Sau vụ đào tẩu khỏi đất nước của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, nhiều người đã tự hỏi đây liệu có phải là cái kết của dòng họ Shinawatra trên chính trường Thái Lan hay không?
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
“Hãy để tôi tạm thời bỏ qua cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Tôi sẽ nói về bà ấy sau,” Suranand Vejjajiva, cựu Tổng Thư ký Văn phòng Thủ tướng dưới thời chính quyền Yingluck đã đăng một bài viết trên trang Facebook của ông vào ngày 26/8 vừa qua.
Theo tờ Bangkok Post, trong bài viết của mình, ông Suranand nói ông muốn viết về người bạn của mình, cựu Bộ trưởng Thương mại Boonsong Teriyapirom, vì đã có rất nhiều bài viết về bà Yingluck.
Bài viết được tóm tắt như sau: Ông Suranand cho biết ông đã quen biết ông Boonsong khi 2 người cùng gia nhập đảng Thai Rak Thai (mà giờ đây đã tan rã), tiền thân của đảng Pheu Thai, vào năm 1999.
Ông Suranand cảm thấy ông Boonsong là một doanh nhân có những ý định tốt đẹp, mong muốn được thấy đất nước phát triển. Họ thường xuyên trò chuyện, và thường tổ chức các buổi hội thảo và thảo luận ý tưởng cùng nhau. Và rồi họ trở thành bạn bè.
Khi ông Boonsong trở thành thư ký Thủ tướng, khi đó là Somchai Wongsawat, ông Suranand cho biết ông Boonsong đã gọi điện cho ông để hỏi xem ông có ổn không. Ông Suranand đã trả lời: “Đừng lo.”
Ông Suranand nhớ lại khi ông Boonsong trở thành Bộ trưởng Thương mại trong thời gian ông Suranand là Tổng thư ký được chỉ định của Thủ tướng khi đó là bà Yingluck, đã vài lần ông tới thăm Boonsong ở văn phòng và thấy một chồng hồ sơ được chất đống trên bàn.
Ông đã bày tỏ nỗi lo lắng của mình cho bạn bởi trong số đó có một vài hồ sơ nhiều rủi ro.
“Ai là người nghiên cứu hồ sơ cho ông?” ông Suranand hỏi.
“Tôi có một đội ngũ riêng,” ông Boonsong đáp.
Tuy nhiên, ông Suranand đã thấy nỗi “lo lắng” trong mắt ông Boonsong khi họ trò chuyện với nhau với tư cách bạn bè trong các chuyến đi ngoại giao nước ngoài với bà Yingluck.
Sau cuộc đảo chính năm 2014 do Hội đồng quốc gia vì hòa bình và trật tự tiến hành, ông Suranand cho biết ông đã có cơ hội gặp mặt “một đối một” với ông Boonsong.
Trong cuộc rượu giữa hai người, ông đã hỏi “câu chuyện là như thế nào.” Ông Boonsong đã nói: “Tôi không thể nói về nó.”
Từ đó trở đi, ông Suranand đã không nhắc lại chuyện này.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra. (Nguồn: AFP) |
Rõ ràng, ông Boonsong, với quyền hạn của Bộ trưởng Thương mại, đang phục vụ cho một người nào đó mà ông không muốn nhắc tới trong việc ông giải quyết thỏa thuận giả liên chính phủ giữa Cục Ngoại thương và Cosco, một doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc.
Số gạo được bán cho Cosco với “giá rẻ như bùn” lẽ ra phải được vận chuyển tới Trung Quốc, nhưng đã không hề được xuất khẩu. Thay vào đó, nó đã được bán lại ở các địa phương để thu lợi bởi chính Siam Indica - công ty đã thắng thầu trong thương vụ xuất khẩu gạo đầy tai tiếng này.
Nhưng ông Boonsong đã chọn cách nhận lỗi về mình và chống đỡ gánh nặng cho một số quan chức ngành thương mại không tiết lộ người mà họ phục vụ.
Ông dường như sẵn sàng mục ruỗng trong tù và mang theo “sự thật” ấy xuống mồ. Vì lẽ đó, tôi xin ngả mũ trước lòng trung thành kiên định của ông bất chấp mối đe dọa nhằm vào chính bản thân ông.
Ông là một người lính mẫu mực, sẵn sàng hy sinh bản thân vì cấp trên của mình, giống như người lính mẫu mực từng được Tướng Sunthorn Kongsompong, một cựu lãnh đạo đảo chính, định nghĩa: một người lính “không ‘giết’ bạn và không tố cáo cấp trên của mình.”
Bất kỳ ông chủ nào nắm trong tay một nhân viên trung thành như vậy cũng nên tự hào về người đó và quan tâm đến họ, bởi đó là những người rất khó tìm.
Tôi tự hỏi liệu chủ của Boonsong có đền đáp cho lòng trung thành sắt đá (một số người có thể nói đó là lòng trung thành mù quáng) bằng cách chăm sóc tốt ông và gia đình của ông hay không.
