Dù chịu nhiều “điều tiếng”, song kênh huy động vốn từ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được đánh giá rất quan trọng đối với nền kinh tế. Bởi vậy, tại diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững” do Báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức chiều 19/5, các diễn giả đều cho rằng cần xây dựng “hạ tầng” điều tiết thị trường TPDN một cách lành mạnh.

Điểm lại thị trường trái phiếu Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, hiện tại quy mô thị trường trái phiếu đạt 39,7% GDP (trong đó trái phiếu Chính phủ là 22,7% GDP và TPDN là 14,2% GDP) còn thấp hơn nhiều so với Hàn Quốc 86,6%, Malaysia 60% GDP.

tpdn_jpeg_1721_1649200844_1200x0-1653011394207
Các chuyên gia đề xuất “mở” để thị trường TPDN phát triển.

Với thị trường vốn của Việt Nam hiện nay, ngân hàng đang đảm nhiệm nhiệm vụ cung vốn của thị trường. Doanh nghiệp dựa rất nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng, kể cả vốn trung dài hạn. Điều này sẽ tạo sức ép và rủi ro lớn cho hệ thống tài chính tín dụng khi nguồn vốn chủ yếu là ngắn hạn. Bởi vậy, TPDN đóng vai trò quan trọng trên thị trường vốn. Tuy nhiên, hiện nay, dù phát triển nhanh, song TPDN phát sinh nhiều rủi ro, tiêu chuẩn doanh nghiệp phát hành chưa cao, tình hình tài chính một số doanh nghiệp phát hành còn hạn chế.

Chưa kể, theo ông Tuấn, có tình trạng doanh nghiệp phát hành sử dụng vốn không đúng với thông tin đã công bố hoặc doanh nghiệp tuân thủ lỏng lẻo các thông tin đã được công bố. “Nhà đầu tư vi phạm lách quy định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua TPDN riêng lẻ. Các tổ chức đại lý phát hành, tổ chức phân phối TPDN chưa tuân thủ đúng pháp luật”, ông Tuấn nói.

Có chung nhận định, TS Cấn Văn Lực cho rằng, hệ thống ngân hàng thương mại đang quá sức trong cho vay vốn dài hạn. Do đó, kênh huy động vốn qua thị trường trái phiếu là vô cùng quan trọng, vấn đề là điều tiết thị trường TPDN như thế nào để phát triển lành mạnh hơn.

Theo TS Cấn Văn Lực, để lành mạnh hóa thị trường, cần vừa kiến tạo phát triển cho thị trường vừa kiểm soát được rủi ro, trước mắt cần giải quyết dứt điểm các vụ việc vừa qua để củng cố niềm tin nhà đầu tư cũng như tránh tạo tiền lệ xấu. Đồng thời cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp: Sớm sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành TPDN riêng lẻ, Nghị định 156/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán; rà soát Luật chứng khoán 2019 tiến tới sửa đổi, trong đó nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp… Đặc biệt, cần cân nhắc mức độ phù hợp về quy định tài sản đảm bảo, bảo lãnh phát hành, phân phối trái phiếu. Bên cạnh đó, cần có quy định về định hạng tín nhiệm nhằm giúp nhà đầu tư dễ dàng xác định chất lượng doanh nghiệp, mức độ rủi ro của trái phiếu phát hành.

Nhìn từ góc độ pháp lý, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy Ban kinh tế của Quốc hội đã đặt vấn đề ứng xử với thị trường TPDN và giải pháp pháp lý để thị trường này phát triển hiệu quả, bền vững.

Theo đó, ông Hiếu đề nghị Chính phủ cho xem xét, rà soát Điều 11 của Luật Chứng khoán và Nghị định 155/2020 liên quan điều kiện của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Nếu như nâng được chất lượng thực sự của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ có một lợi ích rất dài hạn. Đây là công cụ thị trường để tự họ sàng lọc mà không cần can thiệp về mặt chính sách. Về dài hạn, ông Hiếu cho rằng cần nâng cao chất lượng của doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Do vậy, không có gì khác ngoài việc nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Phạm Xuân Hoè, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Ngân hàng Nhà nước đề xuất sau những vụ việc “lùm xùm” trên thị trường tài chính xảy ra như vừa qua thì các quan điểm về thị trường TPDN đang chuyển từ thái cực mở sang quản lý chặt chẽ. Điều đó là chưa hợp lý với nguyên tắc thị trường và nếu cứ tiếp tục như vậy, Việt Nam sẽ khó có được một thị trường trái phiếu lành mạnh, hay đạt đến mục tiêu 20% GDP như các chuyên gia đề cập. Vì thế, tổng thể về cách tiếp cận của thị trường phải rất mở, đảm bảo theo nguyên lý kinh tế thị trường để cân bằng vốn giữa thị trường dài hạn và ngắn hạn, đồng thời, phải cân bằng giữa rủi ro và phát triển thị trường.

Ngoài ra, ông Phạm Xuân Hoè cho rằng, kiểm soát quá chặt chẽ dòng vốn và mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp phát hành trái phiếu là không khả thi. “Đồng tình rằng phải có sự kiểm soát mục đích sử dụng vốn nhưng tiền đã vào trong túi doanh nghiệp thì không thể phân biệt “đồng này mua mắm, đồng này mua tương” nên cơ chế cần có sự thông thoáng, cởi mở nhất định”.

Cùng với đó, vị chuyên gia này đánh giá doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm trên thị trường hiện nay còn nhiều hạn chế, lực lượng mỏng sẽ không đủ sức đáp ứng yêu cầu khi thị trường tăng cao. “Theo tôi, cần có dòng vốn cho các doanh nghiệp này phát triển, mà quan trọng là Chính phủ nên có ngân sách hỗ trợ các công ty xếp hạng tín nhiệm phát triển ổn định, có đủ tiềm lực mạnh mẽ góp phần thúc đẩy thị trường trái phiếu tăng trưởng”, ông Hòe đề xuất.

Hà An / CAND