Sự cố nước sạch ở Hà Nội bị nhiễm styren vừa xảy ra cho thấy công tác quản lý, giám sát “an ninh nguồn nước” cũng như ứng phó sự cố vẫn còn nhiều “lỗ hổng” đáng báo động.

su co nuoc nhiem ban he lo an ninh nguon nuoc con nhieu lo hong

Toàn cảnh khu vực nhà máy nước sông Đà - tâm điểm của sự cố xả dầu thải. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Liên quan tới vụ việc nguồn nước sạch ở Thủ đô Hà Nội nhiễm styren do hành vi đổ trộm dầu thải đầu nguồn Nhà máy nước sông Đà, giới chuyên gia đánh giá đây là sự cố môi trường nghiêm trọng, cho thấy công tác quản lý, giám sát “an ninh nguồn nước” cũng như ứng phó sự cố còn nhiều “lỗ hổng” đáng báo động.

Những gam màu “tối”

Với kinh nghiệm đúc rút từ việc xử lý 95 sự cố môi trường trên cả nước, ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam cho rằng mặc dù vụ việc nước nhiễm dầu đang rất “nóng” nhưng cần phải nhìn nhận một cách đại cục hơn thì mới có thể tránh khỏi những vụ việc đáng tiếc có thể sẽ còn xảy ra.

Theo ông Sơn, bản chất vụ Formosa, hay Rạng Đông và mới đây là vụ Nhà máy nước sông Đà đều có chung một “kịch bản” đó là thiếu chủ động trong việc giám sát, ứng phó. Bởi thế, khi xảy ra sự cố thì việc huy động nguồn lực, trang thiết bị, chỉ đạo xử lý sự cố còn rất lúng túng. Việc xử lý thông tin, hướng dẫn cho người dân, cộng đồng cũng rất chậm trễ. Đó cũng là lý do mà sự cố vượt tầm kiểm soát.

Nhìn nhận rộng hơn về những nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn tới sự cố ô nhiễm nguồn nước từ đầu nguồn Nhà máy nước sông Đà, ông Sơn cho hay hiện nay dọc hai bên bờ sông Đà (gần khu vực hồ chứa của nhà máy nước) còn có rất nhiều bồn chứa xăng dầu, tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ, bục vỡ, xảy ra sự cố môi trường.

Ngoài ra, các cơ sở sản xuất giấy, nước thải hóa chất dọc hai bên bờ sông Đà và gần nhà máy cũng có thể có vấn đề trong xử lý nước thải.

Một mối lo khác được ông Sơn nhắc tới là hoạt động của các phương tiện giao thông thủy trên sông Đà có thể va đâm cũng có nguy cơ tiềm ẩn gây ra sự cố tràn dầu.

“Thế nhưng, theo quy định của nhà máy nước ở Việt Nam hiện nay thì họ không phải lập kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu. Còn nếu phải xây dựng hoạch ứng phó thì họ sẽ nhìn rõ những nguy cơ tiềm ẩn nêu trên. Cái lỗi của nhà máy trong vụ việc này là tại sao khi phát hiện dầu tràn vào vẫn cho vận hành. Đây là điều bất cập,” ông Sơn nói.

su co nuoc nhiem ban he lo an ninh nguon nuoc con nhieu lo hong

Trong buổi chiều 16/10, có rất đông người dân đến xếp hàng lấy nước sạch. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Người đứng đầu Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam cũng lưu ý, về mặt an toàn chất lượng sản phẩm, chắc chắn phía nhà máy phải có quy trình kiểm soát cái nguồn nước đầu vào, tức là nước thô. Nhưng việc 1 tuần mới lấy mẫu kiểm tra 1 lần, kể cả khi nước sặc sụa mùi mà chất lượng nước phòng thí nghiệm của nhà máy vẫn đạt tiêu chuẩn thì cần phải xem lại.

“Trong trường hợp không phải là sự cố tràn dầu, hóa chất, không phải do phương tiện giao thông va đâm, mà về vấn đề an ninh, ví dụ như người ta thải một chất độc hại từ hai bên bờ sông Đà, gây ảnh hưởng lâu dài về sức khỏe con người thì liệu nhà máy có phát hiện được không,” ông Sơn lo lắng.

Về vấn đề sau nhà máy, ông Sơn cho biết đường ống dẫn cấp nước từ nhà máy về người dân Hà Nội từng bị bục vỡ tới hơn 20 lần và câu hỏi đặt ra là liệu đã có phòng kiểm nghiệm độc lập để kiểm tra chất lượng ống đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng hay chưa?

“Ngoài ra, chúng ta đã lường trước được các tình huống đào, khoan khiến đường ống bị thủng khiến chất độc hại lẫn vào đường nước sạch hay chưa?Bởi, vấn đề khủng bố không thuần túy là nổ bom mà có những cái ‘lặng lẽ’ mà hàng chục năm sau mới phát hiện được mức độ ảnh hưởng,” ông Sơn bày tỏ.

Câu chuyện vừa qua cũng cho thấy quy trình sản xuất, giám sát và ứng phó với sự cố còn rất lỏng lẻo. Và thế, nguồn nước có thể bị “xâm hại” bất cứ lúc nào.

