Ngày 18-6 vừa qua, hàng loạt cao tốc quanh thành phố Hồ Chí Minh được khởi công, hứa hẹn mang đến bộ mặt giao thông mới thông thoáng và hiện đại cho toàn vùng Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, đoạn cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành vẫn chật chội và tắc nghẽn thường xuyên nhiều năm qua mà chưa rõ ngày mở rộng theo quy hoạch.
- Công bố mức phí cao tốc TP.HCM- Long Thành- Dầu Giây tại nút giao Phan Thiết
- VEC muốn mở rộng cao tốc Long Thành- Dầu Giây lên 8 làn xe với gần 14.000 tỷ, Bộ Giao thông nói không phù hợp
- Vì sao cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây vẫn ùn tắc dù thu phí không dừng?
Chiều về thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên tắc nghẽn cả buổi tối, nhất là vào các ngày cuối tuần.
"Điểm đen" về giao thông
Cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây được đưa vào sử dụng từ tháng 9-2016. Toàn tuyến dài khoảng 50km, quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn khẩn cấp, nối cửa ngõ phía Đông Bắc thành phố Hồ Chí Minh đi ngang qua sân bay Long Thành và kết thúc tại Dầu Giây, nối với quốc lộ 1 chạy ra Bắc. Trên tuyến có một cầu lớn bắc qua sông Đồng Nai.
Công suất thiết kế tuyến là 44.000 lượt xe/ngày, nhưng chỉ 3 năm sau khi đưa vào sử dụng, cao tốc quá tải. Lượng phương tiện nhiều lúc lên đến 55.000 lượt xe/ngày. Tình trạng ách tắc thường xuyên xảy ra vào mọi ngày và nghiêm trọng hơn vào các ngày cuối tuần, ngày nghỉ, ngày lễ... Đoạn tắc nghẽn nghiêm trọng nhất dài khoảng 20km từ trạm thu phí Long Phước đến điểm giao với quốc lộ 51 trên địa phận huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai).
Nguyên nhân do đây là tuyến huyết mạch nối thành phố Hồ Chí Minh với vùng công nghiệp rộng lớn tại Đồng Nai; khu cảng biển lớn nhất nước ở Bà Rịa - Vũng Tàu và là tuyến đường nhanh nhất đi ra duyên hải Nam Trung Bộ nên lượng xe đông. Đáng lưu ý, việc mở rộng đoạn cao tốc này đã nhiều lần được đặt ra, nhưng đến nay vẫn chưa rõ ngày thực hiện.
Lượng phương tiện giao thông trên tuyến rất lớn.
Tối 18-6, ngán ngẩm lái xe nhích từng mét trên đoạn cao tốc từ Long Thành về thành phố Hồ Chí Minh, anh Dương Vũ Khánh, ngụ tại phường Tân Hưng, quận 7, chia sẻ: “Cuối tuần, tôi hay đưa gia đình đi chơi Phan Thiết (Bình Thuận). Cao tốc mới từ Phan Thiết về đến Dầu Giây rồi chạy tới Long Thành đường rộng, vắng xe, nhưng đoạn từ Long Thành về thành phố thì luôn kẹt cứng. Cao tốc mà xe chỉ chạy được 20-30km/h. Nếu không sớm mở rộng, đến khi sân bay Long Thành rồi cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi vào hoạt động, không biết kẹt xe còn nghiêm trọng thế nào nữa”.
Tâm sự của anh Khánh cũng là tâm trạng của nhiều người hay đi qua đoạn đường dài hơn 20km này, bởi tình trạng nêu trên đã tồn tại nhiều năm qua. Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần kiến nghị Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Bộ Giao thông - Vận tải cùng các cơ quan chức năng xem xét, sớm triển khai mở rộng đoạn đường này theo quy hoạch. Nhưng đến giữa tháng 6-2023, vẫn chưa rõ ngày thực hiện.
Cần thiết và cấp bách
Trước tình hình tắc nghẽn giao thông trên tuyến ngày càng nghiêm trọng, tháng 11-2022, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã thống nhất với Bộ Giao thông - Vận tải báo cáo Thủ tướng phương án mở rộng đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây với quy mô 8 đến 10 làn xe, trước mắt với đoạn hơn 20km nêu trên. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 14.700 tỷ đồng, do VEC tự huy động và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Người dân và doanh nghiệp Đông Nam Bộ mong mỏi cao tốc sớm được mở rộng.
Đến tháng 3-2023, trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông - Vận tải nhận định: Đoạn cao tốc nêu trên đã khai thác vượt so với năng lực thông hành, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải. Do vậy, việc đầu tư mở rộng đoạn tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành là rất cần thiết và cấp bách, đặc biệt là khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đưa vào khai thác cuối năm 2025.
“Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải đã có văn bản đề nghị VEC chủ động nghiên cứu, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư dự án, trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các cấp có thẩm quyền theo quy định”, văn bản nêu rõ. Tuy nhiên, tính đến tháng 6-2023, VEC chưa ấn định ngày khởi công dự án.
Theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm, để chủ động khắc phục một phần tình trạng ách tắc trên tuyến, Sở đã đề xuất UBND thành phố kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải thống nhất phạm vi đầu tư, quy mô và tiến độ hoàn thành dự án mở rộng đoạn đầu của cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (từ nút giao An Phú đến nút giao đường Vành đai 2 dài hơn 3km), đã được VEC bàn giao cho thành phố. Dự kiến thành phố Hồ Chí Minh sẽ đầu tư hơn 1.120 tỷ đồng mở rộng đoạn đường này lên 10 làn xe.
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chủ động mở rộng đoạn đầu dài hơn 3km vào cao tốc này.
Theo đó, việc lập và phê duyệt chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tực hiện trong năm 2023; lập và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án đầu tư trong quý III-2024; thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng trong quý II-2025; thi công hoàn thành và bàn giao công trình trong năm 2027.
Còn với hơn 20km còn lại, bao gồm cả cầu lớn qua sông Đồng Nai, người dân, doanh nghiệp và chính quyền thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang trông chờ VEC triển khai kịp tiến độ với mốc hoàn thành giai đoạn 1 Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (dự kiến vào năm 2026), bởi cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây sẽ là trục chính dẫn đến sân bay lớn nhất nước này.