Các nước thành viên EU thừa nhận vòng trừng phạt tiếp theo của liên minh này đối với Nga sẽ không bao gồm lệnh cấm về khí đốt.

Hôm 31/5, Thủ tướng Áo Karl Nehammer tiết lộ, EU sẽ không thảo luận về lệnh cấm nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga như một phần của vòng trừng phạt tiếp theo liên quan đến xung đột Nga - Ukraine.

“Lệnh cấm vận khí đốt sẽ không phải là một chủ đề, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã nói rõ điều này”, Thủ tướng Áo Karl Nehammer nói với các phóng viên bên lề ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels.

1
EU phụ thuộc phần lớn nguồn cung khí đốt từ Nga, việc cấm khí đốt có thể khiến khối này đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn cung thay thế.

Ông Karl Nehammer giải thích rằng "dầu của Nga dễ dàng để thay thế hơn nhiều…, trong khi khí đốt thì hoàn toàn khác. Đó là lý do tại sao lệnh cấm vận khí đốt sẽ không phải là một vấn đề trong gói trừng phạt tiếp theo”.

Estonia và Bỉ đều chia sẻ quan điểm của Áo khi đề cập đến lệnh cấm vận đối với việc cung cấp khí đốt của Nga cho khối này. Thủ tướng Estonia Kaja Kallas thừa nhận việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga sẽ rất khó khăn, vì các công dân EU sẽ bị ảnh hưởng.

“Khí đốt có thể nằm trong gói trừng phạt thứ bảy nhưng tôi không nghĩ điều đó là cần thiết”, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nói.

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo ca ngợi lệnh cấm vận dầu mỏ của EU đối với Nga là "một bước tiến lớn", nhưng ông tin rằng nên tạm dừng trừng phạt với dòng chảy khí đốt vì cấm khí đốt của Nga "phức tạp hơn nhiều".

EU chủ yếu dựa vào nhập khẩu khí đốt từ Nga nhưng đã tìm cách giảm sự phụ thuộc sau khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine. Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan và Hà Lan sau khi các nước này không tuân thủ yêu cầu của Nga rằng nguồn cung cấp phải được thanh toán bằng đồng rúp.

Hôm 30/5, EU đã đồng ý lệnh cấm một phần đối với dầu của Nga, mở đường cho vòng trừng phạt thứ sáu. Sau cuộc họp thượng đỉnh EU ngày đầu tiên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thông báo gói trừng phạt mới sẽ cắt giảm 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga. Theo đó, lệnh cấm vận được nhất trí chỉ bao gồm cấm dầu của Nga vận chuyển bằng đường biển, cho phép loại trừ trừng phạt lên hàng vận chuyển bằng đường ống.

Động thái này sẽ cắt một nguồn tài chính lớn của Nga đến từ dầu mỏ và là áp lực tối đa lên Nga để kết thúc chiến sự tại Ukraine. Theo tính toán của Bloomberg, quyết định này sẽ khiến Nga mất 10 tỉ USD doanh thu xuất khẩu mỗi năm.

KÔNG ANH / VTC News