Trong số những người bị Tòa án hình sự tối cao dành cho người giữ chức vụ chính trị kết tội trong vụ việc các thỏa thuận mua bán gạo liên chính phủ giả mạo, có ông Boonsong. Ông bị kết án 42 năm tù giam.
Ngoài ra, ông và những người bị kết tội còn phải trả lại cho nhà nước khoảng 16 tỷ baht để đền bù cho thiệt hại mà các thỏa thuận này đã gây ra.
Boonsong, giống như hầu hết các nhân vật lớn trong đảng Pheu Thai và những người ủng hộ bà Yingluck có mặt trước tòa vào ngày 25/8 vừa qua để hỗ trợ cho bà về mặt tinh thần, cũng không hề biết rằng bà Yingluck sẽ trốn tránh và không có mặt để nghe phán quyết của tòa án.
Nhiều tin đồn đã được lan truyền rằng bà đã trốn khỏi Thái Lan, trong khi đó thông tin không được những người thân cận với quân đội kiểm chứng và gia đình bà cho biết bà đã đi máy bay riêng tới tỉnh Trat, nơi bà đi bằng đường bộ tới Campuchia với sự giúp đỡ về liên lạc từ phía anh trai bà, cựu Thủ tướng Thaksin.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck tại Bangkok. (Nguồn: bangkokpost.com) |
Từ Campuchia, bà đã bay tới Singapore để đi cùng với ông Thaksin, người đã ở đó để đón bà, trên một máy bay riêng tới Dubai, nơi ở của ông Thaksin trong thập kỷ qua.
Điều khó hiểu trong câu chuyện lắt léo này là không có thành viên nào của chính quyền quân sự, từ Thủ tướng Prayut Chan-o-cha tới Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwon, người phụ trách các vấn đề an ninh, biết về cuộc tẩu thoát của bà Yingluck.
Cũng đã có những tin đồn nổi lên về một thỏa thuận được thiết lập giữa ông Thaksin và chính quyền quân sự.
Nhưng điều quan trọng hơn những lời đồn là sự tín nhiệm của bản thân chính quyền quân sự trong việc bà Yingluck có thể bỏ trốn mà không ai hay biết. Hãy quên đi lệnh bắt mà tòa án đưa ra, bởi dù sao bà cũng sẽ không bao giờ bị cảnh sát bắt.
Đã có rất nhiều ví dụ về việc những người trốn chạy sống một cuộc sống thoải mái ở nước ngoài. Trong số đó có Vorayuth “Boss” Yoovidhya, cháu trai của tỷ phú sáng tạo ra thức uống Red Bull, cựu Thứ trưởng nội vụ Vatana Asavahame, và Phra Dhammajayo, người mà hiện không ai rõ tung tích.
Một vài nghị sỹ đảng Pheu Thai thường so sánh bà Yingluck với cố vấn quốc gia Myanmar Daw Aung San Suu Kyi - điều mà tôi thấy thật nực cười, vì tôi chẳng thể tìm thấy điểm chung nào giữa họ.
Cố vấn quốc gia Myanmar là một người phụ nữ sắt đá, đấu tranh ủng hộ dân chủ, đi theo ahimsa (sự kháng cự hòa bình) trong sự phản đối của bà trước chính quyền quân sự. Bà là người khiêm tốn, hiểu biết và là một nhà lãnh đạo luôn kết nối với công chúng vì lợi ích của người dân Myanmar.
Về phần mình, bà Yingluck trở thành người lãnh đạo đảng và nhà lãnh đạo Thái Lan nhờ ảnh hưởng của anh trai bà, ông Thaksin. Bà đối mặt với tòa án bằng lòng dũng cảm và mặc dù đã có cơ hội bỏ trốn trước đó, bà vẫn không trốn chạy.
Nhưng khi thời khắc quyết định đến gần, bà đã hoảng sợ và rút lui một cách im lặng, khiến những người ủng hộ, bạn bè và kẻ thù của bà kinh ngạc.
Có những người tin rằng bà sẽ quay trở về để nghe phán quyết vào ngày 27/9, hy vọng rằng một thỏa thuận nào đó về bản án của bà có thể được thiết lập. Nhưng tôi cho rằng bà ấy sẽ không bao giờ trở lại.
Anh nào em nấy - cả ông Thaksin lẫn bà Yingluck có thể sẽ phải hài lòng với việc sống phần đời còn lại ở nước ngoài.
Đối với bà Yingluck, tình hình có phần ảm đạm hơn, vì không có quy chế giới hạn nào trong vụ việc của bà, dù bà sống ở nước ngoài bao lâu chăng nữa, bên ngoài phạm vi thẩm quyền của luật pháp Thái Lan.
Đây liệu có phải là cái kết của dòng họ Shinawatra trên chính trường Thái Lan hay không? Ông Thaksin là người quyết định xem số phận của chính ông và của em gái mình, đều là vật hy sinh vì chính trị Thái Lan, đã đủ hay chưa.
http://special.vietnamplus.vn/shinawatra