Trường hợp đã bị cấm tiếp xúc hai lần liên tiếp mà vẫn tiếp tục có hành vi bạo lực gia đình thì Chủ tịch UBND cấp xã đề nghị xem xét xử lý hình sự.

Tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 do Bộ VH-TT&DL chủ trì soạn thảo trong đó có quy định về việc cấm tiếp xúc đối với người có hành vi bạo lực gia đình và chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra để xem xét xử lý hình sự.

Dự thảo nêu rõ, người bị bạo lực gia đình, người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình khi thấy hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người bị bạo lực gia đình thì đề nghị chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực ra quyết định cấm tiếp xúc.

Khi có sự đồng ý của những người trên thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể đề nghị chủ tịch UBND cấp xã nơi ra quyết định cấm tiếp xúc.

Sắp tới, Chủ tịch xã có quyền đề nghị xử lý hình sự người chồng bạo hành vợ? ảnh 1

Hình ảnh người vợ bị bạo hành với những vết thương chằng chịt trên cơ thể gây bức xúc trong dư luận

 Thời gian quyết định cấm tiếp xúc không quá 3 ngày cho mỗi lần kể từ thời điểm người có hành vi bạo lực gia đình nhận quyết định và không quá 2 lần quyết định cấm tiếp xúc liên tiếp.

Đặc biệt, dự thảo còn nêu rõ, người có hành vi bạo lực gia đình đã bị cấm tiếp xúc 2 lần liên tiếp mà vẫn tiếp tục có hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe doạ gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng thì chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình đề nghị cơ quan điều tra xem xét xử lý theo quy định tại Điều 134 BLHS 2015 về Tội cố ý gây thương tích.

Theo các chuyên gia pháp lý, việc giao chủ tịch UBND cấp xã đề nghị cơ quan điều tra xem xét xử lý người có hành vi bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật hình sự là hoàn toàn phù hợp.

Bởi, xã, phường là nơi gần nhất và nắm rõ hoàn cảnh của từng hộ dân nên người bị bạo lực gia đình có thể đến trình báo lấy lời khai đầu tiên và giải quyết nhanh chóng, khách quan…

Ngoài ra, theo khoản 5 Điều 10 Luật Cán bộ, công chức, cán bộ, công chức phải giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Như vậy, chủ tịch UBND cấp xã phải có nghĩa vụ giải quyết kịp thời, đúng pháp luật theo thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của người bị bạo hành gia đình, trong đó có việc đề nghị cơ quan điều tra xem xét xử lý hình sự người có hành vi bạo lực theo quy định.

Ngoài nội dung trên, Dự thảo còn quy định người bị cấm tiếp xúc theo quyết định của chủ tịch UBND cấp xã chỉ được tiếp xúc người bị bạo lực gia đình khi có việc cưới, việc tang; gia đình có người bị tai nạn, bị bệnh nặng hoặc tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh.

Dự thảo đã nâng khoảng cách cấm tiếp xúc lên phạm vi 50m mà không có tường ngăn hoặc vách ngăn đảm bảo an toàn (thay vì 30m như quy định hiện hành).

Bên cạnh đó, người bị cấm tiếp xúc không được sử dụng điện thoại, fax, thư điện tử hoặc sử dụng phương tiện, công cụ khác để thực hiện hành vi bạo lực gia đình.

https://www.anninhthudo.vn/sap-toi-chu-tich-xa-co-quyen-de-nghi-xu-ly-hinh-su-nguoi-chong-bao-hanh-vo-post541182.antd

H.L / ANTD