Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn về kinh tế khi phương Tây gia tăng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga nhất là trong giai đoạn hậu bầu cử Mỹ.
Phương Tây vẽ bức tranh kinh tế ảm đạm
Trước dự báo trên, báo chí phương Tây đã xuất hiện hai xu hướng, một luồng thông tin cho rằng gọng kìm trừng phạt mới của Mỹ sẽ khiến Nga suy yếu song có luồng nhận định đánh giá Nga sẽ vẫn lách qua các lệnh trừng phạt như những lần trước đây.
Theo Business Insider, cho đến thời điểm này Nga vẫn đứng vững trước các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, mọi chuyện có thể đổi chiều sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11 tới.
Business Insider dẫn lời hai nhà nghiên cứu tại Đại học Yale là to Jeffrey Sonnenfeld và Steven Tian nhận định, nếu ông Biden tái cử, phương Tây một mặt sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine mặt khác sẽ siết chặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
Khi đó, theo báo Mỹ, áp lực kinh tế có thể khiến người dân Nga không còn ủng hộ sự lãnh đạo của Tổng thống Nga Putin nhất là sau khi nước Nga đã bước vào năm thứ 3 của chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukaine.
Tổng thống Nga Putin đang đối mặt với nhiều áp lực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây (Ảnh: AP).
"Đến nay, mọi người vẫn đang sống cuộc sống bình thường nhưng xét về lâu dài thì khác nhất là khi những động lực cơ bản duy trì tăng trưởng kinh tế có nguy cơ bị suy yếu. Nếu ông Trump không trúng cử, mọi vấn đề sẽ dần nổi lên và tất cả lá bài quan trọng sẽ sụp đổ", chuyên gia Tian nhận định.
Cùng chung quan điểm với ông Tian, nhà kinh tế học người Nga Sergei Guriev đánh giá, Moscow có thể sẽ phải chứng kiến những bất ổn xã hội và nền kinh tế Nga hiện nay đang phản chiếu lại những ngày cuối cùng của Liên bang Xô viết khi Chính phủ buộc phải ngừng hỗ trợ cho nền kinh tế khiến cho một số lĩnh vực như cơ khi rơi vào vòng xoáy "suy thoái sâu".
Tuy nhiên, dự đoán của cả 3 chuyên gia nói trên đang đi ngược lại những con số thống kê chính thức từ phía Nga. Theo cơ quan thống kê Liên bang Nga, kinh tế nước này đã tăng trưởng 3,6% trong năm 2023. Trong khi đó, theo một cuộc khảo sát cùng thời gian này, có tới 56% người dân Nga tin tưởng kinh tế Nga sẽ cải thiện.
Phản biện, ông Sonnenfeld cho rằng những con số thống kê mà Nga đưa ra "thường mang tính định hướng". Chuyên gia này nghi ngờ có thể Điện Kremlin cố tình chọn những số liệu có lợi để trưng ra thay vì những số liệu thực tế mà công chúng cần biết.
Báo Mỹ dẫn ra một vài chỉ số kinh tế cho thấy một bức tranh ảm đạm hơn về tình hình tài chính Nga như có hơn 1 triệu người đã rời khỏi đất nước, 15% trong số này là các triệu phú. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nga giảm 19 tỷ USD chỉ trong năm 2022.
Dù chi tiêu cho quân sự tăng mạnh và trở thành động lực giúp kinh tế Nga tiếp tục tăng trưởng nhưng các nhà nghiên cứu châu Âu cho rằng xu hướng này sẽ không tồn tại lâu dài. Họ cũng dự đoán kinh tế Nga sẽ đối mặt với đà tăng trưởng giảm sút mạnh trong năm 2024. Hơn thế nữa, cuộc chiến với Ukraine có thể chứng kiến kinh tế Nga tiêu hao.
Hai chuyên gia Sonnenfeld và Tian tin rằng, việc ông Biden tái cử Tổng thống Mỹ và siết chặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sẽ là "đòn chí mạng" làm suy yếu nền kinh tế nước này đặc biệt trong trường hợp các lệnh trừng phạt này nhằm vào dầu mỏ, thép, đồng và nhiều loại kim loại khác có thể chiếm tới 20% tổng sản phẩm quốc nội của Nga.
