(Giáo dục) - Sợi dây kinh nghiệm lại được rút như thường lệ. Động thái cầu thị đó đã đủ để những lùm xùm trong việc bình xét PGS/GS không bao giờ lặp lại?
Đa số ứng viên PGS/GS năm 2017 giờ đã có thể thở phào. Ngày 6/3, danh sách 1.131 người được công nhận đủ tiêu chuẩn PGS/GS đã được công bố chính thức. Trong "chuyến tàu lớn" lần này, chỉ có 95 trường hợp phải chờ kết quả đợt rà soát tiếp theo, do cần xác minh thêm hoặc có đơn thư khiếu nại. Tất nhiên, điều đó không đồng nghĩa họ không được công nhận, trừ trường hợp tự rút đơn do vướng phải việc \'đạo văn\'. Người bình xét cũng chính là người rà soát, tay phải kiểm tra tay trái, khả năng phát hiện sai sót rất đáng phải hồ nghi.
Dù sao, cũng đã có nhiều lời giải thích và rút kinh nghiệm. Sự cầu thị phải được đánh giá đúng mức dù nó gợi nhớ tới những tiền lệ ‘đúng quy trình’ ở nhiều lĩnh vực trước đó. Đặc biệt khi chúng ta vẫn phải đối diện với thực tế rành rành. Bảng vàng dù ghi nhận số lượng PGS/GS nhiều nhất từ trước tới nay, và nhiều hơn đáng kể so với Thái Lan, đất nước có thứ hạng khoa học cao hơn hẳn Việt Nam (khoảng 7.200 PGS/GS theo số liệu năm 2015), nhưng số lượng công bố của cả nước chỉ ngang với một trường đại học bậc trung trong bảng xếp hạng thế giới. Đáng buồn hơn, từ 4-5 năm nay, chỉ số sáng tạo của Việt Nam bị Ngân hàng Phát triển châu Á đánh giá thua kém cả Lào. Dư luận hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi, nhiều PGS/GS hay Tiến sĩ để làm gì?
Khi PGS/GS không đi cùng với thành tích khoa học quốc tế. Ảnh sưu tầm
Với những thực tế đã đưa ra, khó có thể trả lời, tất cả chỉ vì khoa học. Những con số giật mình được rút ra từ đợt xét duyệt PGS/GS năm 2017 càng minh chứng rõ hơn điều này. Trong số 85 GS được xét duyệt, 29 GS không có bài đăng trên tạp chí ISI/Scopus. Tỷ lệ còn thấp hơn đối với PGS. Theo số liệu được công bố, trong số 1.141 người được xét duyệt thì có 532 người có bài báo đăng trên các tạp chí nổi tiếng thế giới, chiếm 46,6%, tức là trên 53% PGS được xét duyệt năm nay không có bài báo khoa học trên các tạp chí ISI/Scopus. Điển hình nhất, hai ngành Luật học và Ngôn ngữ học hoàn toàn trắng bài báo khoa học trên ISI/Scopus mà vẫn đúng… quy định. Quả thật, theo tiêu chuẩn hiện hành, chức danh PGS/GS không kèm theo điều kiện có bài báo khoa học trên ISI/Scopus. Trong khi đó, một quy định được hiểu ngầm ở các nước là ứng viên PGS phải có tương ứng từ 5 đến 7 công bố quốc tế nghiêm túc, ứng viên GS phải có từ 10 đến 15 công bố tương tự.
Trong khi đó, quyền lợi đi kèm là không thể phủ nhận, dù các vị PGS/GS khả kính không đặt yếu tố này lên hàng đầu. Quyết định số 20 năm 2012 của Thủ tướng điều chỉnh, bổ sung một số điều của Quyết định số 174 quy định, PGS/GS có thể kéo dài thời gian làm việc dù đã đủ tuổi nghỉ hưu, được ưu tiên trong việc giao đề tài, dự án khoa học - công nghệ, xây dựng các chương trình, đề tài phục vụ công tác quản lý... và được hưởng quyền lợi trong việc nâng ngạch lương.
Có thể thấy, sự bất tương xứng giữa sự khiêm tốn trong tiêu chuẩn và mức độ hào phóng của quyền lợi, đặc biệt là đặc quyền tham gia các đề tài, dự án nhà nước… là một trong những nguyên nhân khiến đường đua giành được các chức danh này càng thêm nóng bỏng.
Đã có những nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm chấn chỉnh lại những thiếu sót trên. Dự thảo quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS đã có những yêu cầu cụ thể về công bố khoa học dù những thay đổi này còn cách xa chuẩn mực quốc tế. Chẳng hạn, từ 01/01/2020, ứng viên GS phân nhóm khoa học tự nhiên chỉ cần có 05 bài báo khoa học, ứng viên PSG nhóm ngành tương tự chỉ cần có 03 bài báo khoa học trong hệ thống ISI/Scopus, con số khiêm tốn hơn rất nhiều quy định bất thành văn đã nêu ở trên. Yêu cầu được đưa ra thấp hơn hẳn đối với các chức danh PGS/GS nhóm ngành khoa học xã hội. Họ chỉ cần có 1-3 bài báo khoa học uy tín để khoác vừa chiếc áo danh giá này.
Thế nhưng, chính những yêu cầu bị cho là chưa tương xứng nói trên vẫn bị phản đối vì… quá sức. Những tiếng nói từ trí thức thuộc nhóm ngành khoa học xã hội thể hiện quan điểm rằng, ngành khoa học này ở Việt Nam có những đặc thù riêng, rất khó khăn trong công bố quốc tế. Chính vì vậy, họ đề nghị có một lộ trình nhẹ nhàng hơn.
Sự trì hoãn thông qua Dự thảo quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS cho thấy, những góp ý theo hai thái cực đối lập nhau như trên đang làm khó các nhà quản lý. Viễn cảnh ‘đẽo cày giữa đường’, hài hòa lợi ích của các bên nhiều khả năng sẽ được tính đến. Cùng với đó, những lùm xùm về tiêu chuẩn PGS/GS khó có thể chấm dứt.
Vậy giải pháp cần hướng đến là gì? GS Hoàng Tụy, trong một bài báo đăng tải vào tháng 3/2017 đưa ra một số nhận xét. Thứ nhất, theo thông lệ quốc tế, GS, PGS là những chức vụ cụ thể, gắn với một đơn vị học thuật (đại học, trung tâm nghiên cứu) cụ thể. Không có cái loại phẩm hàm GS, PGS chung chung để vinh danh ai, giống như những phẩm hàm quan lại phong kiến thời xưa.
Loại bỏ đặc quyền sẽ xóa được \'lạm phát\' giáo sư Trở thành giáo sư mức lương tăng gần gấp đôi, nhiều quyền lợi khác cũng tăng nên nhiều người tìm mọi cách đạt được. |
Quan chức làm giáo sư: Lý giải từ Hội đồng chức danh GSNN Phó Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, GS Bùi Văn Ga khẳng định việc xét duyệt ứng viên đã thực hiện ... |
Giao phong GS, PGS về trường đại học: Chỉ sau 3 năm, Việt Nam có nhiều GS, PGS nhất thế giới Đây là dự đoán của PGS.TS Phan Quang Thế - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên nếu giao việc phong ... |