Sao Thủy sẽ di chuyển ngang qua đĩa Mặt Trời trong sự kiện quá cảnh 13 năm nữa mới lặp lại.

Sao Thủy đi qua phía trước Mặt Trời vào năm 2016. Ảnh: National Geographic.

Sự kiện thiên văn mang tên "sao Thủy quá cảnh" được giới yêu thiên văn chờ đợi. Năm nay sao Thủy sẽ mất khoảng 5,5 giờ để hoàn thành hành trình, vượt qua nửa đường vào 22h20 và kết thúc quá cảnh vào 1h sáng ngày 12/11.

Trong suốt thời gian quá cảnh, sao Thủy đi qua giữa Mặt Trời và Trái Đất, trở thành một chấm đen nhỏ tương phản với đĩa Mặt Trời màu vàng rực. Các nhà thiên văn khuyến cáo người quan sát không nên nhìn trực tiếp vào Mặt Trời mà không có thiết bị bảo vệ để tránh làm hỏng mắt. Nhìn từ Trái Đất, chấm đen sao Thủy có độ rộng bằng 1/160 đĩa Mặt Trời, do đó người quan sát cần công cụ hỗ trợ quan sát như kính lọc tia cực tím để theo dõi sự kiện quá cảnh.

Nếu thời tiết đẹp, những khu vực có thể quan sát toàn bộ sự kiện bao gồm bờ vùng ven biển phía đông Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Tây Âu và Tây Phi. Người dân ở ven biển phía tây châu Mỹ có thể theo dõi sự kiện khi Mặt Trời mọc, trong khi phần lớn châu Phi, Đông Âu và châu Á vẫn xem được sao Thủy quá cảnh lúc Mặt Trời lặn.

Do bay quanh quỹ đạo gần Mặt Trời hơn Trái Đất, sao Thủy và sao Kim là hai hành tinh chúng ta có thể quan sát sự kiện quá cảnh. Với quỹ đạo 88 ngày, cứ khoảng 4 tháng sao Thủy lại đi qua giữa Mặt Trời và Trái Đất. Nhưng quỹ đạo của sao Thủy nghiêng so với mặt phẳng quỹ đạo của Trái Đất nên phần lớn thời gian, hành tinh này đi qua phía trên hoặc phía dưới đĩa Mặt Trời khi nhìn từ vị trí của chúng ta.

Sự kiện sao Thủy quá cảnh chỉ xảy ra 13 - 14 lần trong một thế kỷ. Lần gần đây nhất sự kiện tương tự diễn ra là năm 2016. Sau năm nay, chúng ta sẽ phải chờ tới tháng 11/2032 để quan sát sao Thủy đi qua phía trước Mặt Trời. Sự kiện sao Kim quá cảnh thậm chí còn hiếm gặp hơn, chỉ xảy ra trung bình một lần mỗi thế kỷ. Lần quá cảnh gần nhất của sao Kim là năm 2012 và lần tiếp theo là năm 2117.

An Khang (Theo National Geographic)

Trái Đất đang dần trôi xa khỏi Mặt Trời
Hành tinh thứ 9 trong Hệ Mặt trời có thể là hố đen thu nhỏ
Phát hiện hành tinh đầu tiên có nước nằm ngoài hệ Mặt trời

/ vnexpress.net