Các nhóm phiến quân và khủng bố ở Pakistan coi Trung Quốc là kẻ thù nên thường xuyên tấn công vào những dự án của Bắc Kinh.
Chiếc xe bốc cháy tại hiện trường vụ tấn công lãnh sự quán Trung Quốc ở Karachi hồi tháng 11 năm ngoái. Ảnh: Reuters. |
Ngày 23/11 năm ngoái, ba kẻ khủng bố từ lực lượng Quân đội Giải phóng Baloch (BLA), nhóm tay súng chủ trương đòi ly khai cho người Baloch, tấn công lãnh sự quán Trung Quốc ở Karachi, Pakistan. Baloch là cộng đồng dân tộc thiểu số phân bố tại một số khu vực ở Pakistan, Afghanistan và Iran. Các tay súng này không thể xâm nhập tòa nhà lãnh sự quán và bị tiêu diệt tại cổng vào.
Công dân Trung Quốc từng bị tấn công tại Pakistan, nhưng đây là vụ khủng bố nghiêm trọng đầu tiên nhằm vào lợi ích quốc gia Trung Quốc. Nó làm dấy lên mối quan ngại về tính an toàn của Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC), dự án chủ chốt trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh. CPEC, bắt đầu từ tỉnh Tân Cương, Trung Quốc, kết thúc tại cảng Gawadar, tỉnh Balochistan, đang trở thành mục tiêu của hàng loạt nhóm nổi dậy và khủng bố ở Pakistan, South China Morning Post dẫn lời chuyên gia Abdul Basit từ Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore, nhận xét.
Có khoảng 20.000 công dân Trung Quốc đang làm việc ở Pakistan, trong đó một nửa liên quan đến CPEC. Con số này dự kiến còn tăng khi Trung Quốc đưa thêm công ty và công nhân đến Pakistan thực hiện các dự án trên hành lang kinh tế. Trong khi đó, số công dân Trung Quốc thăm Pakistan hàng năm theo diện visa ngắn hạn đạt khoảng 70.000 người.
Bất chấp thành công của CPEC, các tay súng ly khai Baloch coi những khoản đầu tư từ Trung Quốc tại khu vực họ sinh sống là hành động chiếm đoạt và bóc lột tài nguyên. Họ tin rằng những dự án Trung Quốc chỉ nhằm thuộc địa hóa người Baloch, do đó họ kháng cự.
Những năm gần đây, BLA nổi lên như mối đe dọa lớn nhất đối với CPEC ở Pakistan. BLA cáo buộc Trung Quốc "áp bức đạo Hồi" và cho rằng chính phủ Pakistan hợp tác với Bắc Kinh, hành động không vì lợi ích của người dân tỉnh Balochistan.
BLA có một mạng lưới phức tạp, với 2.000 đến 3.000 tay súng trong hàng ngũ, hoạt động rải rác tại Afghanistan, Iran và vùng núi Balochistan. Hầu hết thành viên BLA đều xuất thân từ bộ tộc Baloch Bugti và Marri. Hồi tháng 8 năm ngoái, BLA tấn công một xe buýt chở các kỹ sư Trung Quốc ở quận Dalbadin, làm 5 người bị thương, bao gồm 3 kỹ sư Trung Quốc làm việc tại dự án Saindak, nơi Trung Quốc - Pakistan khai thác vàng, bạc và đồng chung.
BLA là một trong 6 nhóm ly khai Baloch chống lại những dự án do Trung Quốc đầu tư tại tỉnh Balochistan, đặc biệt tại cảng Gawadar. Harbiyar Marri, thủ lĩnh BLA, người hiện sống ở London, cùng với 12 chỉ huy ly khai Baloch, được cảnh sát xác định là chủ mưu vụ tấn công lãnh sự quán Trung Quốc.
Những nhóm nổi dậy chống Trung Quốc khác của người Baloch bao gồm Mặt trận Giải phóng Balochistan, Quân đội Cộng hòa Baloch và Lashkar-e-Balochistan.
