Sau đà tăng liên tiếp từ đầu năm đến nay, giá sắt thép trong nước đồng loạt hạ nhiệt 300.000-920.000 đồng/tấn.
- Sắt thép, xi măng "phi mã", nhà thầu xây dựng "bỏ của chạy lấy người"
- Giá vật liệu xây dựng tăng mạnh trong quý I/2022
- Giá vật liệu xây dựng "trên trời", khách ngại làm nhà vì phí đội cao
Giá sắt thép giảm gần 1 triệu đồng/tấn
Mới đây, nhiều công ty thép thông báo điều chỉnh giá bán. Theo đó, Công CP Sản xuất thép Việt Đức, Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên, thép Kyoei... thông báo điều chỉnh giá bán trên phạm vi toàn quốc đối với sản phẩm thép cuộn xây dựng và thép cây từ 300.000 đồng/tấn (chưa bao gồm VAT).
Một loạt doanh nghiệp thép trong nước vừa tiến hành điều chỉnh giảm giá thép sau thời gian dài tăng nóng |
Tại miền Bắc, thương hiệu thép Việt Đức điều chỉnh giảm 310.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và giảm 300.000 đồng/tấn đối với thép thanh vằn D10 CB300. Mức giá của hai sản phẩm này hiện lần lượt là 18,57 triệu đồng/tấn và 18,88 triệu đồng/tấn.
Bên cạnh đó, tại miền Trung, thép Việt Đức giảm 910.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và giảm 920.000 đồng/tấn đối với thép thanh vằn D10 CB300. Mức giá mới lần lượt là 18,88 triệu đồng/tấn và 19,18 triệu đồng/tấn. Đây là doanh nghiệp có mức giảm giá thép mạnh nhất.
Tương tự, giá thép Hòa Phát loại CB240 giảm 300.000 đồng/tấn, xuống còn 18,63 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm VAT); Loại thép cuộn D10 CB300 cũng giảm 310.000 đồng/tấn, xuống còn 18,74 triệu đồng/tấn.
Lý giải nguyên nhân hạ nhiệt, theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), hiện giá các nguyên liệu đầu vào đồng loạt giảm so với tháng 3. Cụ thể, giá quặng sắt ngày 8/4 giao dịch ở mức 155 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, giảm khoảng 1,5 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 3. Theo đó, mức giá này giảm khoảng 55-57 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 5/2021 (tương đương 210-212 USD/tấn).
Giá nguyên liệu than mỡ luyện cốc được ghi nhận giảm mạnh. Giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Australia ngày 8/4 giao dịch ở mức 359,5 USD/tấn FOB, giảm mạnh so với đầu tháng 3.
Báo cáo của VSA cho thấy, sản xuất thép thành phẩm 4 tháng đầu năm đạt 11,43 triệu tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2021. Bán hàng thép thành phẩm đạt 10,55 triệu tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 2,45 triệu tấn, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung quý I, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 3 triệu tấn với trị giá hơn 3,1 tỷ USD, giảm 18,04% về lượng nhưng tăng 18,84% về giá trị. Thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai nhiều dự án đầu tư công quy mô lớn, đưa sản lượng tiêu thụ thép tăng mạnh, nhiều khả năng tác động lên giá thép.
Tiếp tục các giải pháp bình ổn giá thép
Thực tế, xu hướng hạ nhiệt mới đối với mặt hàng này được doanh nghiệp ngành xây dựng kỳ vọng sẽ kéo dài để giảm bớt áp lực, khó khăn.
Trong khi đó, báo cáo cập nhật vĩ mô tháng 5 của VNDirect nhận định, tăng trưởng đầu tư công có thể chậm lại do giá vật liệu xây dựng tăng cao, trong đó thép chiếm tỷ lệ quan trọng.
Nhóm chuyên gia lưu ý, việc triển khai đầu tư công cũng đối mặt với rủi ro giảm trong tương lai gần nếu giá vật liệu xây dựng như thép, xi măng và đá xây dựng vẫn ở mức cao do tác động của xung đột Nga - Ukraine và đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng. "Các nhà thầu có thể chậm triển khai dự án so với kế hoạch ban đầu do giá vật liệu xây dựng tăng cao đã tác động tiêu cực đến biên lợi nhuận các doanh nghiệp xây dựng", VNDirect nhận định.
Đối với năm nay, VNDirect duy trì dự báo vốn đầu tư công thực hiện tăng 20-30% so với thực hiện thực tế năm 2021, do tăng trưởng trong nửa cuối năm nay sẽ cao hơn nửa đầu năm nhờ mức nền thấp của cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, đầu tư công tăng trưởng đã âm trong 6 tháng cuối năm 2021 do làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19, giãn cách xã hội và giá vật liệu xây dựng tăng.
Trước đó lý giải việc tăng giá thép, Bộ Công Thương cho rằng, việc giá thép tăng đột biến trong thời gian qua không chỉ ở Việt Nam mà là tăng giá trên toàn thế giới. Do các nhà máy sản xuất thép trong nước phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên việc tăng giá bán các sản phẩm thép là không thể tránh khỏi.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị, cơ quan thuộc bộ nghiên cứu rà soát và thực hiện việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; Chủ động tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi và xử lý kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước đối với mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm thiểu các thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất thép.
Ngoài ra, Bộ sẽ tăng cường công tác quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời những hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, thao túng giá thép trên thị trường, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng; Kiến nghị ban hành các chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư sản xuất thép sớm đưa vào hoạt động.
https://congthuong.vn/sau-thoi-gian-tang-nong-gia-sat-thep-quay-dau-giam-gia-177949.html