Theo Bộ Tư Pháp Mỹ chỉ trong năm 2020 đã có hơn 11 triệu khẩu súng mới được các nhà sản xuất nước này đưa vào thị trường.
- Phản ứng của giới yếu nhân Mỹ về vụ xả súng tại Texas
- Nước Mỹ cần hành động để ngăn chặn "đại dịch" xả súng
- Xả súng trong trường tiểu học Mỹ: Số người chết tăng lên 21
Cùng với hàng nghìn khẩu súng mới được bán ra mỗi ngày, bạo lực súng đạn ở Mỹ càng trở thành vấn nạn không thể giải quyết. Mới đây nhất là vụ xả súng tại trường tiểu học Robb ở thành phố Uvalde, bang Texas ngày 24/5 (theo giờ địa phương) làm 21 người thiệt mạng, trong đó gồm 18 trẻ em và 3 người lớn.
Thị trường súng đạn Mỹ bùng nổ
Tờ Lefigaro dẫn một báo cáo của Bộ Tư Pháp Mỹ ngày 17/5 cho biết các công ty sản xuất súng tại Mỹ đã tung ra thị trường hơn 139 triệu khẩu súng thương mại trong 20 năm qua, trong đó bao gồm 11,3 triệu khẩu vào năm 2020.
71 triệu khẩu súng đã được nhập khẩu trong cùng kỳ, con số súng được xuất khẩu chỉ rơi vào khoảng 7,5 triệu khẩu. Đây là một dấu hiệu cho thấy lượng vũ khí sẵn có trong nước Mỹ đang làm gia tăng bạo lực súng đạn, giết người và tự sát.
Theo báo cáo này, ngành công nghiệp vũ khí ở Mỹ đã thực sự bùng nổ trong suốt hơn 20 năm qua. Giai đoạn năm 2000 cả nước Mỹ chỉ có 2.222 công ty sản xuất vũ khí đang hoạt động, thì năm 2020, đã có 16.963 công ty. Sản lượng súng bán thương mại hàng năm cũng đã tăng từ 3,9 triệu khẩu năm 2000 lên 11,3 triệu khẩu vào năm 2020, đạt mức cao nhất là 11,9 triệu vào năm 2016.
Báo cáo cho thấy trong khi người Mỹ ưa chuộng vũ khí bán tự động, không phải ngẫu nhiên những vụ xả súng ở Mỹ ngày một kinh hoàng hơn. Phần lớn kẻ gây án đều tự trang bị cho mình những súng ngắn bán tự động cỡ nòng 9 mm, được coi là rẻ, chính xác và dễ sử dụng và tương tự như loại vũ khí được cảnh sát Mỹ sử dụng.
Các nhà chức trách cũng phải đối mặt với sự gia tăng của cái gọi là vũ khí “ma”, vũ khí có thể được sản xuất tại nhà với giá vài trăm USD và một số bộ phận có thể được mua trực tuyến hoặc sản xuất bằng máy in 3D.
Không giống như súng do nhà máy sản xuất, chúng không có số series, vì chúng không được coi là súng, nên không yêu cầu giấy phép sử dụng súng hoặc lý lịch hình sự và sức khỏe tâm thần của người mua.
Theo báo cáo, năm 2021, cảnh sát Mỹ đã thu hồi được 19.344 vũ khí được gọi là "ma", so với 1.758 vào năm 2016.
Vào tháng 4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thắt chặt các quy định xung quanh loại vũ khí này, đặc biệt là nghĩa vụ đối với những người kinh doanh các bộ dụng cụ đó phải tiến hành kiểm tra lý lịch đối với những người mua tiềm năng hoặc in số series trên các bộ phận cấu thành.
"Chúng tôi có thể giải quyết tình trạng bạo lực gia tăng hiện nay chỉ khi chúng tôi có thông tin tốt nhất và sử dụng các công cụ và nghiên cứu hiệu quả nhất để thúc đẩy nỗ lực", Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Lisa Monaco nói.
Báo cáo của Bộ Tư pháp Mỹ được đưa ra một ngày sau vụ xả súng với động cơ phân biệt chủng tộc ở Buffalo, New York, khiến 10 người Mỹ gốc Phi thiệt mạng, một vụ việc tương tự cũng mới xảy ra ở Los Angeles, California làm một người chết và năm người khác bị thương.
Những vụ việc trên chưa kịp lắng xuống thì cả nước Mỹ tiếp tục trải qua vụ xả súng kinh hoàng tại trường tiểu học Robb ở thành phố Uvalde, bang Texas ngày 24/5 làm 21 người thiệt mạng, trong đó gồm 18 trẻ em và 3 người lớn.
Nghi phạm Salvador Romas, 18 tuổi, đã bắn bà mình tại nhà riêng vào buổi sáng cùng ngày. Sau đó hắn ta bỏ trốn khỏi hiện trường bằng ô tô và tiến đến trường tiểu học Robb. Nghi phạm được cho là cũng đã chết trong khi đụng độ với cảnh sát.