Tuy cùng đồng tình về việc kinh tế Nga sẽ bị ảnh hưởng nhưng ông Guriev nhận định, Moscow sẽ tìm cách đối phó và ngân hàng trung ương Nga sẽ tìm mọi cách hạn chế tổn hại cho nền kinh tế, cho nên sẽ rất khó để kinh tế và chính trị Nga rơi vào vòng xoáy tan rã.
Nga sẵn sàng đối phó với thách thức
Khác với những nhận định kể trên, trong luồng báo chí phương Tây, một số tờ báo khác như Euronews đánh giá Nga đủ sức đối phó với thách thức dù bị áp thêm lệnh trừng phạt.
Một trong những động lực chính là Nga đã quá quen với việc bị áp đặt trừng phạt và hiểu rõ nếu đẩy mạnh các chiến dịch tấn công ở Ukraine trong tháng 5 và tháng 6 sẽ khiến Nga tiếp tục chịu các lệnh trừng phạt nặng hơn.
Kinh tế Nga vẫn đang chống chịu tốt bất chấp những chỉ báo xấu mà phương Tây đưa ra (Ảnh: AP).
Chính vì thế, Nga không thờ ơ trước những lời đe dọa của Mỹ và phương Tây, thay vào đó có những bước chuẩn bị kỹ càng để chuyển nền kinh tế hiện tại sang kinh tế thời chiến trong khi tăng cường mở rộng hợp tác trên thị trường tài chính và năng lượng.
Việc Nga tìm kiếm các đồng minh ở phía Đông như Trung Quốc cho việc giao thương dầu nhẹ EPSO là minh chứng rõ nhất.
Ngay cả khi bị phương Tây cô lập hoàn toàn, Nga vẫn có được sự hậu thuẫn của những đồng minh có sức mạnh đáng kể mà Nga duy trì được mối quan hệ tốt nhất là những nước láng giềng từ thời Liên Xô mà nhờ đó, giao thương với phương Tây vẫn được duy trì dù phải trải qua ít nhiều thay đổi trong cách vận hành.
Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt nhằm vào dầu mỏ của Nga sẽ phải mất gần 1 năm nữa mới có hiệu lực. Trong khi Nga vẫn đang là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và được hưởng lợi rất nhiều từ giá dầu leo cao do quyết định cắt giảm sản lượng dầu thô của Saudi Arabia hồi năm 2023.
Dầu mỏ vẫn đang là động lực phát triển chính của nền kinh tế Nga (Ảnh: AP).
"Với mức giá 80USD/thùng dầu Brent hiện tại, khoản ngân sách kiếm được từ thuế đánh vào dầu mỏ đủ để Nga xây dựng các tổ hợp quốc phòng, chi tiêu xã hội và các khoản mục tài chính khác mà chỉ khiến GDP giảm có chưa đầy 1%", ông Christopher Weafer, CEO của công ty tư vấn Macro-Advisory nhận định.
Sự ổn định chính trị trong nước trong thời gian dài cũng khiến chính quyền Nga tích tụ được một số lượng lớn tiền mặt. Số tiền này đã góp phần không nhỏ hỗ trợ cho thân nhân những người lính Nga tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này ở Ukraine.
Ngoài ra, việc hàng trăm nghìn người được huy động ra trận đã tạo cơ hội cho những người ở lại dễ kiếm việc làm hơn và có được mức thu nhập tăng lên đáng kể hầu hết ở mức 20% so với năm ngoái. "Điều này đã giúp hồi sinh thị trường tiêu dùng tạo sự ổn định và niềm tin của người dân khi họ có tiền để chi tiêu", ông Weafer nói thêm.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính Nga công bố hồi đầu tháng 3, doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt của Nga trong tháng 2 năm nay là 945,6 tỷ Rúp (tương đương 10,4 tỷ USD), tăng gần 80% so với con số 512m2 tỷ Rúp cùng kỳ năm ngoái. Riêng doanh thu từ dầu thô và các chế phẩm từ dầu đã tăng hơn gấp đôi.
Đây là mức tăng được đánh giá là đáng kinh ngạc trong bối cảnh Nga vẫn phải chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây nhằm vào việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đã bước vào năm thứ 3.
https://www.baogiaothong.vn/phuong-tay-se-siet-trung-phat-hon-nua-voi-nga-192240401143944451.htm