Trong phiên điều trần vào tháng 1, Chỉ huy Bộ Tư lệnh chiến lược STRATCOM cho biết số bệ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Trung Quốc đã vượt qua Mỹ.
- Triều Tiên thông báo thử bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn
- Ukraine: Nga đưa bệ phóng tên lửa Iskander-M đến sát biên giới hai nước
CNN trích dẫn một phần lá thư của Đại tướng Anthony Cotton - Chỉ huy Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) gửi cho Quốc hội Mỹ nói, Trung Quốc hiện có nhiều bệ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) cố định và di động trên mặt đất hơn Mỹ.
“Tính đến tháng 10/2022, số lượng bệ phóng ICBM cố định và di động trên đất liền của Trung Quốc vượt quá số lượng bệ phóng ICBM của Mỹ”, tướng Cotton cho biết.
Tuy nhiên bức thư trên cũng cho biết rằng Trung Quốc không có nhiều tên lửa và đầu đạn hạt nhân hơn Mỹ.
Sau phiên điều trần trên, các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa thuộc Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện Mỹ đã đưa ra một tuyên bố chung nhằm cảnh báo nguy cơ từ chương trình hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của Trung Quốc.
“Chương trình hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của Trung Quốc đang tiến triển nhanh hơn những gì chúng ta vẫn tưởng. Nước Mỹ không có thời gian để lãng phí trong việc điều chỉnh tư thế lực lượng hạt nhân của mình để ngăn chặn cả Nga và Trung Quốc. Điều này sẽ có nghĩa là chúng ta cần thêm các phương tiện và khả năng răn đe mới”, tuyên bố Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện Mỹ cho biết.
Mặc dù Mỹ có kho vũ khí hạt nhân lớn hơn Trung Quốc, nhưng những nỗ lực hiện đại hóa và tăng cường khả năng hạt nhân của Bắc Kinh đang trở thành vấn đề nóng trong Quốc hội Mỹ lẫn giới lãnh đạo quân sự nước này.
Thông tin về bức thư được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng sau vụ một khinh khí cầu bị nghi là thiết bị do thám của Trung Quốc bị quân đội Mỹ bắn hạ trên Đại Tây Dương 4/2.
ICBM là một thành phần chính trong bộ ba hạt nhân của Mỹ, bao gồm các hệ thống vũ khí răn đe hạt nhân trên đất liền, trên không và trên biển.
Theo Lầu Năm Góc, Mỹ đang duy trì trên 400 bệ phóng ICBM cố định và 50 bệ phóng khác trong trạng thái dự phòng.
Kho vũ khí hạt nhân của Mỹ cũng bao gồm hơn chục tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa đạn đạo và lực lượng máy bay ném bom có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Tính đến năm 2022, Mỹ có hơn 5.000 đầu đạn hạt nhân, với 1.644 trong số chúng đang được triển khai. Trong khi đó, Trung Quốc gần đây mới vượt qua con số 400. Chênh lệch số đầu đạn hạt nhân giữa hai bên là đáng kể
Theo một báo cáo của Lầu Năm Góc công bố vào tháng 11/2022 cho biết Trung Quốc đang xây dựng kho dự trữ hạt nhân với tốc độ ngày càng nhanh và có thể đạt khoảng 1.500 đầu đạn hạt nhân vào năm 2035 nếu họ duy trì chương trình nâng cấp hạt nhân hiện tại.