Các nhà chức trách đã thu giữ được một khẩu súng trường kiểu AR-15 và nhiều băng đạn được cho là của Salvador Romas. AR-15 cũng là một súng trường phổ biến nhất ở Mỹ, theo luật các cửa hàng súng chỉ được bán các phiên bản AR-15 bán tự động nhưng người mua súng vẫn có thể cải tiến nó thành súng tự động với báng súng đẩy (bump stock).
Sau vụ xả súng hàng loạt năm 2017 ở Las Vegas khiến 58 người thiệt mạng, Tổng thống Mỹ xkhi đó là Donald Trump đã cấm báng súng đẩy.
Cũng theo Lefigaro số người chết vì súng đạn ở Mỹ đã tăng cao kỷ lục trong năm 2020, một phần đến từ tác động của đại dịch COVID-19 và tình trạng nghèo đói ở nhiều bang. Theo đó, cả nước Mỹ ghi nhận đến 19.350 vụ giết người liên quan đến súng đạn vào năm 2020, tăng gần 35% so với năm 2019, ngoài ra có 24.245 vụ tự tử bằng súng. Tỷ lệ giết người bằng súng tăng lên 6,1 trên 100.000 người vào năm 2020 so với 4,6 trên 100.000 trong năm 2019, cao nhất trong 25 năm qua.
Nạn bạo lực súng đạn tại Mỹ
Hàng loạt vụ xả súng dẫn đến cái chết thương tâm của nhiều người dân vô tội diễn ra tại Mỹ trong những ngày gần đây, song đây không phải câu chuyện mới. Bạo lực súng đạn là vấn đề nhức nhối quốc gia xem quyền sở hữu súng là quyền cơ bản trong nhiều năm qua.
Everytown for Gun Safety, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ, vừa công bố báo cáo cho thấy, thương vong do bạo lực súng đạn trên đường phố Mỹ tăng báo động. Theo đó, năm 2021, trung bình cứ 17 giờ lại có một người bị bắn trên đường phố Mỹ, tăng hơn 200% so mức năm 2016. Trong khi đó, tổ chức Gun Violence Archive cho biết, năm 2021, Mỹ ghi nhận 20.726 trường hợp tử vong vì súng, không tính các vụ tự sát.
Những con số trên càng tô đậm thêm lên bức tranh bạo lực súng đạn tại Mỹ, đồng thời đặt ra những thách thức lớn cho chính quyền Tổng thống Joe Biden. Kiểm soát súng đạn là một trong những ưu tiên trong chính sách đối nội của Tổng thống thứ 46 của Mỹ. Kể từ khi nhậm chức, ông Joe Biden đã thúc đẩy những bước đi mạnh mẽ nhằm siết chặt quản lý súng đạn, nhất là nạn súng ma ở Mỹ hiện tại.
Đại diện Everytown for Gun Safety nhấn mạnh, bước đi mới của Tổng thống Joe Biden được kỳ vọng sẽ siết chặt kiểm soát loại vũ khí nguy hiểm này, từ đó hạ nhiệt nạn bạo lực súng đạn tại Mỹ. Tuy nhiên, quy định nêu trên cũng vấp phải sự phản đối gay gắt từ những người ủng hộ sử dụng súng. Hiệp hội Súng trường quốc gia Mỹ (NRA) từng tuyên bố sẽ chống lại mọi biện pháp kiểm soát súng đạn.
Mỹ là một trong số ít quốc gia trên thế giới quy định quyền sở hữu súng trong Hiến pháp, song siết chặt quản lý súng là một trong những chủ đề gây chia rẽ sâu sắc tại chính trường Mỹ nhiều năm qua. Do có quan điểm trái ngược, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ không thể tìm được tiếng nói chung trong việc thúc đẩy các chính sách về vấn đề này. Hơn nữa, ngành sản xuất và kinh doanh súng đạn mang lại lợi nhuận khổng lồ mỗi năm.
Qua mỗi kỳ bầu cử các nhóm vận động tại Mỹ, trong đó có NRA, với tiềm lực tài chính mạnh, thường không chịu ngồi yên khi các biện pháp quản lý súng ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của họ. Năm 2016, NRA đã gây quỹ 55 triệu USD cho các ứng cử viên tổng thống và quốc hội, đây là lý do khiến qua nhiều nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ, các dự luật về kiểm soát súng đạn "năm lần bảy lượt" không thể cán đích.
Những vụ xả súng liên tiếp mới nhất một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về nạn bạo lực súng đạn tại Mỹ. "Căn bệnh trầm kha" này tiếp tục đặt ra thách thức lớn đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc tìm ra phương thức hữu hiệu để sớm bịt những "lỗ hổng" trong quản lý súng đạn, đưa nước Mỹ thoát khỏi nỗi ám ảnh kéo dài nhiều năm qua.