Theo nhận định sơ bộ, chuỗi động đất xảy ra ở khu vực tỉnh Kon Tum có nguyên nhân do hồ chứa, nhưng để có cơ sở phải đánh giá chi tiết và nghiên cứu cụ thể cho khu vực này.
- Chưa tới nửa ngày, Kon Tum ghi nhận liên tiếp 12 trận động đất
- 4 trận động đất liên tiếp ở Kon Tum: Thủ tướng yêu cầu theo dõi chặt chẽ
Động đất gia tăng về cường độ và tần suất
Chiều 24/8, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai họp với các bộ, ngành và địa phương về động đất tại Kon Tum. Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, trong thời gian gần đây, động đất xảy ra thường xuyên và có xu thế gia tăng cả về tần suất và cường độ trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Cụ thể, thống kê cho thấy, từ năm 1903 đến năm 2020 (117 năm) đã ghi nhận 33 trận động đất có độ lớn 2,5 - 3,9 richter. Nhưng từ tháng 2/2021 động đất xuất hiện và có xu hướng gia tăng. Năm 2021 ghi nhận 114 trận động đất, còn 8 tháng của năm 2022 ghi nhận đến 146 trận động đất tại đây.
Đặc biệt, từ ngày 23 đến 24/8, đã xảy ra liên tiếp 12 trận động đất với cường độ 2,5 – 4,7 richter, trong đó trận động đất lúc 14h08’ ngày 23/8 có độ lớn 4,7 (tương đương cường độ động đất tại thuỷ điện Sông Tranh 2). Theo nhận định sơ bộ của Viện Vật lý địa cầu, cường độ động đất trong khu vực có thể lên tới 5,5 richter.
Trận động đất độ lớn 4,7 vào hồi 14h08’ ngày 23/8 đã gây rung chấn trong khu vực huyện Kon Plông và các địa phương lân cận (Quảng Nam, Đà Nẵng). Theo báo cáo ban đầu của các địa phương, động đất đã làm hư hại mái ngói của 1 nhà tại xã Đăk Ring, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum; trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không ghi nhận thiệt hại.
Đến ngày 24/8, mực nước tại hồ Thượng Kon Tum là 1.151,22m, thấp hơn mực nước cao nhất trước lũ 5,78m; mực nước đầu thời kỳ mùa lũ (ngày 1/7) là 1.152,18 (thấp hơn mực nước cao nhất trước lũ là 4,82m). Hồ Thượng Kon Tum thực hiện tích nước đúng Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sê San. Còn mực nước hồ Đăk Đring là 406,35m (7h00 ngày 24/8), cao hơn mực nước cao nhất trước lũ từ 1/9 là 1,35 m). Như vậy, hồ Đăk Đring cần thực hiện hạ dần mực nước về cao trình 405m trước ngày 1/9 theo quy định tại Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Trà Khúc.
Sáng 24/8, thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đã cử đoàn công tác trực tiếp đến huyện Kon Plông để kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tế và phối hợp với địa phương chỉ đạo ứng phó.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum chỉ đạo tổ chức 2 đoàn công tác của huyện Kon Plông kiểm tra, đánh giá tác động và mức độ ảnh hưởng của các trận động đất đã xảy ra đối với nhà ở của nhân dân, trụ sở làm việc, trường học, y tế và các công trình cơ sở hạ tầng; sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để ứng phó và khắc phục hậu quả kịp thời khi có tình huống.
Cần phân vùng rủi ro động đất trên toàn quốc
Tại cuộc họp, ông Phạm Thế Truyền, Phó Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và sóng thần, Viện Vật lý địa cầu cho biết, theo nhận định sơ bộ, chuỗi động đất xảy ra ở khu vực tỉnh Kon Tum có nguyên nhân do hồ chứa, nhưng để có cơ sở phải đánh giá chi tiết và nghiên cứu cụ thể cho khu vực này.
Ngay sau khi có Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó động đất ở huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum, Viện đã phối hợp với chủ đầu tư và các đơn vị quản lý các công trình thủy điện Thượng Kon Tum, hồ thủy điện Đắc Rinh lên kế hoạch lắp đặt 3 trạm quan trắc, dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 3/9, nâng tổng số trạm quan trắc ở khu vực này lên 6 trạm.
“Về lâu dài, cần tăng cường hệ thống trạm quan trắc động đất không chỉ ở khu vực Kon Plông mà cả ở các địa phương khác. Thứ hai là phải phân vùng rủi ro động đất trên toàn quốc. Hiện tại, chúng ta chưa có bản đồ phân vùng rủi ro động đất trên phạm vi quốc gia, do đó, việc đưa ra các thông tin dự báo, cảnh báo kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo gặp khó khăn”, ông Truyền thông tin.
Về nguyên nhân phát sinh và xu thế hoạt động của động đất, ông Lê Văn Chính, Phó Trưởng phòng Khoa học Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, các kết quả nghiên cứu trước đây về hoạt động kiến tạo động đất tại khu vực Kon Tum và lân cận chưa đủ chi tiết để đánh giá về nguyên nhân và mức độ nguy hiểm của động đất đối với công trình thủy điện và dân sinh.
Đặc biệt về nghiên cứu động đất kích thích thì chưa có nghiên cứu chi tiết nào. Vì vậy, để xác định nguyên nhân, mức độ nguy hiểm của động đất và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp, cần có phối hợp của các bộ, ngành và địa phương cùng các chủ đầu tư các công trình thủy điện trên địa bàn cùng góp sức vào để làm nghiên cứu chi tiết.
Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu các thành viên và tỉnh Kon Tum thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó động đất.
Viện vật lý địa cầu triển khai sớm các trạm quan trắc để có thông tin nhanh nhất, chính xác nhất, cần cung cấp đầy đủ thông tin về động đất nhanh chóng, chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo. Thông tin dự báo động đất còn gặp khó khăn, tuy nhiên cần xác định rõ nguyên nhân để chủ động có giải pháp ứng phó phù hợp với tình hình, tránh tâm lý hoang mang trong nhân dân.