Đại diện Sở Giáo dục khẳng định trường ngoài công lập được tự quyết lệ phí tuyển sinh, nhưng không có loại phí nào là ghi danh hay giữ chỗ.
Chiều 10/7, ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đã trả lời về một số vấn đề trong tuyển sinh vào lớp 10.
Khẳng định phí giữ chỗ các trường ngoài công lập thu của phụ huynh là sai quy định, ông Quang dẫn điều 14 về nguồn thu của các cơ sở thực hiện xã hội hóa (gồm cả trường ngoài công lập) trong Nghị định 69 ban hành năm 2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường. Chỉ khoản 1 điều này quy định về thu phí và lệ phí.
"Truy cứu thế nào là phí và lệ phí sẽ thấy không có khoản nào nói về phí đặt chỗ và ghi danh. Như vậy, việc các trường đặt ra khoản đó là sai", ông Quang nhấn mạnh và thông tin thêm Luật Giáo dục cũng chỉ nói đến học phí và lệ phí tuyển sinh chứ không hề nhắc tới các khoản đặt chỗ hay giữ chỗ.
Phó giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội Lê Ngọc Quang khẳng định thu phí giữ chỗ là sai quy định. Ảnh: Gia Chính
Ngoài các quy định, theo ông Quang, việc thu nhiều khoản phí như vậy là chưa hợp tình. Đại diện Sở Giáo dục Hà Nội cho rằng việc một học sinh phải vào học trường nào đó vì không muốn mất tiền giữ chỗ hay một học sinh vì đi học trường khác mà mất một khoản tiền sẽ tạo ra cách nghĩ không tốt về giáo dục.
Ông Quang cũng nhận định việc so sánh lệ phí giống khoản mua bán, đặt cọc ngoài thị trường, đưa vấn đề thương mại hóa vào trường học là không phù hợp. "Làm sao trẻ có thể nhân ái, vị tha, khoan dung khi biết chúng được vào trường nhờ tiền, nhờ mua và bán", ông Quang nêu quan điểm.
Sở Giáo dục đã có văn bản gửi tới các trường yêu cầu không thu các khoản phí ghi danh, giữ chỗ, đồng thời cũng có văn bản riêng tới trường khi bắt đầu phát hiện vi phạm. Đến nay nhiều trường ngoài công lập sẵn sàng trả toàn bộ phí nộp kèm hồ sơ cho phụ huynh như THPT Nguyễn Siêu, Marie Curie, Đào Duy Từ, Tạ Quang Bửu, Đoàn Thị Điểm hay Newton. Còn một vài trường, Sở đang yêu cầu trả lại.
Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, cũng khẳng định không có quy định nào về phí đặt cọc, phí ghi danh, nên nhà trường không được đặt ra các khoản thu này. "Một số ý kiến cho rằng nhà trường làm vậy để giữ học sinh. Nhưng theo tôi, cách giữ tốt nhất là nâng cao chất lượng của trường chứ không phải bằng biện pháp thu tiền, giữ hồ sơ", ông Cẩn nói.
Số lượng thí sinh và chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội 5 năm qua. Đồ họa: Việt Chung - Quỳnh Trang.
Sở sẽ có văn bản hướng dẫn trường ngoài công lập công bố điểm chuẩn
Tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội năm nào cũng "nóng" và năm nay càng nhận được nhiều quan tâm hơn khi lượng thí sinh tăng vọt. Trước thực tế đó, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Giáo dục đã tổ chức tuyển sinh nhanh gọn hơn, công bố điểm sớm hơn dự kiến và việc hạ điểm chuẩn của các trường cũng ít hơn so với mọi năm.
Ông Quang cho biết, trước kỳ thi, Sở Giáo dục đã làm việc với các trường ngoài công lập và chấp nhận để nhóm trường này được xét tuyển, tuyển sinh sớm hơn trường công lập nhằm tạo thuận lợi nhất. Tuy nhiên, việc cho phép trường ngoài công lập thu hồ sơ sớm đã dẫn đến tình trạng trường Tạ Quang Bửu nhận được quá nhiều hồ sơ và phải thay đổi điểm chuẩn liên tục, khiến phụ huynh bức xúc.
"Để giải quyết tình trạng này, Sở Giáo dục sẽ họp bàn để ra văn bản hướng dẫn quy định về việc công bố điểm chuẩn cho các trường ngoài công lập. Theo đó, các trường đã công bố phải tuyển theo điểm chuẩn. Nếu muốn tuyển sinh thêm, trường chỉ có thể hạ điểm chứ không được phép tăng. Việc tuyển sinh sẽ kết thúc ngay sau khi tuyển đủ", ông Quang thông tin.
Năm học 2018-2019, số học sinh thi vào lớp 10 công lập của Hà Nội đông kỷ lục, tới gần 94.500, tăng hơn 18.700 em so với năm ngoái. Với chỉ tiêu 63.050, toàn thành phố có khoảng 31.900 em phải vào các trường tư thục có chi phí đắt đỏ hoặc học trường nghề, giáo dục thường xuyên.
Kỳ thi diễn ra ngày 7/6 với hai môn Toán, Văn được đánh giá là khó, điểm thi thấp hơn năm ngoái nên nhiều phụ huynh nộp hồ sơ, đóng tiền cho con vào học trường ngoài công lập. Ngày 29/6, khi Sở Giáo dục công bố điểm chuẩn, biết con đỗ vào trường công, phụ huynh lại đổ đến các trường ngoài công lập rút hồ sơ.
Tuy nhiên, phụ huynh gặp khó khăn khi rút hồ sơ, không rút được khoản tiền đã đóng, hoặc chỉ rút một phần. Một số trường cho rằng đã thông báo các khoản thu từ trước và tư vấn kỹ cho phụ huynh trước khi nộp hồ sơ nên không trả lại phí ghi danh mà sung vào quỹ khuyến học của trường.
Vật vã đòi lại “phí giữ chỗ” vào lớp 10: Pháp luật sơ hở hay cơ quan quản lý bất lực? Với khoảng 32 nghìn học sinh lứa tuổi Dê vàng (2003) ở Hà Nội không được vào trường công lập, cuộc đua vào các trường ... |
Trường dân lập thu phí giữ chỗ: "Chơi không đẹp" và phản cảm 32 nghìn học sinh tốt nghiệp THCS tại Hà Nội sẽ không có chỗ trong các trường THPT công lập là thông tin đang nóng ... |