì DN cũng phải chịu. Tuy nhiên, DN đâu có giải pháp duy nhất là chỉ bán cho các sàn TMĐT, mà DN phải bán hàng đa kênh. Trong tháng 10 tới, Vecom sẽ tổ chức diễn đàn để chia sẻ về những giải pháp bán hàng đa kênh và chiến lược phát triển bền vững, nhằm hỗ trợ cho DN bán hàng online, để không quá phụ thuộc vào một kênh duy nhất.
Ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh khẳng định, việc tăng giá trên sàn TMĐT không phải là mặt hàng kê khai đăng ký giá, cũng không phải quản lý giá, mà là thỏa thuận dân sự giữa sàn TMĐT với người bán trên sàn. Tuy nhiên, với vai trò kết nối các sàn TMĐT, Vecom có thể làm việc lại với các sàn TMĐT để có chính sách phù hợp, chia sẻ với DN trong điều kiện DN vẫn còn nhiều khó khăn, đang quay về thị trường trong nước.