Cảng Gawadar. Ảnh: Reuters. |
Theo nhà nghiên cứu Abdul Basit, địa chính trị là yếu tố không thể bỏ qua khi đánh giá về cuộc tấn công nhằm vào lãnh sự quán Trung Quốc ở Karachi. Năm 2016, lực lượng an ninh Pakistan bắt một gián điệp Ấn Độ, Kulbhushan Yadev đến từ Balochistan, khi người này đang trên đường tới tham dự cuộc họp với BLA. Trong lời khai, Yadev thừa nhận đã cung cấp hỗ trợ cho quân ly khai Baloch để tiến hành các cuộc tấn công ở Balochistan và Karachi, bao gồm cả phá hoại CPEC.
Yadev thú nhận là người đứng ra điều phối khoảng 40.000 USD giữa các lực lượng nổi dậy Baloch nhằm gây bất ổn cho CPEC. Số tiền được dùng để tuyển mộ và huấn luyện các tay súng cũng như mua vũ khí và chất nổ để tấn công công dân Trung Quốc và các công ty làm việc cho những dự án CPEC ở Pakistan.
Mặt khác, các nhóm cực đoan là một mối đe dọa khác đối với lợi ích của Trung Quốc ở Pakistan, Abdul Basit nhận định. Cả al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) đều coi Trung Quốc là kẻ thù, bắt nguồn từ những chính sách được cho là chèn ép người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương mà Bắc Kinh đang áp dụng.
Hồi tháng 5/2014, Abu Zar Al-Burmi, lãnh tụ Jihad có ảnh hưởng với người Uzbekistan và người Duy Ngô Nhĩ, đăng một video kêu gọi tất cả các tay súng nhắm mục tiêu vào sứ quán và công ty Trung Quốc, đồng thời bắt cóc và sát hại công dân Trung Quốc.
Tháng 5/2017, các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo của Khurasan (ISK), chi nhánh IS ở khu vực Afghanistan - Pakistak, bắt cóc sau đó giết hại một cặp đôi người Trung Quốc tại Quetta, thủ phủ tỉnh Balochistan.
Theo Abdul Basit, vụ tấn công vào lãnh sự quán Trung Quốc sẽ làm gia tăng chi phí an ninh đối với các dự án CPEC ở Pakistan. Dù Pakistan đã quyết định thành lập một đơn vị quân đội mới với hơn 15.000 binh sĩ nhằm bảo vệ những dự án CPEC, các tập đoàn nhà nước cùng những công ty tư nhân Trung Quốc làm việc ở Pakistan vẫn tự mình thuê các công ty an ninh riêng để đảm bảo an toàn.
"Với giá trị kinh tế, phạm vi và khối lượng công việc khổng lồ, CPEC và những người liên quan tới nó vẫn sẽ là mục tiêu hàng đầu của các nhóm khủng bố đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng và kiếm tiền thông qua bắt cóc đòi tiền chuộc", Abdul Basit bình luận.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc phải tăng gấp đôi nỗ lực hợp tác chống khủng bố với Pakistan nhằm vượt qua những mối đe dọa an ninh tương lai. Cùng lúc, với tư cách đối tác chiến lược của Islamabad, Bắc Kinh cũng phải thuyết phục chính quyền Pakistan từ bỏ hỗ trợ đối với một số nhóm phiến quân nhằm trở thành xã hội phi khủng bố.
Theo ông Basit, từ những năm 1980, Pakistan đã hậu thuẫn nhiều nhóm chiến binh Hồi giáo khác nhau, ví dụ như mạng lưới Lashkar-e-Taiba và Haqqani, nhằm đạt được những mục tiêu chính sách ngoại giao ở Afghanistan và Kashmir. Sau vụ khủng bố 11/9/2011, các nhóm như trên lại chĩa súng vào Pakistan, gây nên tình trang hỗn loạn và bất ổn.
Vị trí tỉnh Balochistan. Đồ họa: BBC. |
Trung Quốc quân sự hóa \'Vành đai, Con đường\' tại Pakistan? Trong khuôn khổ chương trình mà Bắc Kinh luôn khẳng định là hòa bình, Pakistan và Trung Quốc đang thúc đẩy các dự án liên ... |