Tính đến 13h ngày 10/9, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, số người chết và mất tích ở các tỉnh phía Bắc hiện lên tới 146 người. Con số này cho thấy sức tàn phá khủng khiếp của lũ quét và sạt lở đất đang diễn ra.
- Lực lượng cứu hộ tiếp cận hiện trường vụ nhiều xe rơi xuống suối ở Cao Bằng
- Bệnh viện Việt Đức quá tải bệnh nhân sau mưa bão
Cụ thể, đã có 82 người chết, 64 người mất tích sau bão số 3 Yagi. Trong đó, tỉnh Cao Bằng có 55 người người chết và mất tích tại huyện Bảo Lạc (19 người chết, 36 người mất tích); Lào Cai 19 người chết, 11 người mất tích.
Tỉnh Yên Bái có 28 người chết và mất tích do sạt lở đất. Quảng Ninh có 9 người chết và mất tích. Hải Phòng có 2 người chết do bão. Hải Dương có 1 người chết do bão. Hà Nội có 1 người chết do bão. Hòa Bình có 4 người chết do sạt lở đất. Lạng Sơn có 2 người chết do lũ cuốn, sạt lở đất. Bắc Giang có 1 người chết do lũ cuốn. Tuyên Quang có 2 người mất tích do lũ cuốn. Hà Giang có 2 người chết và mất tích. Lai Châu có 1 người chết do sạt lở đất. Phú Thọ có 8 người mất tích (sự cố sập cầu Phong Châu).
Về thiệt hại nông nghiệp, 148.632 ha lúa đã bị ngập úng, thiệt hại (tập trung tại Hải Phòng 25.780 ha; Thái Bình 11.000 ha; Hà Nội 15.563 ha; Hưng Yên 12.119 ha; Hải Dương 18.500 ha; Hà Nam 7.928 ha; Lạng Sơn 4.495 ha; Bắc Giang 14.933 ha; Bắc Ninh 9.830 ha; Vĩnh Phúc 8.860 ha, Thái Nguyên 3.512 ha, Yên Bái 2.618 ha...); 26.186 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 11.038 ha cây ăn quả bị hư hại.
Ngoài ra, có 1.577 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi (tập trung ở Quảng Ninh 1.000 lồng bè, Hải Dương 300 lồng bè...) và 1.111 con gia súc, 680.243 con gia cầm bị chết.
Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng: 12 đoạn đường dây 500kV, 36 đường dây 220kV, 173 đường dây 110kV bị sự cố và 5.305 cột điện bị gãy đổ.
Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 48.337 nhà ở bị hư hỏng (Quảng Ninh 20.245 nhà, Hải Phòng 13.927 nhà, Bắc Ninh 3.450 nhà, Lạng Sơn 2.929 nhà...); nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gẫy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gẫy đổ la liệt trên các tuyến đường tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội…
28 người chết và mất tích, Yên Bái công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai
Báo cáo ngày 10/9 của UBND tỉnh Yên Bái cho thấy, 22 người ở địa phương này đã chết do sạt lở đất (huyện Văn Chấn có 1 người, huyện Lục Yên 11 người và TP Yên Bái 10 người) và 6 người mất tích (huyện Lục Yên 2 người, TP Yên Bái 4 người).
Ngoài ra, có 10 người bị thương, trong đó TP Yên Bái có 3 người, Lục Yên 5 người, Văn Yên 2 người. Đến trưa nay, TP Yên Bái và nhiều địa phương ở tỉnh Yên Bái vẫn đang chìm trong biển nước, nhiều phường, xã bị cô lập không thể liên lạc, giao thông bị chia cắt.
Bước đầu, tỉnh Yên Bái thống kê thiệt hại về nhà ở khoảng 13.558 nhà, trong đó 40 nhà bị sập đổ hoàn toàn; 2.337 nhà phải di dời người và tài sản để bảo đảm an toàn; nhiều nhà bị tốc mái; 10.399 nhà bị ngập nước, trong đó 7.934 nhà ở thành phố Yên Bái. Tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại, ảnh hưởng hơn 4.017 ha.
Tỉnh Yên Bái đã huy động trên 10.850 người để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Với 40 nhà bị sập đổ hoàn toàn, tỉnh đã di dời và bố trí chỗ ở tạm thời về nhà người thân. 2.337 nhà phải di dời người và tài sản đã bố trí chỗ ở tạm thời cho các hộ gia đình tại các nhà văn hóa, trụ sở UBND xã và xen ghép vào các hộ gia đình không bị ảnh hưởng.
Đối với các hộ bị ngập (10.399 nhà), Yên Bái đã di dời 41.590 người để bảo đảm an toàn bằng hình thức xen ghép vào nhà người thân và các hộ gia đình không bị ảnh hưởng.
Bố trí lực lượng y, bác sĩ và chuẩn bị thuốc men để khám và chữa bệnh cho nhân dân nơi sơ tán và tại chỗ; bố trí nơi ăn, ở tạm thời và cung cấp những vật dụng thiết yếu.
Làm việc với lãnh đạo tỉnh Yên Bái sáng 10/9, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh sức khỏe, tính mạng của nhân dân là cao nhất, phải quyết tâm tối đa để không xảy ra sự cố đáng tiếc.
Phó Thủ tướng đề nghị Quân khu 2 huy động số xuồng hiện có để hỗ trợ người dân; tập trung cao cho công tác cứu hộ, cứu nạn và bằng mọi cách cứu hộ 3 người dân đang mắc kẹt trong mưa lũ (hiện đang bám vào cột điện).
Phó Thủ tướng yêu cầu Yên Bái triển khai lực lượng kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.