Bên cạnh Covid-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng thì số bệnh nhân mắc cúm A phải nhập viện ở Hà Nội hai tuần nay cũng tăng đột biến, biểu hiện dịch bùng trái mùa…
Cấp cứu điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Thanh Nhàn |
Trong hai tuần qua, trung bình mỗi tuần Khoa Nội của Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Nhi trung ương tiếp nhận 40-50 trẻ nhập viện điều trị cúm A. Trong số các trường hợp phải nhập viện, có nhiều trẻ bị viêm phổi, suy hô hấp, một số ca còn phải thở ô xy, chạy ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo)…
Điều nguy hiểm là đã ghi nhận một số trường hợp sau khi mắc cúm 3-5 ngày thì có các biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương, viêm não, vào viện trong tình trạng co giật, lơ mơ...
Đặc biệt, không chỉ trẻ em mà cả người lớn mắc cúm phải nhập viện cũng gia tăng. Chỉ trong 1 tuần qua, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân đến khám và điều trị do nhiễm virus cúm, một số là phụ nữ mang thai. Đa số bệnh nhân đến khám có biểu hiện nhiễm trùng ở đường hô hấp trên với các triệu chứng: Sốt cao, đau mỏi, đau họng, hắt hơi, sổ mũi, thậm chí viêm phổi.
Bác sĩ Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, cúm thường tiến triển lành tính, nhưng bệnh cũng có thể gây biến chứng nặng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Riêng với phụ nữ mang thai, cúm có thể gây nguy hiểm cho thai nhi.
Tương tự, tại Bệnh viện Thanh Nhàn, có những ngày cao điểm, bệnh viện tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân mắc cúm A vào điều trị, trong khi trước đó chỉ ghi nhận rải rác một vài ca…
Bác sĩ Thư lưu ý, đối với những người có hệ miễn dịch yếu như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai có thể nhiễm cúm ở các thời điểm trong năm. Để phòng tránh, mọi người cần đeo khẩu trang, vệ sinh mũi họng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nâng cao sức đề kháng và đặc biệt là tiêm phòng cúm hằng năm.