Ngày 14-10, Ngân hàng Trung ương Singapore đã quyết định không điều chỉnh các chính sách tiền tệ, là động thái được dự báo sau khi các dữ liệu cho thấy nền kinh tế đảo quốc Sư tử khởi sắc trong quý III-2024.

img_9588.jpg
Tình hình kinh tế Singapore đang ở trạng thái tích cực. Ảnh: Hoàng Linh.

Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) cho biết, sẽ duy trì tỷ giá hối đoái hiện tại theo biên độ chính sách dựa trên tỷ giá hối đoái hiệu quả danh nghĩa (NEER). MAS cũng cho biết sẽ giữ nguyên độ rộng và điểm trung tâm của biên độ này.

Theo nhận định của MAS, rủi ro đối với triển vọng lạm phát của Singapore đã cân bằng hơn so với 3 tháng trước, đồng thời lưu ý rằng tăng trưởng đã có dấu hiệu cải thiện.

Dữ liệu từ Bộ Thương mại Singapore cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III-2024 tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ sự thúc đẩy của ngành sản xuất. Con số này cao hơn mức tăng 2,9% trong quý II-2024, trở thành cơ sở để các nhà hoạch định chính sách bày tỏ sự lạc quan về triển vọng năm 2025.

Chuyên gia kinh tế Selena Ling của OCBC nhận xét: “Triển vọng tăng trưởng trở nên tích cực hơn”, nhưng cũng lưu ý rằng các vấn đề địa chính trị và xung đột thương mại vẫn là mối lo ngại đối với Singapore và MAS có thể sẽ có cơ hội nới lỏng chính sách trong cuộc đánh giá tiếp theo vào tháng 1-2025.

Nhà kinh tế học Shivaan Tandon của Capital Economics đồng tình với quan điểm này, cho rằng: “Rủi ro khi duy trì chính sách tiền tệ quá chặt chẽ trong thời gian quá dài sẽ sớm trở thành vấn đề, buộc ngân hàng trung ương phải điều chỉnh chính sách”.

MAS kỳ vọng, nền kinh tế sẽ tăng trưởng ở mức cao nhất trong phạm vi dự báo của Bộ Thương mại từ 2% đến 3% cho năm 2024, nhưng cảnh báo rằng những rủi ro bên ngoài đặt ra sự bất ổn lớn cho năm tới.

Singapore thường được xem là quốc gia tiên phong trong tăng trưởng toàn cầu, do thương mại quốc tế của nước này chiếm phần lớn so với nền kinh tế trong nước.

Là một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại, Singapore áp dụng phương pháp quản lý chính sách tiền tệ đặc biệt, điều chỉnh tỷ giá hối đoái của đồng đô la Singapore so với một rổ tiền tệ thay vì điều chỉnh lãi suất như quốc gia khác. Chính sách này điều chỉnh thông qua ba yếu tố: Độ dốc, điểm giữa và độ rộng của biên độ chính sách.

MAS đã thắt chặt chính sách năm lần từ tháng 10-2021 đến tháng 10-2022, bao gồm hai động thái ngoài chu kỳ, để kiểm soát lạm phát trong đại dịch và trong bối cảnh bất ổn địa chính trị toàn cầu. Từ đó đến nay, chính sách này vẫn ổn định khi mối lo ngại về tăng trưởng kinh tế lấn át lo ngại về lạm phát.

Chuyên gia Shivaan Tandon của Capital Economics nhận định, sức tăng trưởng nhờ sản xuất của Singapore có thể suy giảm do nhu cầu toàn cầu giảm, buộc MAS phải có biện pháp phản ứng. "Chúng tôi hy vọng Singapore sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng I-2025” - chuyên gia của Capital Economics dự đoán.

https://hanoimoi.vn/singapore-co-gang-duy-tri-on-dinh-thi-truong-tai-chinh-681336.html

Thanh Huyền / HNM.com.vn