Phải có hệ thống quan trắc tự động

Trên phương diện là Trưởng Ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, tiến sĩ Đào Trọng Tứ cho rằng từ sự cố nước nhiễm dầu của Nhà máy nước sông Đà cho thấy “an ninh nguồn nước” đang thực sự có vấn đề. Ở đây cần nhìn nhận việc kiểm soát, giám sát đầu vào và chất lượng nước đầu ra chưa đảm bảo.

“Với quốc tế, việc cấp nước cho con người là mối quan tâm hàng đầu để đảm bảo an ninh nước. Do đó, họ giám sát, kiểm soát nguồn nước hết sức chặt chẽ bằng hệ thống quan trắc tự động, lấy mẫu xét nghiệm liên tục hàng ngày,” ông Tứ nhấn mạnh.

Theo ông, đơn cử như ở châu Âu, để đảm bảo vấn đề “an ninh nguồn nước” đối với một hồ tự nhiên, hay “nhân tạo hoàn toàn” thì các ngả dẫn ra hồ đều có biển báo cảnh báo, gắn camera an ninh. Khi có người tới hồ đều có người đến nhắc nhở không được làm bẩn hồ và tốt nhất không ở đấy. Hàng ngày đều có người lấy mẫu nước. Khi xảy ra sự cố sẽ lập tức có cảnh báo và xử lý bằng biện pháp cao nhất, có thể là truy tố hình sự.

su co nuoc nhiem ban he lo an ninh nguon nuoc con nhieu lo hong

Sự cố nước sạch sông Đà khiến người dân Hà Nội lao đao. (Ảnh: Vietnam+)

Còn ở Việt Nam thì sao? Từ năm 2009, chúng ta đã có quy chuẩn quốc gia về việc giám sát chất lượng ăn uống và giám sát chất lượng nước sinh hoạt. Ngày 14/12/2018, Bộ Y tế cũng đã có Thông tư số 41 về quy chuẩn quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt.

Theo quy chuẩn trên, việc giám sát chất lượng nước sinh hoạt được thực hiện bằng hai hình thức là nội kiểm (cơ sở cung cấp nước tự thực hiện) và ngoại kiểm (cơ quan quản lý nhà nước thực hiện). Trước khi đưa nguồn nước vào sử dụng sẽ phải xét nghiệm tất cả các chỉ tiêu. Đối với nước sinh hoạt sẽ phải đảm bảo 14 chỉ tiêu, riêng nước ăn uống có tới 109 chỉ tiêu như màu sắc, mùi vị, độ dục, Clo dư, pH...

Như vậy, trong quy chuẩn và thông tư của Bộ Y tế đã nêu rất rõ yêu cầu về việc giám sát chất lượng nước ở đầu nguồn là cần phải có xét nghiệm, nếu đảm bảo chỉ tiêu chất lượng thì mới được đưa vào sử dụng. Khi xảy ra sự cố phải thông báo chất lượng nước hàng ngày cho cơ quan quản lý và khách hàng để xử lý.

Tuy nhiên, qua sự cố ô nhiễm nguồn nước Nhà máy nước Sông Đà, ông Tứ cho rằng việc thực thi của doanh nghiệp và ngay cả cơ quan quản lý đang có vấn đề.

“Lâu nay, các Bộ, ngành nói rất nhiều rằng chúng ta đang đứng trước thách thức về nguồn nước. Chúng ta có đủ Luật Bảo vệ Môi trường, Nghị định, Thông tư, nhưng sao các sông suối của chúng ta vẫn bị tác động, suy thoái, ô nhiễm phổ biến như vậy? Đơn giản là việc thực thi của cơ quan quản lý và doanh nghiệp có vấn đề, chưa thực sự sâu sát trong việc kiểm tra, giám sát...,” ông Tứ nhận định.

Qua sự cố nêu trên, giới chuyên gia kiến nghị các khu vực đầu nguồn cung cấp nước cho các đô thị lớn phải được xếp vào danh mục các công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia và phải có hệ thống quan trắc tự động, giám sát nghiêm ngặt và liên tục.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần chủ động trong việc kiểm tra bên ngoài và yêu cầu khắt khe đối với các đơn vị vận hành, sử dụng nguồn nước; có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các đơn vị vận hành nguồn nước. Có như thế mới tránh khỏi rủi ro đáng tiếc như sự cố nước nhiễm dầu vừa xảy ra./.

Hùng Võ (Vietnam+)

su co nuoc nhiem ban he lo an ninh nguon nuoc con nhieu lo hong “Đổ dầu bẩn vào nguồn nước là tội ác, phải xử lý nghiêm”
su co nuoc nhiem ban he lo an ninh nguon nuoc con nhieu lo hong Vụ đổ thải đầu nguồn nước sông Đà: Triệu tập một số người liên quan
su co nuoc nhiem ban he lo an ninh nguon nuoc con nhieu lo hong Triệu tập một số người có liên quan đến vụ đổ trộm dầu nguồn nước sông Đà

/ www.vietnamplus.vn